"Đòn bẩy" đưa kinh tế nông thôn Gia Lai khởi sắc

Theo Vũ Thảo - Lê Nam/Báo Gia Lai

Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Gia Lai đã có 22 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Chương trình đã góp phần quan trọng để từng bước nâng tầm đặc sản và sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Nâng tầm sản phẩm đặc trưng

Nhờ xác định đúng sản phẩm trọng tâm dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, trong 2 năm qua, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc HTX-cho hay: Trong quá trình tham gia Chương trình OCOP, HTX đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện về bao bì, nhãn mác. Do đó, năm 2019, HTX có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu sọ hữu cơ, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí; năm 2020, có sản phẩm bộ cà phê Đak Yang đạt 3 sao cấp tỉnh.

Mỗi năm, HTX tham gia hơn 20 hội chợ, các sự kiện kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Hiện các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của HTX đã có mặt tại một số siêu thị lớn và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Cùng với kênh tiêu thụ truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn, do đó, thị trường ngày càng được mở rộng.

Sở hữu sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Phạm Ngọc Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: “Để sản phẩm gạo Phú Thiện đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX đã từng bước hình thành việc sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị. Theo đó, HTX liên kết các hộ thành viên sản xuất những bộ giống lúa tốt, chất lượng gạo ngon, mang hương vị đặc trưng.

Để sản phẩm đồng bộ về chất lượng, HTX đã cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho các hộ thành viên. Hàng năm, HTX tổ chức thu mua trên 200 tấn lúa chất lượng, đạt tiêu chuẩn để chế biến gạo đưa ra thị trường. Kể từ lúc đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm gạo của HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bước đầu, 11 đại lý tại TP. Pleiku và 2 đại lý tại TP. Hồ Chí Minh đã ký kết tiêu thụ gạo của HTX”.

Hiện nay, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh được nâng cao về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Sau 2 năm triển khai, huyện có 19 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận, dần vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và hướng đến xuất khẩu.

Việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX, tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và có thêm động lực để phát triển. “Chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phát triển nguồn nguyên liệu và xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng bán hàng, quản lý cho các tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, huyện tiếp tục hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân từ việc hoàn thiện sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác, in bao bì, truy xuất nguồn gốc đến xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện siết chặt quản lý sử dụng tem, nhãn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin thêm.

Còn ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: “Việc phát triển sản phẩm hàng hóa địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, huyện đã quan tâm hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm thực hiện các quy trình kiểm tra về cơ sở, dây chuyền sản xuất, thiết kế bao bì, thực hiện đăng ký mã vạch, mã QR Code, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Muốn khởi nghiệp từ OCOP thành công thì điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, thắt chặt liên kết giữa “4 nhà”.

Cũng theo ông Duyên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không theo tiêu chuẩn nào thì sẽ không có khả năng cạnh tranh và cũng không thể tồn tại. Do đó, Chương trình OCOP hỗ trợ các chủ thể phát triển hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Chương trình kinh tế của cộng đồng

Sau gần 3 năm triển khai Quyết định số 34/QĐ-UBND ngày 23/1/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, đến nay, tỉnh ta đã đạt những kết quả rất quan trọng, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Các chủ thể đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng. Về tiêu thụ, ngoài những kênh truyền thống, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee... Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng của các đơn vị nhưng doanh số tiêu thụ sản phẩm vẫn tăng khoảng 20% so với thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho hay: “Trong 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Trung tâm đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Việc giới thiệu, phổ biến rộng rãi nội dung, mục đích, ý nghĩa Chương trình OCOP được thực hiện thông qua nhiều hình thức như phát hành tập san, xây dựng chuyên mục truyền hình, tổ chức hội chợ triển lãm chuyên đề, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử… Đến nay, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, rượu ghè, thịt bò một nắng, muối kiến vàng… Cũng trong gần 3 năm qua, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được giới thiệu đến một số tỉnh, thành trên cả nước”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Lai, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp triển khai của các sở, ban, ngành, địa phương, tỉnh ta đã có 149 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Để hỗ trợ các chủ thể trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX mở 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị có sản phẩm OCOP tham dự các hội chợ tại Campuchia, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ thể tuyên truyền sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng cho khách trong và ngoài nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát trong triển khai Chương trình OCOP và xem đây là chương trình khởi nghiệp toàn dân. Công tác truyền thông phải giúp cộng đồng hiểu được đây là chương trình kinh tế của cộng đồng. Các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất sản phẩm cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để cọ xát, nâng cao, mở rộng tư duy, tầm nhìn và có chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn cho sản phẩm của mình.

Bên cạnh đó, tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; duy trì chu trình OCOP thường niên; tiếp tục chuẩn hóa, duy trì hạng sao, nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tỉnh Gia Lai phấn đấu mỗi năm có trên 70 sản phẩm đạt 3 sao trở lên và đến năm 2025 có ít nhất 2 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia” Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin thêm.

Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh Gia Lai có 149 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh, vượt 98 sản phẩm so với kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là hơn 107,3 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 là gần 46 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước hơn 14,5 tỷ đồng, vốn từ cộng đồng hơn 31,4 tỷ đồng); năm 2020 hơn 61,4 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước gần 17,3 tỷ đồng, vốn từ cộng đồng hơn 44,1 tỷ đồng).