Hàng Việt tiếp tục khẳng định vị thế

Theo Đỗ Lan/ Báo Đắk Lắk

Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên thị trường, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng trực tiếp. Thế nhưng trong khó khăn này cũng tạo cơ hội cho hàng Việt tiếp tục duy trì “chỗ đứng” và khẳng định chất lượng trong lòng người tiêu dùng trong nước.

Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nguồn cung từ các doanh nghiệp (DN) trong nước và hàng hóa sản xuất tại tỉnh đã góp phần giúp ổn định thị trường, bảo đảm nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân. Hơn thế, thị trường nội địa trở thành “cứu cánh” cho DN Việt.

Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành công thương tỉnh khuyến khích DN tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Các siêu thị, trung tâm thương mại đẩy mạnh phân phối hàng Việt, liên kết với đơn vị cung cấp trong nước cam kết giá ổn định, hợp lý cho người tiêu dùng.

Sở cũng tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu dùng hàng Việt. Từ đó, giúp DN giải quyết đầu ra cho sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối…

Nhờ vậy, ngay trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng hóa trong nước vẫn bảo đảm đến tay người tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hàng Việt được ưu tiên bày bán và chiếm thị phần trong nước ngày một nhiều hơn.

Bà Trần Thị Thành Nhân - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đắk Lắk chia sẻ, trước tác động của dịch bệnh, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các mặt hàng được sản xuất trong nước như thực phẩm đóng gói, hàng tiêu dùng thiết yếu… Hàng hóa của DN Việt luôn chiếm tỷ lệ cao tại siêu thị, nguồn cung được bổ sung liên tục, đáp ứng nhu cầu người mua.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), hệ thống bán lẻ hàng Việt ngày càng mở rộng nhanh chóng, gần 70% người Việt Nam vẫn ưa chuộng, ưu tiên dùng hàng nội địa.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen chỉ rõ, trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, có tới 76% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Lý do người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt vì biết rõ nguồn gốc và mong muốn hỗ trợ DN Việt.

Để đứng vững tại thị trường trong nước, các DN cũng chủ động tổ chức lại khâu phân phối, quảng bá sản phẩm, kết nối với người tiêu dùng. Mặt khác, chú trọng đầu tư, nghiên cứu cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Phong - Giám đốc Công ty Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, song song với việc đầu tư dây chuyền công nghệ, nghiên cứu cải tiến đưa sản phẩm đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, công ty cũng không ngừng mở rộng mạng lưới thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của công ty còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài thông qua đơn vị trung gian. Nhờ đó, đơn vị vẫn duy trì và bảo đảm thu nhập cho người lao động, phát triển hoạt động kinh doanh trước khó khăn gây ra bởi dịch bệnh COVID-19, giữ giá thành bán ra trong lúc thị trường đầu vào có nhiều biến động.

Tuy nhiên, hàng Việt hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập ngoại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại (FTA). Để giúp hàng Việt ngày càng cạnh tranh tốt hơn ngay trên “sân nhà” thì cần có sự quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy thị trường nội địa.

Ông Trần Trọng Lưu - Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương tỉnh  Đắk Lắk cho rằng, xu hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng ngày càng tăng lên, nhất là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Do đó, các DN cần quan tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Trong kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh Đắk Lắk cũng xác định: tiếp tục tăng cường các hình thức tuyên truyền để DN tìm hiểu, nắm bắt sâu về các FTA khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm tận dụng hiệu quả cam kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của DN trong tỉnh.

Chủ động các giải pháp ứng phó, đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của DN trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ chất lượng mang thương hiệu của tỉnh, những địa chỉ DN uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt nói chung và tỉnh Đắk Lắk trên thị trường.