Gỡ nút thắt hạ tầng thúc đẩy thương mại biên giới phát triển

Theo Khôi Nguyên/diendandoanhnghiep.vn

Quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, điển hình như việc ùn ứ hàng hóa vẫn thường xuyên xảy ra, một trong những nguyên nhân được cho là do yếu tố về hạ tầng…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 4.000km tiếp giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia với 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ, 21 lối mở và nhiều đường qua lại đang có hoạt động thương mại, đầu tư hiệu quả, nhất là tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Trưởng phòng thương mại quốc tế - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, thương mại biên giới đã tạo điều kiện cho các địa phương phát huy thế mạnh và liên kết cùng các tỉnh, thành phố để dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động, có thế và lực cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ vậy, hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới cũng liên tục được nâng cấp, mở rộng; các khu kinh tế cửa khẩu của các tỉnh đang dần trở thành trung tâm kinh tế-thương mại vùng biên. Hơn nữa, nhiều địa phương đang trở thành cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và các nước chung biên giới.

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ dịch COVID-19 nhưng kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, năm 2020 có tới 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Đáng lưu ý, trong năm 2021, con số này lên mốc 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Đây thực sự là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng chậm lại.

Ngoài ra, 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Mặt khác, các tỉnh và chính quyền khu vực luôn duy trì cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ và tạo điều kiện thuận lợi thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn.

Đến nay cả nước đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Cùng với đó, các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích gần 8.800ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại biên giới nhưng tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu thuộc khu kinh tế vẫn đạt trên 17,5 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với giai đoạn 2011-2015.

Ngoài ra, thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu và phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế xấp xỉ 19.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra tương đối ổn định.

Tính đến giữa tháng 9/2021, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Cao Bằng đạt trên 405 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 83% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đến ngày 31/12/2021 hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại nhưng theo ông Phạm Tuấn Long, kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 mới đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và 21,5% trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào và Campuchia nói riêng.

Sở dĩ vậy bởi Việt Nam cũng như các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia vẫn phải tập trung áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như kiểm soát nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi đó, năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới hiện nay vẫn chưa khôi phục hoàn toàn, chưa đáp ứng được lưu lượng hàng hóa thông quan đang tăng cao nên có thời điểm phát sinh tình trạng ùn ứ, ách tắc cục bộ tại một số cửa khẩu biên giới.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung, thương mại vùng biên vẫn còn hạn chế.

Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.

Ngoài việc hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn.

Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu như trung tâm logistics, đồng thời hạ tầng thương mại biên giới như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.

Các chuyên gia thương mại cho rằng tới đây, các địa phương cần có một chương trình triển khai bài bản hơn nhằm khảo sát, đánh giá, xây dựng dữ liệu về hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới.

Điều này sẽ làm cơ sở cho các bộ, ngành chức năng, địa phương nghiên cứu đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa và tạo thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng cũng như huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới.