Kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may năm 2022 kỳ vọng đạt 40 tỷ USD

Theo Bùi Hằng/kinhtemoitruong.vn

Hiện ngành Dệt may đang ghi nhận những tín hiệu tích cực trong quý IV/2021, tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những thách thức do đại dịch phải vượt qua để hướng tới kịch bản giá trị xuất khẩu đạt 40 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2020 cả thế giới ghi nhận tăng trưởng âm sau thời gian dài tăng trưởng dương. Trong khi đó Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương với tăng GDP ước đạt 2,91%.

Với thành tích đó, triển vọng ngành dệt may Việt Nam lại không được tươi sáng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành trong năm 2020 lại giảm với giá trị ước đạt 35 tỷ USD. Mặc dù vậy Việt Nam nằm trong 10 nước xuất khẩu hàng sợi dệt nhiều nhất thế giới trong năm này.

Bước sang năm 2021, tình hình khởi sắc hơn dù nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu ngành dệt may ghi nhận trong 11 tháng đầu năm ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với 2020, tăng 3,1% so với 2019. Riêng hàng may mặc tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Sự tăng trưởng này được lý giải bởi các nền kinh tế lớn của thế giới đang dần ổn định, người dân trở lại nhịp sống bình thường, do vậy nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc.

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều có sự tăng trưởng trong năm 2021, ngoại trừ Nhật Bản. Điều này đã góp phần thúc đẩy thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại các nước.

Trong 10 tháng năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, thị trường Mỹ nhập khẩu tăng 4,9%; Thị trường Trung Quốc tăng 6,9%. Trong khi đó, Nhật Bản lại giảm tới 9,5% so với cùng kỳ. Lý giải về điều này, ông Trường cho biết, do nền kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi trở lại, nhu cầu tiêu dùng còn hạn chế.

Những thách thức trong năm 2022

Ông Lê Tiến Trường cho hay, ngành Dệt may Việt Nam phải đối diện với 3 khó khăn trước mắt và trong tương lai. Đầu tiên là chi phí vận tải cao. Chi phí vận tải máy bay trong năm nay đã tăng từ 4000-4500 USD/tấn lên 17.000 USD/tấn.

Chỉ số tổng hợp trung bình của WCI, được đánh giá bởi Drewry, cho thấy đến cuối tháng 11/2021 là 7.413 USD cho mỗi container 40ft, cao gấp 3 lần so với mức trung bình trong 5 năm là 2.690 USD cho mỗi container 40ft.

Cùng với đó, ông Trường cho rằng, trong bối cảnh đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới, VND vẫn duy trì được sự ổn định. Trong 11 tháng đầu năm 2021, VND tăng giá khoảng 1,7% so với đồng USD. Điều này gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ.

Đợt dịch thứ tư tại Việt Nam đã khiến hàng nghìn người thất nghiệp. Do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch thứ 4, làn sóng chuyển dịch lao động dẫn đến thị trường lao động mất cân bằng nghiêm trọng.

Theo khảo sát sơ bộ của Bộ Lao động thương binh xã hội, trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 đã có 324.000 người lao động trở về từ Hà Nội; 292.000 người lao động trở về từ TP.HCM; 450.000 người lao động trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.

Theo khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam với 23.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, có tới 17,8% doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động. Ngành dệt may thiếu hụt tới 39,5%, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất các sản phẩm may mặc, đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế.

Sẽ có 3 kịch bản dự báo về xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2022. Đầu tiên, kịch bản khả quan nhất sẽ ghi nhận 80% người lao động sẽ trở về nhà máy từ quý 4/2021 đến quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD, ông Trường phân tích.

Ở kịch bản thứ 2, sản xuất trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022 sẽ có trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD.

Đề phòng với kịch bản xấu nhất, ông Trường cho rằng tới quý I/2022 tình hình sản xuất vẫn chưa ổn định hoàn toàn, doanh nghiệp chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD.