Du lịch sinh thái thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Bài viết nghiên cứu về du lịch sinh thái, kinh tế nông thôn, mô hình du lịch sinh thái ở một số quốc gia trên thế giới, du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh An Giang. Qua đó, nhóm nghiên cứu đánh giá những thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp Mười.
Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp Mười.

Du lịch sinh thái là một trong những loại hình ngày càng có vị trí quan trọng trong hoạt động du lịch. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có hệ sinh thái đa dạng và đặc thù. Trong những năm qua, du lịch sinh thái đã được các tỉnh quan tâm phát triển và đem lại lợi ích nhiều mặt. Tuy vậy, hoạt động này cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, tháo gỡ nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của vùng.

Du lịch sinh thái và kinh tế nông thôn

Quan điểm về du lịch sinh thái

Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái Quốc tế, năm 1991: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với các vùng tự nhiên, bảo vệ môi trường và duy trì cuộc sống bình yên của người dân địa phương”. Luật Du lịch do Quốc hội thông qua năm 2005 nêu rõ: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch “dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”.

Kinh tế nông thôn

Kinh tế nông thôn là một tổng thể những nhân tố cấu thành lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông – lâm - ngư nghiệp cùng với các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống, các ngành tiểu thủ công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ; tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong kinh tế vùng, lãnh thổ cũng như trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Mô hình du lịch sinh thái ở một số nước trên thế giới

Phát triển du lịch sinh thái ở làng Dai - Trung Quốc

Làng Dai nằm tại thị trấn Menghan, quận tự trị Xishuangbanna, tỉnh Vân Nam, cách TP. Minh Hồng, thủ phủ của Xishuangbanna 27km. Khu vực này bao gồm 5 làng được gìn giữ tốt bên cạnh sông Lan Thương. Cả 5 làng trên đều thể hiện sự kết hợp tốt về văn hóa dân tộc Dai với vẻ đẹp thiên nhiên. Mỗi làng mang tên riêng về thông tin dịch vụ mà làng cung cấp, chẳng hạn như: Man Chunman có nghĩa là Làng vườn, Man Zha có nghĩa là Làng đầu bếp, Man Ting có nghĩa là Làng vườn lớn.

Công ty du lịch Làng Dai đã thành lập 10 phòng, ban phụ trách các công việc khác nhau như kỹ thuật, trình diễn, hướng dẫn, vấn đề dân tộc... tuyển dụng 248/463 nhân viên là người địa phương với mức lương từ 400 – 600 nhân dân tệ/tháng, riêng với hướng dẫn viên du lịch có thể lên đến khoảng 1000 nhân dân tệ/tháng, những nghệ sĩ dân gian tham gia thể hiện các tập tục truyền thống được trả 150 nhân dân tệ/tháng. Thu nhập trung bình hàng năm của dân làng tăng lên đáng kể trong vòng 10 năm từ khoảng trên 3 ngàn nhân dân tệ/người tăng lên trên 5 ngàn nhân dân tệ/năm.

Phát triển du lịch sinh thái ở Malaysia

Bắt đầu từ năm 1988, chương trình du lịch về nghỉ tại nhà dân đã được Bộ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Malaysia phê duyệt và tiến hành tại 5 làng: Desa Murni Sanggang, Desa Murni Sonsang, Desa Murni Kerdau, Desa Murni Ketam và Desa Murni Persngap. Khách du lịch đến đây được tham gia trực tiếp vào lễ cưới cổ truyền của người dân bản xứ trong vai trò của người làm chứng hoặc chủ hôn, tham gia vào các chương trình dã ngoại ngoài trời như cắm trại, câu cá... của học sinh phổ thông, tham gia vào các trò chơi cổ truyền của người bản xứ, hoặc tham gia vào chế biến các món ăn với các thành viên trong gia đình.

Sau hơn 2 năm tham gia chương trình này, thu nhập của gia đình đã tăng mạnh, nhưng cao hơn và hiệu quả kinh tế hơn là việc tham gia chương trình đón khách nghỉ tại gia đình đã góp phần củng cố nền văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của các Di sản văn hóa.

Phát triển du lịch sinh thái ở Philippines

Thị trấn Vigan thủ phủ của tỉnh Ilocos Sur nằm trên bờ biển phía Tây Bắc Đảo Luzon thuộc Philippines được thừa hưởng một nền văn hóa truyền thống độc đáo đặc sắc, là một thị trấn có nền kinh tế đang phát triển và có mối quan hệ xã hội chặt chẽ giữa các cộng đồng người sinh sống. Bộ Du lịch Philippines đã tổ chức thành công lễ hội Nghệ thuật Vigan và hoạt động này đã trở thành sự kiện đặc biệt diễn ra hàng năm, thu hút một lượng lớn khách du lịch trên toàn thế giới.

Hoạt động du lịch sinh thái phát triển không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, góp phần vào việc phục hồi và tái phát triển các ngành công nghiệp và nghề thủ công truyền thống trong khu vực, cung cấp cho thị trường, khách du lịch những món hàng lưu niệm đặc sắc mà còn phục vụ cho mục đích xuất khẩu của Philippines.

Thực trạng du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL là một bộ phận của châu thổ sông Mê Công, gồm 13 tỉnh, thành phố (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) với diện tích khoảng 40.000 km2, dân số khoảng 18 triệu người. ĐBSCL có cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.

ĐBSCL có tiềm năng về du lịch sinh thái (DLST) với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ. Đó là rừng dừa Bến Tre; Tràm Chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp); rừng tràm Trà Sư (An Giang); chợ nổi Cần Thơ - Tiền Giang với các loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau…

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là: “DLST, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo…”. Theo đó, Đề án Phát triển du lịch khu vực ĐBSCL đến năm 2020 đã chia thành 4 cụm du lịch, trong đó, cụm trung tâm gồm TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan vùng sông nước, du lịch lễ hội, du lịch với mục đích thương mại, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, DLST tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo như du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp với các sản phẩm du lịch đặc trưng là DLST tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.

Năm 2018, ĐBSCL đã đón 40.745.296 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, có 3.420.109 lượt khách quốc tế, tăng 19,8% so với cùng kỳ, đạt doanh thu 23.782,7 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các địa phương trong vùng, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang là các địa phương tiêu biểu có tỷ lệ tăng ấn tượng về lượt khách. Địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là An Giang với 8,5 triệu lượt khách chủ yếu là khách tham quan lễ hội. Địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất là Tiền Giang với 811.249 lượt và địa phương có doanh thu du lịch cao nhất là Kiên Giang với 6.195 tỷ đồng.

DLST cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn được “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 đến 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh, An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế DL của địa phương. Cùng với đầu tư hạ tầng DL, An Giang đang tập trung quy hoạch tổng thể DL, tập huấn hướng dẫn người dân cùng làm DL, đồng thời mở rộng kết nối DL với các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước…

Năm 2010, An Giang đón 4,7 triệu lượt khách, năm 2017 tăng lên khoảng 6,7 triệu lượt khách và năm 2018 đã đón khoảng 7,3 triệu lượt khách (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 107% so với kế hoạch). Trong đó, số lượng khách thống kê tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên 600.000 lượt, khách quốc tế 75.000 lượt; doanh thu từ hoạt động DL là 3.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

 Tại An Giang, hơn 800 nông dân đã được đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch nông nghiệp, gần 200 hộ nông dân được đầu tư cơ sở vật chất, thu nhập tăng lên từ 5 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng. Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo (Tịnh Biên) là ngôi nhà chung của 140 loài thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá và 70 loài chim, diện tích 845ha. Xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) có hơn 10 vườn sinh thái phục vụ du khách tham quan, thưởng thức trái cây và các món ăn dân dã của vùng sông nước. Những cái tên như: “Vườn táo hồng”, “Vườn nhãn”, “Vườn sơ-ri”… đã quen thuộc đối với du khách đến với quê hương Bác Tôn Đức Thắng. Ở xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) thu hút du khách gần xa với gần chục vườn dâu trĩu quả. Thăm vườn dâu Hai Thuận vào dịp cuối tuần, khá đông người đến tham quan, thưởng thức loại trái mới lạ này…

Giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh một số kết quả đạt được trong phát triển DLST gắn với phát triển kinh tế địa phương của khu vực ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng cũng đã phát sinh một số tồn tại cần phải giải quyết. Cụ thể như: Ô nhiễm môi trường từ hoạt động du lịch; Cơ sở hạ tầng nông thôn như đường sá, nước ngọt, nước sạch phục vụ du lịch còn thiếu; Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, liên kết; Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành Du lịch còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế này, đòi hỏi đặt ra là cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, không ngừng đổi mới các loại hình nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách, đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị và truyền thông về du lịch.

Thứ ba, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, thực hiện chiến lược phát triển du lịch của vùng trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Hải Vân (2009), Phát triển du lịch văn hóa sinh thái tại vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Huế;
2. Trần Lê Bảo (chủ biên) (2001), Văn hóa sinh thái nhân văn. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.196;
3. Huỳnh Quốc Thắng, Văn hóa sinh thái sông, biển & du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 9/2011, trang 42;
4. Các website: https://bnews.vn, http://tapchimoitruong.vn.