Dồn sức hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Theo H.Tân - H.Thu/Báo Hậu Giang

Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên các địa phương tiếp tục giãn cách xã hội, siết chặt người đi lại; từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước tình hình trên, các ngành chức năng vừa chống dịch vừa nỗ lực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản đã tới kỳ thu hoạch...

Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: H.Thu
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: H.Thu

Nỗ lực... vượt khó

Ông Võ Quốc Thanh - Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Khánh Hòa (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), cho biết: “Nhãn xuồng cơm vàng loại 1 đang được bán ra với giá dao động khoảng 25.000 đồng/kg, còn cân hàng xô thì giá bình quân là 14.000 đồng/kg… Mức giá này tuy không cao bằng những năm trước, nhưng đảm bảo cho nông dân có lãi chút ít trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, khiến việc tiêu thụ khó khăn”.

Theo ông Thanh, toàn bộ HTX có 90ha nhãn xuồng cơm vàng, với sản lượng khoảng 500 tấn mỗi năm; đây là loại trái cây đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Vào đầu vụ 2021, một số xã viên tiêu thụ nhãn xuồng với giá 40.000-50.000 đồng/kg, trong khi năng suất đạt bình quân từ 700-800 kg/công, chi phí giá thành sản xuất dao động khoảng 12.000 đồng/kg nên đảm bảo cho bà con lãi khá. Tuy nhiên, khi diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, các địa phương áp dụng giãn cách xã hội để chống dịch thì việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, giá giảm mạnh.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cùng các ngành của tỉnh và huyện Châu Phú đã vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nhãn bằng nhiều hình thức; trong đó có gửi công văn nhờ các địa phương khác giúp sức. Với sự vào cuộc quyết liệt, cùng sự linh động, đa dạng hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau, nhất là qua mạng…

Nhờ đó, nhãn xuồng cơm vàng của HTX được các khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, các tỉnh ĐBSCL đặt mua khá nhiều. Sau khi nhận đơn hàng, HTX tổ chức thu hoạch đúng chủng loại, chất lượng và vận chuyển giao hàng bằng xe “luồng xanh”, gửi bưu điện... Đến nay, số lượng nhãn tiêu thụ rất nhiều, đã gần hết; vì vậy các xã viên không còn lo nữa. Đây là điểm sáng trong tình thế khó khăn chung.

Theo Bộ Công Thương, những ngày qua giá lúa tươi tại ĐBSCL tăng 100 đồng/kg, nếp cũng tăng 100 đồng/kg, đối với các giống lúa như OM5451 tăng 200-300 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua. Tuy nhiên, một số cây ăn trái vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ, do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.

Điển hình như thanh long đang thu hoạch chính vụ tại Long An, Tiền Giang giá bán thấp, tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000-3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg, với giá này nông dân không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao. Đối với các vườn chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tương đối tốt, còn chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được bán tại vườn chỉ 2.000-4.000 đồng/kg; đồng thời tiêu thụ trong nước chậm lại do tác động của dịch bệnh.

Trong khi đó, giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp từ 1.500-2.000 đồng/kg bởi thương lái thu mua ít. Ngoài ra, thị trường chăn nuôi tương đối khó, bởi giá thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt heo hơi ở mức 50.000-54.000 đồng/kg (giảm 16% so tháng trước), gà siêu thịt công nghiệp phổ biến dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm 20%).

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết một số loại nông sản tới thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua hoặc thu mua cầm chừng với số lượng ít, gây ra tình trạng chưa tiêu thụ hết nông sản đã đến đợt thu hoạch. Qua ghi nhận tại các địa phương hiện nay sản lượng nông sản chưa tiêu thụ được là 3.257 tấn, trong đó do không có thương lái thu mua là 1.421,5 tấn và do người dân neo chờ giá tăng để bán là 1.835,6 tấn, đặc biệt là thủy sản và trái cây.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Trước tình hình ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, nhưng được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, Tổ công tác tiền phương Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân kết nối tiêu thụ lượng nông sản tồn đọng.

Cụ thể, hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh được triển khai thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, thông qua đăng tải thông tin trên báo, tổ công tác của Bộ NN&PTNT, nhóm zalo HTX Hậu Giang và hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của Sở Công thương, các doanh nghiệp; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đồng loạt vào cuộc giúp nông dân

Theo Bộ NN&PTNT, trang website kết nối nông sản tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại, thông tin sản phẩm cần mua. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi ngày, Tổ công tác của Bộ kết nối tiêu thụ thành công hơn 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản (tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá rô phi…

Có một số ngày, Tổ kết nối tiêu thụ được trên 1.500 tấn thủy sản/ngày); các loại rau gia vị, hàng rau củ quả (chủ yếu dưa leo, củ sắn, bầu, bí…) cũng được kết nối khá nhiều. Điểm tích cực là hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn, khi đăng ký đầu mối qua Tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng VietGAP để bán.

Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ thông qua Tổ công tác kết nối sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại; nhiều tiểu thương đã liên hệ với các đầu mối đặt hàng. Tại An Giang, UBND tỉnh này và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 vừa ký kết kế hoạch phối hợp về hỗ trợ người dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Căn cứ kế hoạch sản xuất và nhu cầu thu hoạch nông thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sẽ phối hợp với tỉnh, tổ chức giúp người dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong điều kiện áp dụng giãn cách xã hội nên việc đi lại trong thu hoạch, vận chuyển nông sản gặp khó khăn. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giúp người dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản hiện nay là rất cần thiết, kịp thời; đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.

Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9, cho biết: “Thời gian qua, các đơn vị quân đội nói chung và Quân khu 9 nói riêng luôn được sự đùm bọc, chở che của Nhân dân. Nay trước những khó khăn của dịch COVID-19 thì Quân khu 9 luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với bà con. Cụ thể, không chỉ hỗ trợ lực lượng thu hoạch lúa, nông sản giúp dân; Quân khu 9 còn sẵn sàng điều động xe tải hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho nông dân An Giang, cũng như các tỉnh khác nếu có yêu cầu”.

Để giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là các mặt hàng rau củ quả hiện nay ở An Giang và ĐBSCL, trong điều kiện TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam bộ thiếu nguồn cung, Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt đề nghị tỉnh An Giang kết nối các đầu mối, địa chỉ tiêu thụ nông sản tại TP. Hồ Chí Minh và các nơi khác. Phía Quân khu 9 sẽ hỗ trợ xe tải vận chuyển, đảm bảo an toàn theo quy định phòng chống dịch COVID-19.

Vào cuối tuần qua, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã ký kết kế hoạch phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về việc hỗ trợ Nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang căn cứ kế hoạch sản xuất, sản lượng nông sản, số lượng nông sản còn tồn đọng trong dân trên địa bàn tỉnh, phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 9 có kế hoạch tổ chức giúp Nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp Sở NN&PTNT, Giao thông Vận tải, Công thương, Công an tỉnh, Hội Nông dân tỉnh sẵn sàng giúp Nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản và trong quá trình thực hiện phải đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua Bộ phối hợp cùng các đơn vị liên quan nỗ lực kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản cho nông dân ĐBSCL cùng một số địa phương khác. Đến nay, tổng số 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT gồm “rau củ 317 đầu mối, trái cây 302 đầu mối, thủy hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối, lương thực 72 đầu mối, mặt hàng khác 52 đầu mối”. Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm 365 hợp tác xã (chiếm 31,3%); 428 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); 222 doanh nghiệp (19%); 97 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), 8 ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%)...