Doanh nghiệp thời Covid: Thay đổi để tự giải cứu

Theo Quỳnh Trang/thoibaonganhang.vn

Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nên tái cấu trúc doanh nghiệp, tận dụng fintech và tiếp cận vốn để có thể tự cứu lấy mình trong giai đoạn khó khăn của thị trường và nhanh chóng phục hồi sau khi dịch qua đi.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Ảnh: ST
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Ảnh: ST

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20-50% doanh thu, 60% số doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu. Có thể thấy, Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế và trong đó, lực lượng DNNVV chiếm hơn 95% số doanh nghiệp trên cả nước được đánh giá là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nhanh sau dịch trong đó có lực lượng DNNVV, Chính phủ đã có những biện pháp cụ thể như miễn, giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn nộp thuế đất, hoãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội với các gói hỗ trợ: Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp 300 nghìn tỷ đồng, gói tài khóa 180 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, gói giảm giá điện 11 nghìn tỷ đồng…

Ngoài ra, Hà Nội cũng có những biện pháp riêng như hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho doanh nghiệp thành lập mới (phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 420.000 đồng/1 DN); Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV (trên 20 tỷ/năm).

Mới đây, trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 cho khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang là khu vực chịu thiệt hại nặng nhất bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, DNNVV cũng được các doanh nghiệp thương mại điện tử “tiếp sức” qua hàng loạt gói hỗ trợ. Cụ thể, dự kiến có 45.000 doanh nghiệp truyền thống, vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ được sàn thương mại điện tử Lazada hỗ trợ chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng. Shopee cũng triển khai gói hỗ trợ nhà bán hàng lên đến 100 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí quảng cáo và vận chuyển. Tiki cũng triển khai gói hỗ trợ miễn phí giao hàng nhanh giá trị gần 40 tỷ đồng, với mục đích góp sức chống dịch, giúp người dân thuận lợi mua sắm trực tuyến trong thời điểm giãn cách xã hội.

Tận dụng thời cơ để tái cấu trúc, nâng cao “sức khỏe tài chính”

Dù có rất nhiều sự hỗ trợ dành cho nhóm DNNVV, tuy nhiên đa số doanh nghiệp trong nhóm này vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân xuất phát từ khả năng hấp thụ của nhóm doanh nghiệp này còn yếu.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết: “Tôi đánh giá rất cao nỗ lực ngành Ngân hàng, trong thời gian ngắn đã tiến hành giảm nợ, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho hàng chục nghìn doanh nghiệp và vẫn đang tích cực tiếp tục hỗ trợ, trong đó có bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhìn lại mình, làm sao để đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng, cần đảm bảo về dòng tiền, tài sản thế chấp… thì các ngân hàng mới có cơ sở để hỗ trợ”.

Hiến kế cho các DNNVV, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho rằng, các doanh nghiệp này cần tìm giải pháp công nghệ tổng thể nhằm nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn lực, tận dụng lợi thế và cơ hội khi thị trường phục hồi.

Bà Mai Thị Hồng My - Giám đốc điều hành Verco Consultant, đơn vị cung cấp dịch vụ nhà huấn luyện và tái cấu trúc doanh nghiệp cho cộng đồng DNNVV cho rằng, doanh nghiệp cần tranh thủ thời gian này để tái cấu trúc lại doanh nghiệp trên 4 phương diện đó là: Chiến lược kinh doanh - tài chính - nhân sự - thương hiệu. Trong đó, tái cơ cấu về tài chính của doanh nghiệp là nhiệm vụ bức thiết trong giai đoạn khó khăn, các DNNVV cần dành thời gian tái cơ cấu sức khỏe tài chính, nâng cao khả năng tiền mặt. Đồng thời, giai đoạn này cũng là thời điểm vàng để cơ cấu lại nhân sự, tái cơ cấu về thương hiệu doanh nghiệp, lúc khó khăn chính là lúc thể hiện sự mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo bà My, DNNVV không thể đồng thời tái cơ cấu hết mà phải làm từng nội dung một, theo quy mô của doanh nghiệp, đánh giá doanh nghiệp đang định vị ở đâu, nội dung nào là trọng yếu.

Cũng đưa ra những biện pháp để giúp các DNNVV vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sau dịch, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Chính phủ cần có gói hỗ trợ riêng cho DNNVV, có thể cân nhắc việc cho vay qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng, và ngân hàng sẽ dùng tiền của mình cho vay DNNVV. Theo ông Hiếu đánh giá, việc giúp cho nhóm doanh nghiệp này “duy trì sự sống” rất quan trọng, vì họ chiếm 95% số doanh nghiệp của Việt Nam, sẽ là một lực lượng quan trọng trong cuộc vực dậy kinh tế sau dịch.