Ðổi mới xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu bền vững

Theo Khánh Trung/Báo Cần Thơ

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, có một số thời điểm làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hóa. Dù vậy, với nhiều nỗ lực vượt khó, hoạt động ngoại thương của nước ta vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2,  TP Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung

Các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên nền tảng số duy trì, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh. Năm 2021, Bộ Công Thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện XTTM trực tuyến. Nhiều hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương phối hợp tổ chức trên môi trường số.

Nỗ lực thích ứng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Qua 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã đạt trên 300 tỉ USD và  dự kiến cả năm nay đạt hơn 330 tỉ USD, tăng  hơn 17% so với năm 2020”.

Do tác động nặng nề của dịch COVID-19 nên 2 năm qua là thời gian đầy khó khăn của nền kinh tế, trong đó có hoạt động XTTM và xuất khẩu. Hầu như tất cả các hoạt động XTTM cơ bản nhất và hiệu quả nhất mà chúng ta biết như hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm… đều đã bị gián đoạn một cách nghiêm trọng bởi dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, chính quyền địa phương, sự chủ động, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức XTTM, hoạt động XTTM đã chuyển đổi mạnh mẽ, thích ứng với tình hình mới. Kịp thời hỗ trợ, giúp các đơn vị, doanh nghiệp trong việc kết nối, khai thác thị trường xuất khẩu, qua đó góp phần duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp không nhỏ vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất khẩu năm nay.

Ðến hết tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 602 tỉ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỉ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ và nhập khẩu đạt 300,27 tỉ USD, tăng 27,9%, với cán cân thương mại 11 tháng xuất siêu 1,46 tỉ USD. Ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 660,1 tỉ USD, tăng 21% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 331,1 tỉ USD, tăng 17,2%, xuất siêu khoảng 2,1 tỉ USD, tăng 0,64%.

Theo Bộ Công Thương, dự kiến năm 2021 có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 4 nhóm hàng so với năm trước. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, công tác hội nhập quốc tế và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được quan tâm, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.

Tiếp tục đổi mới XTTM

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương, cho biết: “XTTM trên môi trường số đã trở thành giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là một phương thức trong thời gian tới phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế.” Theo ông Phú, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế XTTM trên nền tảng số, đồng thời quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực XTTM cho cộng đồng doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao hiệu quả XTTM, khai thác tốt các cơ hội do các FTA mang lại. Tăng cường chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HÐH đất nước.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM và phát triển xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” để tạo kênh đối thoại, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia và các bên liên quan.

Tại diễn đàn này, bên cạnh cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình thực hiện XTTM và hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta, các chuyên gia đã tập trung phân tích, làm rõ các xu thế thị trường, khả năng phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới trong bối cảnh còn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đó, nhận diện các cơ hội thị trường và đề xuất các giải pháp XTTM và phát triển xuất khẩu hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết, triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế của châu Á và thế giới trong năm 2022 là tốt. Thương mại toàn cầu hồi phục nhanh và Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển xuất khẩu, Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA, tiếp tục quan tâm khắc phục các khó khăn do dịch COVID-19, đặc biệt là tìm cách giảm chi phí thương mại trong bối cảnh giá cước vận tải tăng cao kéo dài. Tiếp tục cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư công nghệ, tăng cường liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm và dịch vụ toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2022, nhu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm ngành dịch vụ nhà hàng - khách sạn - du lịch hồi phục. Ðể hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, Cục XTTM và Bộ Công Thương cần tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia.

Song song đó, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động trực tuyến giao dịch thương mại B2B (giao dịch doanh nghiệp - doanh nghiệp) và XTTM trên nền tảng số vốn rất hiệu quả trong thời gian qua. Ðặc biệt, cần tiếp cận nó như một công cụ mới để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chú trọng tiếp cận với các thị trường tiềm năng như Nga, Úc, Mexico, các nước Trung Ðông và khối ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, XTTM tới đây cần chú trọng chuyển đổi số, hoàn thiện về mặt pháp lý, phương tiện, mô hình và đào tạo cho doanh nghiệp các kỹ năng để có thể mở rộng hoạt động trong môi trường số. Đặc biệt, để phát triển xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần có sản phẩm xanh, sạch và phải coi lợi ích của người tiêu dùng là tối thượng. Trong mọi chương trình XTTM, điều đầu tiên chương trình hướng đến là cần giáo dục để người sản xuất làm ra sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng…