Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt

Lê Thanh

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã đạt được những kết quả khá tích cực. Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động này phát triển, công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang được gấp rút bổ sung, hoàn thiện.

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng mạnh
Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng mạnh

Thanh toán không dùng tiền mặt đạt nhiều kết quả tích cực

Sau gần 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 do Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đến nay đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng.

Hiện nay, ở Việt Nam có các hệ thống TTKDTM chính gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS); hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống thanh toán nội bộ của từng ngân hàng thương mại (NHTM); các hệ thống thanh toán song phương; hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB – Money; hệ thống thanh toán chứng khoán do BIDV quản lý, vận hành; hệ thống thanh toán thẻ; hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính… Hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Tính đến cuối năm 2019, trên toàn quốc có khoảng 18.900 ATM và 282.900 máy POS, tăng tương ứng 17,3%; 44,5% so với cùng kỳ năm 2018).

Các phương thức TTKDTM không ngừng tăng mạnh. Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng Mobile Banking thời gian qua là 200%. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Trong năm 2019, giá trị giao dịch bình quân qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đạt gần 375 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 17 tỷ USD/ngày); giá trị giao dịch qua POS đạt 491 nghìn tỷ đồng; qua điện thoại di động đạt 4,264 nghìn tỷ đồng; qua Internet đạt 17.729 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 66,3%; 221,2% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2018).

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Mặc dù đã đạt các kết quả tích cực nêu trên nhưng chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 2545/QĐ-TTg (đến ngày 31/12/2019 là 11,33%); việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn...

Trước tình hình đó, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Trong đó, NHNN được giao khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới.

NHNN cho biết, theo kế hoạch, hàng loạt nghị định, thông tư liên quan đến hành lang pháp lý thử nghiệm các phương tiện thanh toán mới sẽ được ban hành trước tháng 12/2020, bao gồm: Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Đề án Đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung các thông tư về TTKDTM, về dịch vụ trung gian thanh toán; đề xuất Thủ tướng ban hành quyết dịnh thí điểm Mobile Money… Riêng thông tư về áp dụng xác thực điện tử (eKYC) sẽ ban hành trước tháng 9/2020.

Hiện tại, dự thảo nghị định mới về TTKDTM (trong đó có quy định về Mobile Money) đang được NHNN hoàn thiện. Cơ quan này cũng đang xây dựng Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox), xây dựng cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) tại Việt Nam…