Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Tiến Dũng

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại số hóa như hiện nay, việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề ở Việt Nam là cấp thiết để thích ứng với tình hình mới.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại kỹ năng nghề cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số..., qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 đến thị trường lao động

Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó thị trường lao động nước ta bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường lao động đối diện với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… cao nhất trong 10 năm qua.

Để phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có các giải pháp đồng bộ quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Từ chủ trương này, các kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội được triển khai, nhưng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vắc-xin, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, trong trạng thái bình thường mới, nếu các ngành có công nghệ mới, năng suất lao động cao phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế không những nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, mà còn đồng thời đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững. Khi đó, nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm; thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nó không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số (TS. Trương Anh Dũng, 2021).

Theo Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tương lai phát triển kỹ năng thời kỳ hậu COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại thế giới việc làm - thay đổi mô hình kinh doanh và đòi hỏi một bộ kỹ năng mới cho người lao động để phát triển mạnh trong môi trường ngày càng cạnh tranh.

Sự gián đoạn đối với thị trường lao động còn tăng thêm, do tác động của dịch bệnh COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng và nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản đầu tư vào đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để giúp những người lao động bị mất việc làm có việc làm mới. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, dù 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam báo cáo đã được trang bị tốt ở một số ngành nghề cho Cách mạng công nghiệp 4.0, con số này vẫn thấp hơn so với Campuchia (73%), Philippines (81%) và Indonesia (95%).

Nghiên cứu ghi nhận cả những khác biệt về nhận thức giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động về sự sẵn sàng cho công việc của học viên tốt nghiệp. Theo nghiên cứu mới này, ADB khuyến nghị Việt Nam cần phát triển các chương trình giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để tạo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi sang Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng năng suất của người lao động và khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Nâng tầm kỹ năng lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cũng như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về nâng tầm kỹ năng lao động đang trở nên hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia. Việc nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng và hiệu quả lao động, là nhân tố hết sức quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại, cũng như trong tương lai.

Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng- lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu người. Đây là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại; là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa sâu rộng với thế giới.

Tuy có lực lượng lao động đông, nhưng mới chỉ có hơn 1/5 (hơn 22% lực lượng lao động) được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên; còn lại khoảng gần 4/5 lực lượng lao động chưa qua đào tạo. Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể, song chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn và cũng có phản ánh về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, kể cả ý thức lao động. Các DN khi tuyển dụng lao động thường phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung... (Phạm Tất Thắng, 2021).

Để giải quyết tình trạng này, cần có quy hoạch dự báo nguồn nhân lực, gắn với việc đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Bởi thực tế, trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bậc cao đẳng, đại học, do chưa có quy hoạch dự báo về nhu cầu nguồn lao động, cũng như quy hoạch đào tạo nghề, dẫn đến nhà trường thường đào tạo theo khả năng vốn có, mà chưa gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy chuẩn đào tạo đáp ứng được yêu cầu đầu ra và thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động; Triển khai thí điểm mô hình hội đồng quản lý kỹ năng nghề với sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, để xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp mà người lao động cần có.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo - đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng với thời kỳ số hóa. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp cũng như nghiên cứu, khai thác kinh nghiệm quốc tế.

Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp trên, cần nghiên cứu chương trình giảng dạy mới với các nội dung đào tạo kỹ năng thiết yếu cho lực lượng lao động như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.

Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu, để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.

Ba là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển đất nước.

Bốn là, khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Năm là, tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Sáu là, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong giáo dục nghề nghiệp như: liên kết đào tạo; nghiên cứu khoa học; trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường...