Doanh nghiệp vay nợ nước ngoài: Phải chọn lọc

Theo Minh Trang/nhadautu.vn

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu không quản lý tốt việc vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân có thể ảnh hưởng tới an toàn tài chính của quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khoảng ba năm trở lại đây, cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam thay đổi nhanh chóng. Thông tin tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nợ nước ngoài (không có Chính phủ bảo lãnh) của khối doanh nghiệp tư nhân đang tăng rất nhanh: năm 2016 tăng 25,7% so với 2015, năm 2017 tăng 39,6% so với 2016, trực tiếp đẩy tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP trong các năm 2015, 2016, 2017 và năm 2018 tương ứng là 42%, 44,8%, 48,9% và 49,7% - áp sát ngưỡng 50% GDP được Quốc hội cho phép.

Một số thương vụ đáng chú ý có thể kể đến như ADB cho BIDV vay 300 triệu USD, IFC cho vay một loạt ngân hàng như VIB (185 triệu USD), TPBank (100 triệu USD), OCB (100 triệu USD), Credit Suisse thu xếp cho Vinfast (950 triệu USD), Novaland (100 triệu USD)...

Việc tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế mở ra một kênh dẫn vốn dồi dào cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Dù vậy, có những ý kiến nhìn nhận cần phải kiểm soát chặt chẽ để không lệ thuộc vào nguồn vốn ngoại, tránh những hệ luỵ đáng tiếc.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng để có thêm góc nhìn về chủ đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc liên tiếp thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước tiến hành vay nợ và phát hành trái phiếu với hạn mức lên tới hàng trăm triệu USD?

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta biết rằng để vay trên thị trường vốn quốc tế là không đơn giản. Phải là những doanh nghiệp lớn, uy tín, có năng lực quản trị và kiểm soát nội bộ, đồng thời phải tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn khắt khe nhất thì mới có thể lọt vào "rổ" của các định chế tài chính hàng đầu thế giới.

Việc tổ chức tài chính nước ngoài cho vay hoặc đứng ra thu xếp nguồn vốn hàng trăm triệu USD như vậy có thể xem là tín hiệu đáng mừng, một dấu hiệu tốt cho thấy vị thế của các nhà kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện và nâng cao trong mắt giới tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng dù Chính phủ không phải chịu trách nhiệm chi trả, thì trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân vỡ nợ vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền tài chính trong nước . Bởi nếu nợ trong nước thì Chính phủ còn có thể cung tiền để bù đắp, nhưng nợ nước ngoài thì nguồn cung ngoại tệ có giới hạn, và nếu vượt ngưỡng đó thì cả quốc gia có thể lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản.

Dù dự trữ ngoại hối những năm gần đây đã được tăng cường, song chúng ta chưa đủ mạnh để đương đầu với một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Cho nên theo tôi, cần quản lý chặt chẽ và không dễ dãi với các khoản vay bằng ngoại tệ.

Như vậy, có thể hiểu trường hợp tư nhân vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm của quốc gia?

Đúng vậy, nhưng chưa đủ ý. Các tổ chức chấm điểm tín nhiệm không chỉ xem xét tình hình trả nợ của Chính phủ, mà còn đối với cả công ty tư nhân. Thành ra nợ nước ngoài khi đến mức quá lớn, vượt qua tỷ lệ an toàn thi dĩ nhiên là hạng mức tín nhiệm của quốc gia có thể bị đánh tụt, từ đó uy tín quốc gia suy giảm. Khối tư nhân vay nước ngoài càng lớn càng tác động đến điểm tín nhiệm quốc gia, đẩy lãi suất lên cao ngay cả đối với các khoản vay của Chính phủ.

Vậy có nên xác định ngưỡng giới hạn đối với vay nợ nước ngoài của tư nhân hay không?

Bây giờ ko nói trần bao nhiêu nhưng nếu nợ khu vực tư nhân tăng cao thì phải rất cẩn thận. Chính phủ phải bảo đảm các doanh nghiệp đi vay phải có khả năng trả nợ. Lẽ dĩ nhiên là Chính phủ rất bận rộn và chỉ nên quản lý về vĩ mô, còn công việc cụ thể cần giao cho Ngân hàng Nhà nước. Họ là cơ quan quản lý chính sách ngoại hối, bởi vậy phải bám sát năng lực trả nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế thì nợ nước ngoài hiện đã xấp xỉ trần cho phép của Quốc hội, nên cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp đều rất khó vay thêm nhiều. Tôi được biết Chính phủ đã có chỉ đạo và NHNN đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay này bảo đảm trong giới hạn cho phép.

Yêu cầu NHNN phải bám sát khả năng trả nợ của doanh nghiệp liệu có quá khó, vì phải dựa vào khả năng phát triển trong tương lai, nó thuộc về năng lực của doanh nghiệp, kỳ vọng của thị trường?

Chẳng có gì khó. Doanh nghiệp muốn vay nước ngoài phải lên kế hoạch chi tiết, trong đó đưa ra các kịch bản từ tốt đến xấu. Mỗi một trong số đó phải làm rõ trong vòng đời dự án họ sẽ bán được bao nhiêu sản phẩm một năm, rồi tính ra doanh thu, so với nợ gốc và lãi phải trả, sẽ thấy rõ có khả năng có trả nợ hay không. Ở trong lĩnh vực tài chính không gì là không lượng hoá được. Đã đi vay là phải có kế hoạch rõ ràng, đưa ra các khả năng thu nhập và trả nợ rành mạch, khả thi.

Nói như ông, phải chăng nếu doanh nghiệp vỡ nợ thì cần quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước?

Dĩ nhiên cơ quan nào giám sát, cấp phép cho vay ngoại tệ thì phải đứng ra nhận trách nhiệm. Ở đây không phải trách nhiệm pháp lý, mà là trách nhiệm chính sách. Khi ông chấp thuận cho doanh nghiệp nào vay nước ngoài thì phải xem xét kỹ có đủ nguồn thu để trả hay không. Còn nếu cứ nhắm mắt làm ngơ, nghĩ rằng đây là khuyến khích doanh nghiệp sẽ rất dễ rơi tình trạng nguy hiểm về tài chính.

Xin cảm ơn ông!