Kiến nghị bỏ thuốc bảo vệ thực vật khỏi danh mục dự trữ quốc gia

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Trong khoảng 10 năm gần đây, sinh vật gây hại cây trồng ít xuất hiện và bùng phát. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại, có thời gian sử dụng ngắn (2 - 3 năm) nên phải thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch luân chuyển hàng năm, việc này dẫn đến phát sinh chi phí và tốn kém cho ngân sách nhà nước. Do đó, việc dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay không thực sự hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày 2/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có Công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc dừng dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật. Đây là lần thứ 2 Bộ NN&PTNT có công văn gửi Bộ Tài chính.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2011 đến nay, thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia không được các địa phương đề nghị hỗ trợ bởi các lý do: Dịch hại cây trồng ít xuất hiện và bùng phát; một số địa phương có điều kiện đã chủ động kinh phí để xử lý khi dịch xảy ra. Mặt khác, thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại, thời gian sử dụng ngắn (từ 2-3 năm) nên phải thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch luân chuyển hàng dẫn tới phát sinh chi phí, tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, tồn kho dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật gần 258 tấn, với giá trị là khoảng 42 tỷ đồng
Hiện nay, tồn kho dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật gần 258 tấn, với giá trị là khoảng 42 tỷ đồng
 

Hiện nay, tồn kho dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật gần 258 tấn, với giá trị là khoảng 42 tỷ đồng. Từ thực tiễn nêu trên, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1560/BNN-KH ngày 2/3/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Ngày 24/3/2020, Văn phòng Chính phủ có Phiếu chuyển số 442/PC-VPCP chuyển Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của Bộ NN&PTNT. Ngày 4/5/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5343/BTC-TCDT về dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu, tham mưu đề xuất đối với các ý kiến của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, trong khoảng 10 năm gần đây, sinh vật gây hại cây trồng ít xuất hiện và bùng phát. Một số địa phương có công bố dịch nhưng cũng đã tự chủ ngân sách của địa phương hỗ trợ nông dân phòng chống dịch nên không đề nghị Trung ương cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia. Việc dự trữ bằng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cụ thể cũng hạn chế và không linh hoạt trong công tác chống dịch trong điều kiện sinh vật gây hại cây trồng có những diễn biến bất thường, trái với quy luật, phát sinh những sinh vật gây hại mới.

Mặt khác, thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất độc hại, có thời gian sử dụng ngắn (2-3 năm) nên phải thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch luân chuyển hàng năm, việc này dẫn đến phát sinh chi phí và tốn kém cho ngân sách nhà nước. Do đó, việc dự trữ thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay không thực sự hiệu quả.

Vì vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị dừng dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật. Nếu được các cấp có thẩm quyền chấp thuận như kiến nghị tại Công văn số 1560/BNN-KH ngày 02/3/2020, Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương chủ động phòng, chống dịch hại cây trồng bằng nguồn kinh phí của địa phương. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”.

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc dừng dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật.