Doanh nghiệp tiết giảm được chi phí và thời gian nhờ áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000


Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trong cả nước triển khai áp dụng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000. Phản ánh từ các DN cho thấy, việc triển khai đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho DN cả trên phương diện tài chính lẫn quy trình thực hiện, chi phí thời gian, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của DN trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

ISO 22000 là Tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu. Việc áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 đối với DN trong chuỗi cung cấp thực phẩm đảm bảo đơn vị đó có hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và có khả năng cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường và người tiêu dùng. Theo ông Phạm Quốc Bình – Chuyên gia đánh giá Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT, việc triển khai Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 sẽ giúp cho DN được nhìn nhận là một đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Hiện nay, phiên bản ISO 22000:2018 là phiên bản ISO mới nhất. Cụ thể, ngày 19/6/2018, Tổ chức ISO đã công bố ban hành phiên bản mới của tiêu chuẩn ISO 22000:2018 – Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm thay thế cho Tiêu chuẩn ISO 22000:2005 (được ban hành ngày 01/09/2005). Nhằm vào tất cả các tổ chức trong ngành công nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, thuộc tất cả các quy mô và lĩnh vực, ISO 22000:2018 đã diễn giải hệ thống quản lý an toàn thực phẩm thành một quá trình cải tiến liên tục. Tiêu chuẩn tiếp cận phòng ngừa an toàn thực phẩm bằng cách giúp phát hiện, phòng ngừa và giảm các mối nguy thực phẩm trong chuỗi thực phẩm.

Tại Việt Nam, nhiệm vụ "Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm ISO 22000 vào các DN Việt Nam năm 2018” do Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT chủ trì thực hiện nhằm thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 tại DN và hình thành các mô hình điểm áp dụng thực hành làm cơ sở cho việc nhân rộng. Dự án nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”. Đến nay, việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm ISO 22000 đã được nhiều DN trong nước hưởng ứng tham gia và đạt được những kết quả rất tích cực.

Trường hợp tại Công ty cổ phần NosaFood - DN chuyên sản xuất tương ớt, tương cà, nước tương, viên gia vị, các loại sốt, nước mắm, nước mắm chay, muối tiêu… là một minh chứng. Nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã triển khai Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 tại một số DN, trong đó có Công ty cổ phần NosaFood. Sau khi thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 22000, Công ty cổ phần NosaFood đã tiết kiệm được chi phí 120 triệu đồng/năm, trong khi các cán bộ, nhân viên tham gia trong ban ISO lại được tăng thêm thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, sau khi thực hiện tích hợp hoạt động đánh giá được tiến hành đồng thời hai tiêu chuẩn, số lượng ngày đánh giá giảm xuống còn 4 ngày, giảm được ½ thời gian so với khi chưa thực hiện hoạt động tích hợp. Qua quá trình đánh giá cũng cho thấy, việc ghi chép hồ sơ của cán bộ vận hành cũng giảm rất nhiều trong khi vẫn kiểm soát được các công việc một cách hiệu quả; Hệ thống tài liệu cũng giảm đi một nửa nên việc tìm hiểu hệ thống quy định cũng thực hiện một cách dễ dàng... Nhờ hệ thống được tinh giảm và sát với thực tế nên người lao động không thực hiện công việc mang tính đối phó, trong khi người quản lý có nhiều thời gian tập trung vào được các vấn đề trọng điểm khác của công ty, công tác quản lý không bị chồng chéo như trước đó.

Một ví dụ điển hình khác là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại và Dịch vụ Bảo An - DN chuyên về sơ chế rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản; Cung cấp thực phẩm cho bếp ăn. Từ khi mô hình hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 được triển khai, đã tiết kiệm được nguồn kinh phí không nhỏ cho DN này. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT trong việc triển khai ISO 22000, hệ thống an toàn thực phẩm tại DN này đã được xây dựng và áp dụng, qua đó giúp nhận diện và chuẩn hoá quá trình trong hệ thống. Đánh giá của lãnh đạo DN cho thấy, sau khi thực hiện tích hợp hai ban ISO, số lượng nhân sự giảm đi, nên chi phí cho nhân sự cũng giảm đi đáng kể, giúp DN tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, đối với cán bộ vận hành trực tiếp hệ thống thì việc ghi chép hồ sổ sách giảm rất nhiều tuy nhiên vẫn kiểm soát được các công việc một cách hiệu quả; đối với các cán bộ quản lý, khi thực hiện hoạt động tích hợp đã giải quyết được việc chồng chéo trong công tác quản lý bởi việc kiểm soát được quy về một mối. Hơn nữa, do hệ thống tích hợp áp dụng trong công ty đã chỉ rõ được chức năng nhiệm vụ của các bộ phận nên sự phối hợp của các cán bộ quản lý gặp thuận lợi vì mọi công việc được xác định và làm rõ ngay từ đầu...

Ngoài ra, còn có hàng loạt các DN khác như: Công ty cổ phần Vifon chi nhánh Hải Dương, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, Công ty Trân Châu... đều ghi nhận những thay đổi tích cực nhờ việc triển khai Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000, đặc biệt đem lại lợi ích không hề nhỏ về mặt quản lý, kinh tế và hình ảnh thương hiệu cho các DN. Theo lãnh đạo nhiều DN, triển khai Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 giúp DN được nhìn nhận là đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Hệ thống này cũng giúp cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh do kiểm soát tốt các nguồn lực một cách có hệ thống từ lập kế hoạch đến kiểm soát nguyên liệu đầu vào, kiểm soát sản xuất, kiểm soát thành phẩm đầu ra, các quá trình đánh giá và cải tiến liên tục, góp phần giảm giá thành sản xuất của sản phẩm, mức giảm khá tốt so với trước đó...

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, các DN cần tiếp tục duy trì áp dụng hệ thống an toàn thực phẩm theo ISO 22000 nhằm không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực trong suốt toàn bộ vòng đời của quá trình tạo sản phẩm. Từ đó, giúp DN nâng cao hiệu quả năng suất chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết giảm được chi phí tài chính, thời gian, mở rộng thêm nhiều đơn hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ tạo được niềm tin từ đối tác khi mà yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội...