Doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng khoa học công nghệ

Nga Phạm

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh lớn.

Khoa học công nghệ đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khoa học công nghệ đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng khoa học công nghệ đã trở thành kim chỉ nam đối với hoạt động doanh nghiệp. Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ năm 2009, Công ty cổ phần Rạng Đông đã chú trọng liên kết hợp tác với các trường đại học lớn để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Theo đó, Công ty đã xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số.

Mục tiêu Công ty hướng tới là các sản phẩm có thiết kế Việt Nam, sản xuất trên dây chuyền Việt Nam và kinh doanh trên nền tảng của Việt Nam nhưng vẫn mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng đủ điều kiện chất lượng để xuất khẩu. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, doanh thu của Công ty năm sau luôn cao hơn trước, đặc biệt giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15%-18%, lợi nhuận tăng khoảng 17 %.

Tương tự, từ nhiều năm qua Tập đoàn Sao Mai đã hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra. Năm 2020, Công ty tiếp tục tham gia chương trình với mô hình hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất bột cá và bột nêm từ phụ phẩm cá tra. Khi áp dụng công nghệ vào khâu sản xuất, từ làm nguyên liệu cho thức ăn gia súc hay dầu biodiesel, mỡ cá tra đã được nâng tầm giá trị khi được tinh luyện thành sản phẩm dầu ăn cao cấp, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Khi áp dụng công nghệ, công suất của nhà máy tinh luyện mỡ cá tra đạt 200 tấn nguyên liệu/ngày, xấp xỉ 60.000 tấn nguyên liệu/năm, qua đó đưa doanh thu của Tập đoàn Sao Mai đã tăng tới 1.700 tỷ đồng. Nhờ nhanh chóng đổi mới công nghệ đã giúp Sao Mai nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ việc đầu tư khép kín từ con giống, ao nuôi, đến nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, Tập đoàn Sao Mai đang kiếm doanh thu hàng triệu đô từ phế phẩm cá tra.

Khoa học công nghệ đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng

Công ty cổ phần Rạng Đông và Tập đoàn Sao Mai chỉ là 2 trong số hàng nghìn doanh nghiệp của Việt Nam nhờ biết áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tăng cường khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp mang lại lợi ích kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả kỹ thuật cao nhất. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định từng nhấn mạnh, khoa học công nghệ đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP.

Ở góc độ là cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp được xác định là trọng tâm của các hoạt động triển khai dự án nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, thời gian tới, một trong những ưu tiên quan trọng của Bộ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp là tập trung xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây vừa là công cụ hỗ trợ quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan, vừa là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.

Về tăng năng suất, nội dung ưu tiên của Bộ Công thương là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lợi ích trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh.