Giải pháp nâng cao tính bền vững trong phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 6/2020

Vĩnh Phúc là tỉnh có sự phát triển rất nhanh, mạnh các khu công nghiệp từ nhiều năm nay. Vấn đề đặt ra đối với tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay không chỉ còn là phát triển nhanh, nâng cao chất lượng hoạt động, mà đã chuyển dần sang phát triển bền vững các khu công nghiệp trên địa bàn. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, có sự kết hợp giữa cả địa phương và các cơ quan trung ương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng phát triển các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc

Tính đến tháng 8/2019, tỉnh Vĩnh Phúc có 13 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 2.653 ha. Các KCN trong Tỉnh hiện có 224 dự án còn hiệu lực, trong đó có 44 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 15.070,51 tỷ đồng và 180 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 2.699,73 triệu USD.

Tỷ lệ dự án đang hoạt động so với số dự án đăng ký là 82,6%. Các dự án hiện chưa hoạt động gồm có 13 dự án đang xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị; 21 dự án đang làm thủ tục triển khai, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Lượng vốn đầu tư vào các KCN Vĩnh Phúc đã liên tục tăng, nhưng lượng vốn đầu tư bình quân tính trên mỗi dự án có xu hướng giảm nhẹ (Bảng 1). Doanh nghiệp (DN) trong các KCN ở Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả tích cực (Bảng 2).

Tính bền vững trong phát triển các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc

Chất lượng quy hoạch là một tiêu chí đánh giá tính bền vững của các KCN. Yếu tố này được xem xét trên cả 2 giác độ: Chất lượng quy hoạch các KCN trên địa bàn nói chung và của từng KCN nói riêng. Về cơ bản, các chuyên gia, cán bộ quản lý các KCN trên địa bàn và các DN đầu tư vào các KCN hiện nay đánh giá yếu tố này ở mức trên trung bình.

Giải pháp nâng cao tính bền vững trong phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh 1

Vị trí địa lý của các KCN là tiêu chí thứ hai, thường được xem xét dưới các góc độ như chúng có thuận tiện cho việc kết nối với các nguồn cung cấp các yếu tố đầu vào, với các thị trường tiêu thụ chủ yếu hay không; Điều kiện đất đai, khí hậu, địa chất, địa hình có thuận tiện cho việc xây dựng các công trình, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ sản xuất hay không. Hiện nay, các KCN ở Vĩnh Phúc đều được đầu tư xây dựng gần các trục đường giao thông, đặc biệt là đường bộ…

Diện tích đất và tỷ lệ lấp đầy các KCN là tiêu chí đánh giá tính bền vững của các KCN. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác. Vĩnh Phúc thường xem xét tiêu chí này dưới giác độ là quy mô bình quân của các KCN và tỷ lệ lấp đầy của các KCN riêng rẽ. Quy mô mỗi KCN cần lớn vừa đủ để có thể huy động được các nhà đầu tư, từ đó thiết lập được hệ thống DN nằm trong một chuỗi cung ứng, cho phép họ tiết kiệm chi phí vận chuyển và có thể phối hợp với nhau một cách thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Chỉ số lấp đầy của KCN và sự biến đổi của chỉ số này qua thời gian phản ánh mức độ ổn định, một khía cạnh quan trọng của tính bền vững.

Trình độ công nghệ trong một KCN càng cao thì tính bền vững của KCN đó cũng càng cao. Thực tế, trình độ công nghệ tại các KCN Vĩnh Phúc đang có xu hướng đi xuống. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, những yêu cầu về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng cao thì xu hướng này bất lợi cho tính bền vững của các KCN Vĩnh Phúc.

Trình độ chuyên môn hóa và liên kết kinh tế được coi là một tiêu chí khác để đánh giá tính bền vững trong phát triển các KCN. Nếu các DN xây dựng được một hệ thống các quan hệ liên kết, tham gia vững chắc vào các chuỗi cung ứng thì hoạt động sẽ ổn định và phát triển bền vững. Trong từng KCN ở Vĩnh Phúc, sự liên kết để tạo thành chuỗi liên kết giữa các DN đã có nhưng chưa cao, chủ yếu ở một số ngành như công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy; công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử; công nghiệp dệt may; sản xuất vật liệu xây dựng.

Theo tiêu chí khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, nếu nhu cầu của các DN đầu tư thứ cấp trong các KCN được đáp ứng tốt, họ thiết lập được một hệ thống sản xuất kinh doanh bền vững thì sự phát triển của KCN có cơ hội bền vững. Ở Vĩnh Phúc, yêu cầu cơ bản liên quan tới mặt bằng công nghiệp, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện sản xuất, hệ thống giao thông nội bộ, trung tâm xử lý nước thải công nghiệp, trạm thu gom chất thải rắn đã được đáp ứng tương đối tốt.

Mức độ bền vững về xã hội của các KCN thể hiện ở chỗ xử lý ổn thỏa, hợp lý các vấn đề về sử dụng lao động, cơ cấu giới tính của người lao động tại các KCN, các tệ nạn xã hội nảy sinh khi phát triển các KCN, mức độ hội nhập của văn hóa dân tộc khi đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài vào KCN, hệ thống các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu tinh thần của người lao động, dân cư bị thu hồi đất làm KCN được hỗ trợ để tổ chức lại đời sống, đảm bảo sinh kế… Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các DN thực hiện các chính sách hỗ trợ tối đa cho người lao động và dân cư ở các địa phương có liên quan. Đến nay, Vĩnh Phúc chưa có xung đột lớn giữa các KCN và DN với người dân địa phương, chưa có xung đột giữa chủ đầu tư với công nhân, giữa nhân sự nước ngoài với lao động và cán bộ quản lý.

Sự bền vững về môi trường thể hiện ở chỗ các tác động bất lợi bởi sản xuất trong các KCN đến môi trường được giảm thiểu tối đa. Bên cạnh việc giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, các KCN ở Vĩnh Phúc đã có những biện pháp cụ thể như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, quy định về thu gom tiêu hủy chất thải rắn đối với các DN, quy hoạch khu vực cây xanh trong các KCN…

Số liệu thống kê, báo cáo về sự hình thành và phát triển các KCN Vĩnh Phúc đưa đến một đánh giá tổng quan về tính bền vững của các KCN như Hình 1.

Giải pháp nâng cao tính bền vững trong phát triển các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc

Nâng cao tính bền vững trong phát triển các KCN là một trong những yêu cầu cấp bách đối với Vĩnh Phúc nói chung cũng như với từng KCN nói riêng. Những mục tiêu cần ưu tiên là: Nâng cao trình độ công nghệ của các DN; Tăng cường thu hút vốn đầu tư; Nâng cao trình độ chuyên môn hóa và liên kết kinh tế của các DN; Nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN. Để thực hiện những mục tiêu trên, cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, sớm ban hành chính sách thu hút đầu tư vào các KCN. Ngoài triển khai các giải pháp truyền thống, Tỉnh cần đề xuất với Trung ương về mức/hình thức ưu đãi phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời, thỏa thuận với các vùng lân cận để nâng cao hiệu quả, tránh cạnh tranh theo hướng làm giảm hiệu quả và tác động của các giải pháp thu hút, ưu đãi đầu tư vào địa phương.

Thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ các DN lựa chọn công nghệ tiến bộ và không ngừng nâng cao trình độ công nghệ. Trước hết, rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về công nghệ, chất lượng sản phẩm, yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường để phát hiện các công nghệ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu, từ đó giám sát DN thay thế những công nghệ mới bảo vệ môi trường. Quản lý việc thực hiện quy hoạch, giám sát việc tuân thủ cam kết của các chủ đầu tư sơ cấp; khuyến nghị, hỗ trợ và phối hợp với họ lựa chọn những nhà đầu tư thứ cấp sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, thúc đẩy DN liên kết kinh tế, chủ động tổ chức các chuỗi cung ứng, ưu tiên cho các chuỗi cung ứng trong nội bộ KCN và trong Tỉnh. Đây là nhiệm vụ do các DN trong các KCN tự quyết định, Tỉnh và Ban quản lý các KCN có vai trò hỗ trợ DN thứ cấp đẩy mạnh những hoạt động này.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển DN trên địa bàn Tỉnh, kết nối chúng với các DN hoạt động trong các KCN ở Vĩnh Phúc và khu vực lân cận. Đây là nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực thiết lập môi trường kinh tế năng động cho các DN trong các KCN. Tỉnh và các cơ quan chức năng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai các chương trình phát triển DN trên địa bàn, sử dụng kinh phí cho các chương trình này một cách hiệu quả hơn, đồng thời huy động thêm nguồn lực dưới nhiều hình thức từ nhiều tổ chức cho mục đích này.

Thứ năm, hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng của cả nước. Cần rà soát, cập nhật các quy hoạch chuyên ngành thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, gắn chúng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, khai thác các nguồn lực ở trong và ngoài tỉnh để triển khai một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn.

Giải pháp nâng cao tính bền vững trong phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh 2

Thứ sáu, đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án liên kết với các địa phương lân cận, tạo không gian liên kết kinh tế để mở rộng hoạt động, nâng cao khả năng lựa chọn đối tác, đa dạng hóa các phương án tổ chức chuỗi cung ứng… giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng phát triển của mình. Các quan hệ liên kết trong phạm vi vùng Thủ đô và Vùng kinh tế Bắc Bộ… cần sớm triển khai thành các đề án với những kết quả cụ thể cho từng giai đoạn (trước hết là giai đoạn 2020- 2025).

Trong việc thực hiện những giải pháp trên, các giải pháp và công cụ tài chính có vai trò rất quan trọng. Việc thực hiện những giải pháp và sử dụng những công cụ này không chỉ đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các ban quản lý các KCN và chính bản thân DN đầu tư thứ cấp trong các KCN này.

 

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Vĩnh Phúc (2017), Văn bản số 142/UBND-TH1 ngày 10/3/2017 về tình hình đầu tư xây dựng, phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn và phương án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp, Vĩnh Phúc;

2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (2019), Số liệu thống kê về các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh;

3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (2015), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, 2010-2015 và số liệu thu hút đầu tư từ 2015- 2019;

4. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (2017), Quyết định số 317/BC-BQLKCN ngày 15/3/2017 về tình hình quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn; phương án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện.