Hồ sơ xóa nợ đối với người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn bất ngờ

Anh Thư

Ngày 15/7/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Theo đó, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ cần lập đầy đủ hồ sơ xóa nợ theo quy định.

Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ cần lập đầy đủ hồ sơ xóa nợ theo quy định
Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ cần lập đầy đủ hồ sơ xóa nợ theo quy định

Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế còn nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (do Quốc hội ban hành ngày 26/11/2019, có hiệu lực từ 01/7/2020).

Theo đó, hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ (quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14) gồm: Văn bản đề nghị xóa nợ của người nộp thuế gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế (theo mẫu số 02/VBĐN-1 ban hành kèm theo Thông tư này); Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế; Văn bản xác nhận người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian, địa điểm xảy ra của một trong các cơ quan, tổ chức sau: công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ; tổ chức cứu hộ, cứu nạn; cơ quan có thẩm quyền công bố dịch bệnh.

Bên cạnh đó, hồ sơ cần có đủ: Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập; Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của cơ quan có thẩm quyền như: tổ chức kiểm toán độc lập hoặc cơ quan thẩm định giá hoặc cơ quan bảo hiểm; Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ của cơ quan quản lý thuế tại thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và tại thời điểm đề nghị xóa nợ.

Ngoài ra, người nộp thuế nộp thêm hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật(nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (nếu có); Các quyết định miễn tiền chậm nộp, quyết định gia hạn nộp thuế kể từ thời điểm Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành đến thời điểm đề nghị xóa nợ (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết số 94/2019/QH14 có hiệu lực thi hành và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.