Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương


Nghiên cứu này thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và thu thập dữ liệu sơ cấp 100 doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương.

Tính đến năm 2020, tỉnh Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp được thành lập
Tính đến năm 2020, tỉnh Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp được thành lập

Bằng phương pháp thống kê mô tả, tổng hợp, phân tích, đánh giá, nhóm tác giả đánh giá thực trạng thu hút đầu tư thời gian qua, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất những giải pháp nhằm thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc nói riêng và của Bình Dương nói chung giai đoạn sau dịch bệnh COVID-19.

Giới thiệu

Tính đến năm 2020, tỉnh Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch khoảng 12.743 ha. Trong thời gian qua, các KCN ở Bình Dương đã góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, “kiến tạo quỹ đất sạch để xây dựng môi trường đầu tư” thông thoáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động địa phương.

Bên cạnh thành quả đạt được, các KCN của Bình Dương từng bước hình thành và phát triển, tuy nhiên vẫn còn có một số vấn đề bất cập, chậm được khắc phục như: Hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội đã gây áp lực lên các thị xã, thành phố ở khu vực phía Nam của tỉnh; Các KCN nằm đan xen giữa khu dân cư, khu đô thị và các thiết chế văn hóa, điều kiện sinh hoạt và môi trường sống của người dân và công nhân lao động không được đảm bảo, khoảng cách khu công nghiệp và khu dân cư theo quy định của Luật Đầu tư còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng bức thiết và trên cơ sở phản ánh của người dân, UBND tỉnh Bình Dương định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp về phía Bắc của Tỉnh nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế, tạo tiền đề quan trọng quyết định việc hình thành và phát triển hệ thống các KCN hiện đại trong tương lai ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

Thực trạng thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương

Thực trạng khu công nghiệp phía Bắc

Từ năm 1997, Bình Dương xây dựng 6 KCN với diện tích 800ha; năm 2020 là 29 KCN với diện tích 12.743 ha (28 KCN hoạt động chính thức, 01 KCN đang trong quá trình xây dựng: KCN Cây Trường). Ban Quản lý KCN tỉnh Bình Dương quản lý 26 KCN, Ban Quản lý các KCN Việt Nam - Singapore quản lý 03 KCN (VSIP I, VSIP II và VSIP III). KCN được quy hoạch đồng bộ và hạ tầng được đầu tư tốt cùng với chính sách thu hút đầu tư cởi mở của chính quyền Bình Dương đã góp phần hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư của Tỉnh.

Năm 2020, các KCN phía Bắc tỉnh Bình Dương đã thu hút trên 8,57 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 68,4% toàn bộ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương  - Ảnh 1

Ban quản lý KCN tỉnh Bình Dương quản lý trực tiếp 26 KCN, trong đó có tất cả 12 KCN thuộc các huyện thị phía Bắc của Tỉnh. Các KCN VSIP I, VSIP II và Maple Tree được quản lý bằng một Ban Quản lý KCN VSIP riêng nhằm tập trung các thủ tục hành chính về một đầu mối, đơn giản và giảm chi phí hành chính cho các nhà đầu tư.

Theo Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 16,1%/năm và định hướng công nghiệp sẽ tập trung phát triển lên các huyện phía Bắc của Tỉnh. Đến năm 2025, Bình Dương sẽ có 37 KCN (29 KCN đã được quy hoạch, 3 KCN mở rộng và 5 KCN đang thực hiện thủ tục đầu tư tổng diện tích 17.231,53 ha).

Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương  - Ảnh 2

Với hy vọng thu hút thêm đầu tư và xúc tiến phát triển đô thị, dịch vụ, đặc biệt là ở các huyện thị phía Bắc, các cơ quan, địa phương đã thông qua các dự án mở rộng các KCN Tân Bình và thành lập mới KCN Cây Trường. (KCN Tân Bình đang làm thủ tục mở rộng thêm 1.050 ha, KCN Cây Trường diện tích quy hoạch được duyệt 700 ha, KCN VSIP3 với quy mô 1000ha đã có Giấy chứng nhận đầu tư, đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng).

Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu công nghiệp Bắc tỉnh Bình Dương

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của các KCN phía Bắc trong những năm gần đây có dấu hiệu tăng dần, cụ thể năm 2014 cán cân xuất nhập khẩu ở mức bị âm 429, nhưng từ năm 2015 đến năm 2018 thì con số này ngày càng khả quan hơn, đạt mức tăng trưởng dương 393 vào năm 2018. Mô hình các KCN phía Bắc để thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới chính là con đường dẫn đến thành công trong quá trình phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh.

Vốn đầu tư vào khu công nghiệp phía Bắc

Nhìn chung, khối lượng vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện vào các KCN trên địa bàn phía Bắc của Tỉnh có xu hướng tăng. Năm 2016, vốn đầu tư đăng ký vào các KCN phía Bắc là 637 triệu USD với 35 dự án đầu tư, đến năm 2019 thì số vốn này đã lên đến 1.337 triệu USD với 63 dự án đầu tư, tăng gấp đôi so với năm 2019. Đặc điểm của vốn đầu tư vào KCN là vốn đầu tư lớn, xu hướng đầu tư gồm: Thương mại, dịch vụ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như chíp điện tử, phụ kiện máy tính, camera, phụ tùng ôtô….

Tuy nhiên, vốn đầu tư thực hiện của các KCN tăng không đồng đều qua các năm, cụ thể năm 2016 là 210 triệu USD, năm 2018 là 904 triệu USD và đến năm 2020 là 398 triệu USD. Đồng thời, vốn thực hiện so với vốn đăng ký đầu tư có xu hướng giảm từ năm 2019 và tăng nhẹ năm 2020, năm 2018 là 75%, trong khi năm 2019, 2020 đạt lần lượt là 34% và 50%. Như vậy, các KCN phía Bắc cần có những thay đổi phù hợp tăng vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký. Bên cạnh nỗ lực thu hút các khoản vốn đầu tư mới thì cần có các giải pháp để triển khai thực hiện nhanh chóng và bền vững các nguồn vốn đầu tư đã đăng ký.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương  - Ảnh 3

Cơ cấu vốn đầu tư phân theo hình thức đầu tư

Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài luôn giữ tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn đầu tư vào các KCN phía Bắc tỉnh Bình Dương, luôn được các nhà đầu tư lựa chọn. Hình thức đầu tư này là phổ biến nhất tại các KCN ở tỉnh Bình Dương và các KCN phía Bắc cũng không ngoại lệ khi các doanh nghiệp sản xuất, khai thác nguồn tài nguyên và thị trường, có tiềm lực kinh tế mạnh (đa số là các tập đoàn đa quốc gia).

Tính đến cuối năm 2020, hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài vào các KCN phía Bắc của Tỉnh có 699 dự án/ tổng vốn đầu tư là 8.595 triệu USD. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chính sách đầu tư của tỉnh Bình Dương, đồng thời cũng cho thấy đây là môi trường đầu tư có tiềm lực để các nhà đầu tư có thể phát triển lâu dài, đầu tư công nghệ - kỹ thuật và chuyển giao phương thức sản xuất.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương  - Ảnh 4

Khó khăn, tồn tại trong thu hút vốn đầu tư

Mặc dù, việc thực hiện thu hút vốn đầu tư vào các KCN phía Bắc của tỉnh Bình Dương có nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số khó khăn do tác động của tình hình chung.

Một là, nhà đầu tư chậm triển khai dự án do khó khăn về tài chính, nên không triển khai dự án hoặc triển khai rất chậm, tiến độ không đảm bảo.

Hai là, kết cấu hạ tầng các KCN phía Bắc chưa đồng bộ, ngân sách đầu tư còn hạn chế, nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN chưa đảm bảo, phần nào gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực như: môi trường, quy hoạch, xây dựng…

Ba là, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Mặc khác, giá bồi thường về đất và tài sản trên đất phải sát với giá thị trường nên người dân một số nơi không đồng thuận về giá và dẫn đến khiếu nại kéo dài; việc kê biên còn xảy ra thiếu sót, việc áp giá bồi thường chưa chính xác, vướn mắc kéo dài dẫn đến việc bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư chậm trễ.

Bốn là, thủ tục hành chính và cơ chế một cửa tại Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương thuộc thẩm quyền của nhiều sở, ban ngành có liên quan khiến DN mất nhiều thời gian để làm thủ tục. Mặc dù, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cải cách về quy trình, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng việc thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục kết quả vẫn chưa được cải thiện.

Năm là, khan hiếm nguồn nhân lực qua đào tạo, chất lượng cao, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư. Hạn chế cần được khắc phục sớm trong điều kiện tỉnh tiếp nhận ngày càng nhiều dự án, đặc biệt là dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với quy mô ngày càng lớn và đòi hỏi ngày càng cao về trình độ tay nghề của nguồn nhân lực.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư vào các khu Công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương

Để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương, một số giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:

Hoàn thiện quy hoạch các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương

- Đôn đốc các chủ đầu tư các KCN triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Trạm xử lý nước thải, trồng cây xanh, hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình dịch vụ như: Khu văn phòng, công trình văn hoá - dịch vụ, đặc biệt là chuẩn bị quỹ đất sạch để đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân theo chủ trương của Tỉnh.

- Yêu cầu các KCN (KCN Cây Trường, Lai Hưng, Bình Dương Riverside ISC, Tân Lập I, VSIP3, Vĩnh Lập, mở rộng KCN Rạch Bắp, Bàu Bàng, Đất Cuốc) đã có chủ trương tăng, giảm, thành lập mới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết phê duyệt quy hoạch để sớm đưa dự án vào hoạt động.

- Tập trung thu hút đầu tư những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường; Chú trọng các ngành công nghiệp, nhóm sản phẩm chủ yếu, phù hợp với tình hình thực tế của các huyện thị phía Bắc.

Hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khu công nghiệp

- Quán triệt cơ chế quản lý “một cửa”, “một cửa liên thông” tập trung đầu mối tại ban quản lý các KCN, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng và thuận lợi các thủ tục hành chính về cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các thủ tục hành chính khác liên quan đến các dự án đầu tư trong KCN.

- Về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND Tỉnh cần phân cấp mạnh về cho cấp huyện, vì đây là cơ quan trực tiếp quản lý và gần dân, sát dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Mặt khác, tích cực hỗ trợ và phối hợp với nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN xây dựng sẵn các nhà xưởng tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện ngay dự án.

- Ưu đãi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10%. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục trong 15 năm từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Tạo quỹ đất sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng

- Kịp thời ban hành các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo hướng sát với giá thị trường và có lợi hơn cho người bị thu hồi đất, đời sống khu tái định cư mới tốt hơn nơi ở cũ.

- Thực hiện nhanh, giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân không để xảy ra hiện tượng kéo dài việc thực hiện bồi thường giải tỏa, không để người dân bị thiệt hại hơn nữa khi có đất bị giải tỏa, với phương chăm “người dân trong khu vực giải tỏa phải có mức sống bằng hoặc cao hơn trước khi bị giải tỏa” hoặc khi đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng, người dân gây áp lực tăng giá bồi thường và các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây khó khăn trong vấn đề cho thuê đất sau này.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Cán bộ quản lý nhà nước: Thực hiện tốt chính sách đào tạo và đào tạo lại bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên có triển vọng và đạo đức tốt, am hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế và các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực công tác.

Thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp như: Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và đầu tư thông qua: chế độ tiền lương, thu nhập, ưu đãi về nhà ở và phương tiện làm việc, bố trí cán bộ đúng nơi, đúng lúc và đúng công việc. Tránh trường hợp, sau khi nhận công tác được vài tháng lại xin nghỉ vì các lý do trên, vừa tốn thời gian đào tạo vừa lãng phí nhân tài, dẫn đến tình trạng công việc thường xuyên trễ và hiệu quả công việc không có.

- Cán bộ quản trị doanh nghiệp: Đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp cần đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng có tầm quan trọng lớn, UBND tỉnh Bình Dương cần quan tâm chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong KCN. Theo đó, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức về kinh tế thị trường, thông tin hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp để họ có đủ tự tin khi quyết định các phương án sản xuất kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, cũng như thích ứng với sự thay đổi và phát triển.

Bên cạnh đó, cần tuyển chọn và đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp kế cận, đủ tiêu chuẩn để thay thế số cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn trong các doanh nghiệp hiện có và thường xuyên tổ chức hội thảo, học tập kinh nghiệm, tham gia hội chợ ngành khoa học công nghệ để tiếp thu dây chuyền sản xuất mới, hiện đại vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

- Đào tạo đội ngũ công nhân: UBND Tỉnh ban hành chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh ngiệp trong KCN; Quan tâm đào tạo chuyên sâu những ngành nghề có tính chất thế mạnh của các doanh nghiệp như: kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí, đóng tàu, lắp máy… Ban quản lý các KCN cần phát huy vai trò là đầu mối liên kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng thực hành cho người lao động, nhằm tiếp cận ngay các công việc tại các doanh nghiệp.

Cần gắn lợi ích doanh nghiệp với quyền và lợi ích người lao động, để góp phần xây dựng hoạt động quản trị của doanh nghiệp trên lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần, chế độ đãi ngộ, tiền lương, chính sách bảo hiểm…; Khuyến khích người lao động chủ động sáng tạo, nghiên cứu giải pháp, sáng kiến mới nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư và dịch vụ hỗ trợ đầu tư

- Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư: Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư là thật sự cần thiết, vì công tác xúc tiến đầu tư sẽ đưa thông tin đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý, điều hành doanh nghiệp; Nâng cấp các trang thông tin điện tử, các website cần đăng tải thông tin đầy đủ, thống nhất số liệu, minh bạch các thông tin cho nhà đầu tư bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật… Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách chuyên ngành có liên quan đến hoạt động đầu tư nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến nhà đầu tư; Ngoài ra, cần Liên kết website xúc tiến đầu tư của tỉnh với website của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư để tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư.

- Nâng cao chất lượng công tác dịch vụ hỗ trợ đầu tư: Để công tác thẩm định dự án đầu tư đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới, cần sử dụng một số biện pháp như: Thẩm định năng lực dự án phải đảm bảo tính khả thi, đúng quy trình, đảm bảo đúng quy định pháp luật, đạt được hiệu quả kinh tế xã hội; lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị để giao việc; thành lập bộ phận tư vấn đầu tư để hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn những ngành nghề đầu tư có triển vọng trong tương lai, nhưng đồng thời phải theo đúng quy định hướng dẫn và đúng quy hoạch phát triển của Tỉnh trong từng thời kỳ.

Cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính

Cải tổ các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng, nên thành lập một ban thanh tra và kiểm tra các công trình, hạ tầng ở các KCN phía Bắc, từ đó lên kế hoạch cụ thể để phát triển các cơ sở hạ tầng lên ngang tầm với các tỉnh lân cận. Thành lập một tổ chuyên viên thăm dò ý kiến các nhà đầu tư đã đầu tư đến với môi trường đầu tư ở khu vực phía Nam của Tỉnh để có những cải cách về môi trường đầu tư ở khu vực phía Bắc cho hợp lý.

Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với các thủ tục hành chính (từ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho đến quá trình cấp phép); Rà soát thường xuyên các thủ tục hành chính không còn phù hợp, đề kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo tạo môi trường thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Bình Dương, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh Bình Dương năm 2020;

2. UBND tỉnh Bình Dương (2014-2020), “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014-2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2014-2020”, Bình Dương.

3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương (2016-2020), “Báo cáo thực hiện năm 2016-2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021”, 3-21;

4. Cục Thống kê Bình Dương (2018-2020), Niên giám thống kê Bình Dương, Nhà xuất bản Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh;

5. Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), “Báo cáo tình hình thành lập và phát triển các Khu công nghiệp, Khu kinh tế năm 2018”.

6. Nguyễn Thị Bình (2011), “Xây dựng một số chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững tại các khu công nghiệp Đồng Nai”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, (26), tr.108-113.

 (*) PGS., TS. Nguyễn Hồng Hà - Khoa Kinh tế, Luật- Trường Đại học Trà Vinh; 

Trần Văn Phương - UBND huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021