Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tổ chức hạch toán kế toán trong các cơ sở y tế

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 6/2020

Hiệu quả của tổ chức hạch toán kế toán là “chìa khóa” để tăng cường công tác quản lý tài chính ở các cơ sở y tế trong điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy, tổ chức hạch toán kế toán ở các cơ sở y tế đã phần nào đáp ứng yêu cầu về cung cấp thông tin tài chính trung thực, có tác động tích cực đến công tác quản lý tài chính của các đơn vị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính đòi hỏi tổ chức hạch toán kế toán phải có sự thay đổi để không ngừng nâng cao hiệu quả. Bài viết này tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức hạch toán kế toán trong các cơ sở y tế và rút ra bài học ở Việt Nam.

 Đặt vấn đề

Trong bối cảnh mới, các bệnh viện nói riêng và hệ thống các cơ sở y tế của Việt Nam nói chung đang đứng trước nhiều thách thức của thế hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra môi trường tranh gay gắt cả đối với doanh nghiệp và các đơn vị. Việc phải đối diện với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình cung cấp các dịch vụ công là điều tất yếu đang diễn ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đơn vị sự nghiệp nói chung và các cơ sở y tế nói riêng còn thụ động, thiếu sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Một trong nhiều nguyên nhân là do hoạt động của khu vực công thường thiếu sức ép cạnh tranh nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Trước thực trạng đó, việc áp dụng cơ chế quản lý tài chính mới và không ngừng hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán là một yếu tố quan trọng, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán trong các cơ sở y tế nhằm mục tiêu đảm bảo thông tin kế toán tin cậy, đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp người điều hành, quản lý đơn vị ra các quyết định quản lý phù hợp, từ đó cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho công tác công khai tài chính của đơn vị.

Trong những năm qua, cơ chế quản lý tài chính kế toán đã có nhiều thay đổi, đã tạo điều kiện cho các đơn vị tự chủ, cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tài chính kế toán, để hạch toán kế toán phản ánh trung thực các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đồng thời, đánh giá được hiệu quả việc sử dụng các nguồn thu, phân tích chính xác các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, đây là một chủ trương mới, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, do đó trong quá trình thực hiện các đơn vị không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình thu thập, phản ảnh và xử lý thông tin của đơn vị. Đây là điều khó tránh khỏi trong quá trình chuyển đổi và hoàn thiện không ngừng nên cần có sự nghiên cứu, phân tích, từ đó góp phần hoàn thiện công tác tổ chức hạch toán kế toán tại các cơ sở y tế. Chính vì vậy, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế để rút ra những bài học cho Việt Nam là điều cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức hạch toán kế toán trong các cơ sở y tế

Trên thế giới có nhiều mô hình hạch toán kế toán, nhưng có hai mô hình được các cơ sở y tế áp dụng phổ biến bao gồm:

Hệ thống cơ sở y tế của Mỹ

Hệ thống này hoàn toàn dựa vào khoản thanh toán từ các Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) và thu viện phí trực tiếp hoặc thu phí đồng chi trả BHYT. Nhà nước chỉ cung cấp tài chính cho bệnh viện qua các chương trình bảo hiểm sức khoẻ cho người nghèo, người cao tuổi hoặc trực tiếp tài trợ cho nghiên cứu y khoa và đào tạo bác sỹ. Với cách tổ chức này, hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực y tế được khuyến khích cao. Vì vậy, nước Mỹ luôn tự hào có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới và luôn đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ y khoa vào cuộc sống.

Tuy nhiên, tính công bằng trong y tế không được đề cao, vì khoảng 15% dân chúng Mỹ không có BHYT và một phần đông trong số những người còn lại có mức bảo hiểm thấp, trong khi chi tiêu khám chữa bệnh cao và tăng nhanh liên tục. Về tổ chức hạch toán kế toán, các cơ sở này hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, do đó việc tuân thủ theo Luật Kế toán mỗi nước và các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS).

Hệ thống cơ sở y tế của các nước Đông Âu

Nguồn tài chính của các cơ sở y tế ở các nước Đông Âu được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, BHXH bắt buộc và thanh toán trực tiếp của người khám chữa bệnh. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước  cấp là nguồn tài chính chủ yếu cho các hoạt động của đơn vị. Chính phủ và các cơ quan nhà nước ra quyết định đầu tư trong bệnh viện nên hầu như các bệnh viện không tự đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn thu từ BHXH được huy động từ tất cả những người lao động và sử dụng lao động.

Các bệnh viện hoạt động trên nguyên tắc bù đắp chi phí bằng thu nhập, song trên thực tế, tình trạng thâm hụt thường xuyên xảy ra và được ngân sách nhà nước bù đắp. Chính bởi sự ràng buộc ngân sách đôi khi còn lỏng lẻo nên lãng phí nguồn lực là tình trạng phổ biến thường xuyên diễn ra.

Các bệnh viện hoạt động trên nguyên tắc bù đắp chi phí bằng thu nhập, song trên thực tế, tình trạng thâm hụt thường xuyên xảy ra và được ngân sách nhà nước bù đắp. Chính bởi sự ràng buộc ngân sách đôi khi còn lỏng lẻo nên lãng phí nguồn lực là tình trạng phổ biến thường xuyên diễn ra.

Với tính chất hoạt động dựa vào tài trợ của Chính phủ, các cơ sở y tế này tổ chức hạch toán kế toán trên cơ sở Luật Kế toán mỗi nước và các chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS). Do chuẩn mực kế toán quốc tế trong lĩnh vực công được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực tư và được thực hiện trên cơ sở kế toán dồn tích nên cũng có những điểm khá tương đồng. Hàng năm, các đơn vị này phải lập 4 báo cáo tài chính để công khai là Bảng cân đối kế toán phản ánh tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động để phản ánh quá trình hoạt động và xác định chênh lệch của đơn vị trong kỳ kế toán; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính.

Kinh nghiệm cho các cơ sở y tế Việt Nam

Trên cơ sở khảo sát hai mô hình tổ chức cơ sở y tế phổ biến trên thế giới có thể nhận thấy, việc tham khảo kinh nghiệm và rút ra bài học cho xây dựng mô hình tổ chức hạch toán kế toán trong các cơ sở y tế của Việt Nam là hết sức cần thiết. Vì y tế là một ngành cung cấp dịch vụ đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người dân, do đó vấn đề cân đối giữa tính công bằng và hiệu quả trong y tế cần được coi trọng, đảm bảo tính công bằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính chính sách lâu dài. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở y tế thường khá nhạy cảm với những tác động của các chính sách về y tế, do đó việc nghiên cứu áp dụng các bài học kinh nghiệm cần phải được cân nhắc thận trọng. Những điểm chính cần được xem xét bao gồm:

Thứ nhất, đa dạng hóa các loại hình cơ sở khám chữa bệnh và thị trường hóa một số loại số loại hình cung cấp dịch vụ như: Tổ chức khám chữa bệnh tại nhà, khám chữa bệnh theo yêu cầu… nhưng phải triệt để chống trào lưu thương mại hóa thông qua sự tăng cường quản lý của Nhà nước bằng hệ thống luật pháp.

Thứ hai, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chuyển từ mô hình quản lý thuần túy chuyên môn sang mô hình quản lý đơn vị kinh tế dịch vụ trên cơ sở đó xây dựng hệ thống định mức kinh tế hợp lý, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, chi phí và thu nhập.

Thứ ba, coi trọng và phát triển BHYT là cách thức hữu hiệu nhất để đảm bảo vững chắc nguồn tài chính cho hoạt động của các cơ sở y tế. Theo đó, nội dung đổi mới của hệ thống BHYT bao gồm đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, xây dựng nhiều mức đóng BHYT khác nhau để thỏa mãn các mức hưởng thụ đa dạng của khách hàng, có nhiều cơ sở khám chữa bệnh và nhiều công ty bảo hiểm cùng tham gia để tạo sự cạnh tranh giúp nâng nâng cao chất lượng phục vụ và thúc đẩy phát triển BHYT. Nghiên cứu để tiến tới sự phù hợp giữa kế toán nhà nước Việt Nam nói chung, kế toán các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng, tiệm cận dần với chuẩn mực kế toán công quốc tế.

Một số kiến nghị, đề xuất             

Về phía Nhà nước

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả cải cách tài chính công: Thông qua hệ thống chỉ tiêu đánh giá, Nhà nước có cơ sở để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị và có cơ sở dữ liệu để phân tích kết quả đạt được nhằm điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng chỉ tiêu đánh giá kết quả cải cách chính là căn cứ để thực hiện cải cách quá trình lập ngân sách.

- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả công việc đầu ra. Trong cơ chế quản lý tài chính mới, cần thiết lập các thước đo về kết quả và hiệu quả công việc chứ không chú trọng vào các yếu tố đầu vào để tạo ra sản phẩm hay kết quả đó. Ví dụ: Đối với ngành Y tế, cần căn cứ vào số lượng bệnh nhân đã được điều trị, chất lượng sức khỏe bệnh nhân sau điều trị… để đánh giá kết quả công việc không nên căn cứ trên số giường bệnh kế hoạch để phân bổ ngân sách. Trên cơ sở hệ thống định mức chi tiêu Nhà nước ban hành, các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng dự toán ngân sách đồng thời thực hiện việc chi tiêu theo đúng quy định. Thông qua hệ thống tiêu chuẩn này, các đơn vị được quyền chủ động chi tiêu thực hiện nhiệm vụ mà không phải làm các thủ tục đề nghị, xin phép với cơ quan Nhà nước.

- Giao quyền tự chủ tài chính toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp: Giao quyền tự chủ tài chính với các nội dung cụ thể gắn chất lượng hoạt động sự nghiệp và hiệu quả quản lý với tiền lương và thu nhập của người lao động, sử dụng kinh phí tiết kiệm và có hiệu quả hơn. Đối với nguồn kinh phí ngân sách cấp, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp tiếp nhận ngân sách được phép chủ động quản lý, sử dụng nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Về phía ngành Y tế

- Chỉ đạo triển khai tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện bước đầu cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án hoàn chỉnh cơ chế quản lý tài chính cho phù hợp với đặc thù của ngành.

- Tăng cường kiểm tra công tác quản lý tài chính đối với các cơ sở y tế.

- Tăng cường công tác trao đổi kinh nghiệm với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới, nhằm rút ra ưu, nhược điểm của cơ chế, cách thức triển khai và thực hiện cơ chế mới nhanh chóng, hiệu quả.

- Nghiên cứu xây dựng phần mềm dùng chung với mã nguồn mở có một số module cơ bản; hỗ trợ các cơ sở y tế đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nói chung và quản lý tài chính nói riêng.

Về phía người dân

- Chủ động giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng bằng cách xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, từ bỏ các thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi đau ốm biết sử dụng thuốc thông thường, nếu có diễn biến xấu đến ngay cơ sở y tế để khám chữa bệnh, không dùng các phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan.

 - Có tinh thần, thái độ hợp tác với các cơ sở y tế trong quá trình sử dụng các dịch vụ y tế.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế (2005), Tổng quan về hệ thống bệnh viện Việt Nam, NXB Y học;
2. Bộ Y tế (2006), Tài khoản y tế quốc gia thực hiện ở Việt Nam thời kỳ 1998-2003, NXB Thống kê;
3. Bộ Y tế (2006), Hướng dẫn xây dựng một số phân hệ phần mềm quản lý bệnh viện;
4. Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2006), Thông tư liên tịch số 03/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/1/2006 về việc bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2015/TT-BTC ngày 30/9/1995;
5. Bộ Y tế, Nhóm đối tác hỗ trợ y tế Tổ chức Y tế thế giới (2008), Báo cáo chung tổng quan ngành Y tế năm 2007;
6. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chínhđối với đơn vị sự nghiệp công lập.