Tỉnh Quảng Ngãi:

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần giải tỏa những điểm nghẽn

Theo Thanh Nhị/ Báo Quảng Ngãi

Sau nhiều nỗ lực, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ngãi đã có nhiều dấu hiệu tích cực, từ tốp cuối đã vươn lên vị trí thứ 12 trong cả nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đồng đều, một số chủ đầu tư vẫn còn chậm trễ, chưa quyết liệt.

Thi công các hạng mục cuối cùng để đưa kè chống sạt lở sông Lò Bó, ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) vào khai thác. Ảnh: Thanh Nhị
Thi công các hạng mục cuối cùng để đưa kè chống sạt lở sông Lò Bó, ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) vào khai thác. Ảnh: Thanh Nhị

Một số chủ đầu tư giải ngân thấp

Trong báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2021, nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, đáng chú ý là Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi (giải ngân đạt 6%), Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các KCN tỉnh (10%), Sở Công thương (37,4%), Sở Tài nguyên và Môi trường (41,2%), Sở Giáo dục và Đào tạo (42,8%).     

Lý giải về tỷ lệ giải ngân thuộc nhóm thấp nhất tỉnh Quảng Ngãi, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Lương Trọng Nguyên cho biết, kế hoạch vốn 2021 bố trí cho Ban Quản lý là 144 tỷ đồng; trong đó vốn kéo dài là 33,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn, nhất là vướng giải phóng mặt bằng, nên Ban Quản lý không giải ngân được vốn của dự án mới và xin trả lại tỉnh để bố trí cho công trình khác. 

Từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý quyết tâm giải ngân đạt 100% vốn kéo dài (khoảng 26 tỷ đồng), tập trung ở 3 dự án: Tuyến đường liên trục cảng Dung Quất 1, đường Trì Bình - cảng Dung Quất (giai đoạn 1), Nghĩa trang nhân dân Phượng Hoàng, hệ thống xử lý nước thải KCN Tịnh Phong (giai đoạn 1).

Đối với Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021 được bố trí tổng vốn 58 tỷ đồng; trong đó, vốn kéo dài 50,5 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện mới giải ngân khoảng 10 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân, số vốn này được bố trí để thực hiện 2 dự án cấp điện nông thôn, nhưng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nên giải ngân chưa đạt.

Trong khi đó, năm 2021, Sở Y tế được tỉnh Quảng Ngãi bố trí 39 tỷ đồng (nguồn vốn ODA) để xây dựng mới 3 trạm y tế và sửa chữa 13 trạm. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Xuân Mến cho biết, hiện dự án đã đấu thầu, chọn thầu xong, Sở sẽ ký hợp đồng, cho tạm ứng vốn để thi công. Khả năng từ nay đến cuối năm sẽ có khối lượng để giải ngân đạt 90 - 100%.

Vốn được bố trí trễ

Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, có các nhóm nguyên nhân tác động trực tiếp, gây ra tình trạng giải ngân chậm, đó là thủ tục đầu tư về lập, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư công; công tác giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nhân công, nguyên vật liệu và thiết bị do giãn cách xã hội; tăng giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, thực tế ở 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất tỉnh là huyện Bình Sơn (26,4%), Tư Nghĩa (38,3%) và TX.Đức Phổ (45%), thì nguyên nhân là do được giao vốn quá trễ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết, năm 2021, tổng vốn đầu tư công của huyện là 204 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án vốn lớn là Khu tái định cư Vạn Tường 70 tỷ đồng và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 43,2 tỷ đồng mới vừa được giao vốn. Vì thế, chưa hoàn tất các thủ tục liên quan để triển khai thi công, nên chưa giải ngân được. Trong tháng 10/2021, huyện sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục, ký hợp đồng thi công; đến tháng 11/2021 mới bắt đầu giải ngân 2 dự án này.

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, mới đây, huyện mới được giao kế hoạch vốn đối với dự án Di dân, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và tạo hành lang an toàn môi trường Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ, với tổng vốn 110 tỷ đồng, nên chưa giải ngân được. Nếu không tính số vốn mới giao này, thì tỷ lệ giải ngân của huyện trong 9 tháng đạt 62%.

Riêng TX. Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, do vừa được giao kế hoạch vốn năm 2021 đối với dự án Hạ tầng khu Bàu Đen (15 tỷ đồng) và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (28,8 tỷ đồng), nên chưa giải ngân được. Nếu không tính vốn mới giao này, thì tỷ lệ giải ngân của thị xã đã đạt hơn 79%.

Điều chuyển vốn một số dự án: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2021 (không được tiếp tục kéo dài sang năm 2022) là 667 tỷ đồng, đến ngày 30/9, mới giải ngân được 271 tỷ đồng (41%). Trong tháng 9/2021, UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm vốn kéo dài của một số dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt hơn là 170 tỷ đồng. Số vốn kéo dài còn lại, tỉnh yêu cầu phải tập trung giải ngân hết trước ngày 30/11, chủ yếu tập trung cho các dự án cầu Thạch Bích, kè chống sạt lở thôn Kỳ Xuyên (Tịnh Kỳ), cấp điện nông thôn...