Hà Nội: Dừng BT, nhiều dự án giao thông chuyển đầu tư bằng vốn ngân sách

Theo Nam Việt/baogiaothong.vn

Dừng thực hiện BT, nhiều dự án giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội được chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Tiếp tục đầu tư trục Kinh tế Bắc Nam

UBND TP. Hà Nội mới có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa XV liên quan đến việc triển khai Dự án đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội cho biết: Dự án Đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thông qua hình thức Hợp đồng BT từ năm 2008; được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận thông qua Hồ sơ đề xuất và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án.

 Hà Nội: Dừng BT, nhiều dự án giao thông chuyển đầu tư bằng vốn ngân sách - Ảnh 1

Dự án đã triển khai giải phóng mặt bằng và thi công với tổng chi phí thực hiện khoảng 164 tỷ đồng nhưng phải tạm dừng do sáp nhập tỉnh Hà Tây với TP. Hà Nội.

Năm 2017, TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương tiếp tục đầu tư dự án xây dựng Đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hình thức BT với hướng tuyến và quy mô thay đổi so với trước đây.

Tuy nhiên do chưa tìm được quỹ đấy dự kiến thanh toán cho Dự án nên đến nay Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án chưa được phê duyệt.

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) việc tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BT không còn phù hợp.

“Hiện nay, các huyện có dự án đi qua gồm Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ đều có các văn bản đề nghị UBND TP xem xét giao huyện làm Chủ đầu tư thực hiện các đoạn tuyến đi qua địa bàn Huyện, TP sẽ xem xét đầu tư từ nguồn ngân sách TP giai đoạn 2021 – 2025”. UBND TP. Hà Nội cho hay.

Được biết, tuyến đường trục phát triển kinh tế – xã hội Bắc – Nam Hà Nội có chiều dài 63,32km chạy song song giữa vành đai 4 và vành đai 5, là đầu mối kết nối giữa các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc, phía Nam và Tây Nam. Điểm đầu từ QL1 (đường Đỗ Xá – Quan Sơn) qua đường cao tốc Hà Nội – Hải phòng cắt ngang đường Láng – Hòa Lạc, QL6, QL32, thông với QL2C – cụm cảng hàng không Nội Bài; mặt cắt ngang của tuyến đường rộng 42m với làn xe, hai bên đường có các khu đô thị mới, đường gom mỗi bên rộng 54m với 6 làn xe.

Nhiều dự án đầu tư bằng vốn ngân sách

Sau khi có thông báo dừng thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 2670/QĐ-UBND, cho phép thực hiện nhiệm vụ đầu tư một số tuyến đường giao thông khung, công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Theo đó, TP. Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhiệm vụ đầu tư một số tuyến đường giao thông khung, công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị đầu tư các dự án: Cải tạo nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển; Dự án cải tạo nâng cấp đường 70 đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long; Dự án xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thương Cát đến Quốc lộ 32…

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Thượng Cát.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án: Xây dựng công trình cầu nối Liên Mạc; Dự án nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ.

Trước đó, Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội đã ban hành văn bản thông báo về việc dừng triển khai thực hiện dự án PPP hợp đồng BT.

Theo sở này, thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm của các Nhà đầu tư về việc tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn Thành phố theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Thành phố luôn hoan nghênh các nhà đầu tư có mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.