Đón xu thế, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ

Theo Mỹ Thanh/ Báo Cần Thơ

Bên cạnh những thách thức do dịch COVID-19 mang lại trong gần 2 năm qua, Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng, người sản xuất, nhà phân phối. Thương mại điện tử (TMÐT) đang từng bước trở thành một kênh phân phối hiện đại và hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm mà còn hướng đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giao diện Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long trên màn hình máy tính. Ảnh: Mỹ Thanh
Giao diện Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long trên màn hình máy tính. Ảnh: Mỹ Thanh

Nỗ lực

Theo Sách trắng TMÐT năm 2021 vừa được Cục TMÐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương công bố, tốc độ tăng trưởng của TMÐT bán lẻ năm 2020 của nước ta ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỉ USD. Người tiêu dùng Việt, đặc biệt giới trẻ trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến. Hoạt động mua sắm trực tuyến giờ đây đã đa dạng hơn không chỉ ngành hàng điện tử, gia dụng mà còn có cả quần áo, giầy dép, hàng tạp hóa…

Ðặc biệt, trong làn sóng dịch lần thứ tư, với sự ùn ứ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch rộ, các sàn TMÐT đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc tiêu thụ các loại nông sản tươi. Từ việc tiêu thụ thành công vải thiều Bắc Giang, Hải Dương trên các sàn TMÐT Postmart, Voso, Sendo và Lazada, Cục TMÐT và Kinh tế số cũng tổ chức những sự kiện tương tự mang lại hiêu ứng tích cực: “Ngày hội xứ dừa - quê hương Bến Tre” trên Sendo.vn; Phiên chợ nông sản Việt trên Sendo.vn; Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu thông qua sàn Voso.vn và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”… Mới đây, nhãn lồng Hưng Yên cũng được giới thiệu bán trên 6 sàn TMÐT là Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada.

Tại các tỉnh, thành vùng ÐBSCL hoạt động kinh doanh trực tuyến, việc đưa hàng hóa lên các sàn TMÐT cũng đang được xúc tiến. Ðến nay, tỉnh Ðồng Tháp đã hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đưa lên sàn TMÐT được 128 sản phẩm đặc sản các loại; trong đó có 33 sản phẩm OCOP. Ðối với tỉnh Vĩnh Long, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng TMÐT để hỗ trợ thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch nông sản điện tử http://nsvl.com.vn. Qua sàn giao dịch nông sản, tỉnh quảng bá cho 75 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín; hơn 20 doanh nghiệp thành viên trong và ngoài tỉnh với trên 1.000 sản phẩm.

Ông Mai Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Cần Thơ, cho biết: Thành phố đang trong giai đoạn hoàn thiện và chạy thử nghiệm Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc - Kết nối cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố. Hệ thống này có sự phối hợp của nhiều sở ngành hữu quan nhằm phát huy tối đa vai trò hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn thành phố. Ðây cũng là kênh kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm giúp người sản xuất, nhà phân phối mở kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp các thông tin hữu ích như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ...

2021 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMÐTquốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMÐT để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh COVID-19 đang là nhóm giải pháp được ưu tiên triển khai từ quý IV/2020.

Những nỗ lực nói trên đã mang lại kết quả ban đầu. Tuy nhiên, việc phát triển TMÐT thời điểm hiện tại và trong tương lai vẫn đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, đáng chú ý là nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua TMÐT; nhân lực về công nghệ thông tin còn yếu; chưa có kỹ năng bán hàng, marketing trên môi trường trực tuyến... Mặt khác, các vấn đề chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm… vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đồng bộ giải pháp

Nhiều chuyên gia khẳng định, đại dịch COVID-19 là chất xúc tác thúc đẩy TMÐT phát triển vượt bậc. Các hình thức mua bán trực tuyến nở rộ hiện nay không chỉ mang tính tạm thời, đối phó với dịch bệnh mà trở thành xu hướng mới với nhiều cải thiện vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại cho người tiêu dùng.

Ông Lê Khôi - Giám đốc Kinh doanh toàn cầu, Facebook Việt Nam, thông tin: Tại Việt Nam, 46% người tiêu dùng đã chuyển sang mua hàng trực tuyến trong năm vừa qua. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhu cầu khách hàng và xu thế thị trường hiện nay đi theo 3 hướng chính: video trực tuyến (thời lượng ngắn, trung bình), mua sắm trực tuyến (khu vực thành thị, ngoại thành và nông thôn) và thương mại khám phá (livestream, đàm thoại, thực tế ảo…). Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt các xu thế này và vận dụng linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sự phát triển của TMÐT kéo theo nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao; yêu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ logistics đáp ứng sự tăng trưởng ổn định của TMÐT cần phải tính đến. Chẳng hạn, song song với việc đưa nông sản lên sàn TMÐT, mỗi địa phương cần có sự đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống logistics để đảm bảo nông sản phân phối kịp thời đến các tỉnh, thành phố với chất lượng tốt nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, các hành vi vi phạm trong TMÐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến: vấn nạn hàng giả, hàng lậu; an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMÐT... Chính vì vậy, TMÐT đang cần một khung pháp lý đồng bộ để phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMÐT và Kinh tế số, Kế hoạch tổng thể phát triểnTMÐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMÐT B2C đạt 35 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình là 25%/năm, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Ðể đạt mục tiêu này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp:

Một là, hoàn thiện thể chế chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TMÐT.

Hai là, nâng cao năng lực quản lý và đấu tranh chống các hành vi gian lận trong TMÐT.

Ba là, các giải pháp xây dựng thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong TMÐT và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.

Bốn là, tăng cường hệ thống hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cho TMÐT.

Năm là, ứng dụng TMÐT để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa.