Kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp tại một số nước và bài học đối với Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2020

Tại các quốc gia phát triển, giáo dục nghề nghiệp chú trọng phát triển và được coi là yếu tố quyết định, định hướng nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết phân tích kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp tại một số nước và rút ra bài học cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kinh nghiệm phát triển giáo dục nghề nghiệp tại một số nước

Canada

Tại Canada, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có các đặc tính chung là đào tạo năng lực, phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp và nhà tuyển dụng; lấy người học làm trung tâm; chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành và nghiên cứu ứng dụng, chú trọng lồng ghép các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyển đổi vào tất cả các môn học; mở tầm nhìn ra thế giới, tìm những cơ hội học tập mới và quốc tế hóa. Doanh nghiệp và nhà tuyển dụng tại Canada tham gia vào hội đồng trường, ban cố vấn chương trình đào tạo. Hệ thống dạy nghề với mục tiêu và các chuẩn nghề nghiệp do doanh nghiệp quyết định đóng vai trò quan trọng trong hệ thống GDNN ở Canada.

Singapore

Để khuyến khích việc học nghề và hỗ trợ đào tạo nghề, Chính phủ Singapore tập trung nguồn lực khá lớn cho GDNN học sinh, sinh viên được thực hành trong một môi trường như thực tế tại doanh nghiệp đối với tất cả các nghề, kể cả các nghề đòi hỏi kỹ thuật cao như: bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, tự động hóa, robotics thời công nghiệp 4.0.

Singapore chủ trương tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các trường nghề trở thành người hợp tác chính yếu của các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ Singapore luôn chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên trong GDNN, tuân thủ việc trả lương tương xứng với hiệu quả làm việc của giáo viên trong các cơ sở GDNN.

Đức

Tại Đức, hệ thống đào tạo nghề kép được xem là mô hình đào tạo hiệu quả hàng đầu thế giới. Đội ngũ giáo viên dạy nghề được chọn kỹ trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như: ít nhất phải có kinh nghiệm làm việc 5 năm, có đủ năng lực sư phạm và chuyên môn để tham gia giảng dạy... Tiêu chuẩn năng lực sư phạm và chuyên môn đối với giáo viên nghề về cơ bản gồm: Chứng chỉ thợ chính thức của ngành, 1,5 năm đào tạo thêm vào buổi tối tại trường kỹ thuật và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.

Australia

Là quốc gia có phương pháp học nghề ưu việt, học viên tại các trường nghề của Australia được học với chuyên gia, thực hành trong môi trường công việc ngay trong quá trình học tập với nhiều ngành nghề phong phú, đa dạng. Hệ thống GDNN có sự phối hợp quan hệ đối tác tốt với các doanh nghiệp nhằm giúp cho học viên có kinh nghiệm nghề thực tế để thuận lợi trong quá trình tuyển dụng.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua phân tích về phát triển GDNN của một số nước nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong phát triển GDNN như sau:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước đối với các cơ sở GDNN.

Thực tế cho thấy, hiện nay, phòng học và xưởng thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu là sửa chữa, cải tạo lại. Về trang thiết bị đào tạo mới chỉ tập trung đầu tư tại 30% số trường ở các ngành, nghề trọng điểm, còn phần lớn các ngành, nghề còn lại đều thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ và chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Cần chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực dạy nghề, tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và hiệu quả thực hiện của các cấp. Hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, tiến đến giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính cho các cơ sở GDNN theo quy định của pháp luật. Tái cấu trúc mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh.

Hai là, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN.

Tăng cường đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy. Sử dụng chương trình đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc các chương trình đào tạo được chuyển giao từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN theo hướng chuẩn hóa; Thực hiện tốt các quy định về chế độ làm việc, chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù của nhà giáo trong cơ sở GDNN.

Ba là, đổi mới quản lý, đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho GDNN.

Cần chủ động nghiên cứu, đổi mới cơ chế tài chính cho GDNN; chuyển từ cơ chế “cấp phát” sang cơ chế “đặt hàng”, giao nhiệm vụ đào tạo căn cứ vào số lượng, chất lượng đầu ra của các cơ sở GDNN; Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho GDNN, kết hợp ngân sách nhà nước với đầu tư nước ngoài và nguồn lực tự có của các cơ sở GDNN.

Bốn là, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.

Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết việc đào tạo nghề với sử dụng lao động. Các cơ sở GDNN thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề; Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp; Tăng cường hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đặt hàng giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, đảm bảo cho người học sau khi kết thúc khóa học có việc làm; Huy động sự tham gia của các chuyên gia giỏi tại doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình GDNN; Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình giảng dạy, thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng cơ sở GDNN; Thực hiện hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; Hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài có trình độ đào tạo tiên tiến để từng bước tiếp thu, chuyển giao chương trình, công nghệ đào tạo.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Quân, Đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0, http://tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/dao-tao-nghe-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-va-cach-mang-cong-nghiep-4-0;

2. Thu Phương, Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Canada và bài học cho Việt Nam, http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=44668;

3. Nguyễn Văn Lâm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh), Kinh nghiệm tái cơ cấu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Singapore và bài học cho Thành phố Hồ Chí Minh, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-nghiem-tai-co-cau-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-cua-singapore-va-bai-hoc-cho-thanh-pho-ho-chi-minh-71165.htm.