Kinh nghiệm thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới

ThS. Trương Ngọc Chân -Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp/tapchicongthuong.vn

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm thu hút FDI của một số nước (Nhật Bản, Singapore) sẽ là bài học quý báu đối với Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh về lượng và chất trong thu hút FDI. Bài viết bàn về kinh nghiệm thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Đặt vấn đề

Để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới, bài viết lựa chọn nghiên cứu tại 2 quốc gia Nhật Bản, Singapore đều đã thực hiện các FTA thế hệ mới nổi bật cùng với Việt Nam như là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do song phương với EU (EVFTA). Đây là hai quốc gia đã có những thành công nhất định trong thu hút vốn FDI, nhất là trong điều kiện thực hiện FTA thế hệ mới.

2. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Vốn FDI thu hút vào Nhật Bản trong những năm qua có những tăng trưởng nhất định. (Biểu đồ 1)

Kinh nghiệm thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới - Ảnh 1

Vốn FDI năm 2021 đạt mức 24,64 tỷ USD, cao hơn 130% so với cùng kì năm trước. Dòng vốn FDI chảy vào thị trường nội địa thắp lên những hy vọng rằng nó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt các nguồn vốn đầu tư đang giảm dần và mở ra cơ hội kinh doanh mới - điều mà các công ty Nhật Bản đã không kịp thực hiện. FDI hướng nội cũng mang tới sự phát triển công nghệ, có khả năng làm thay đổi bản chất của công việc.

Những kinh nghiệm của Nhật Bản thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới gồm:

- Nhật Bản đã bãi bỏ quy định và đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bao gồm đơn xin thị thực và thủ tục nhập khẩu theo những cam kết trong các FTA thế hệ mới.

- Vốn FDI vào Nhật Bản cũng được thúc đẩy thông qua lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu cho thấy có sự tương tác giữa FDI hướng nội và du lịch quốc tế.

- Tự do hóa chính sách nhập cư là chìa khóa để thúc đẩy FDI vào Nhật Bản. Kể từ khi Luật Kiểm soát nhập cư và Công nhận người tị nạn sửa đổi có hiệu lực vào tháng 4/2019, Nhật Bản đã mở rộng cửa chấp thuận cho lao động nước ngoài vào làm việc.

- Nhật Bản đóng vai trò tích cực trong thực hiện các FTA thế hệ mới: lập riêng một trụ sở phụ trách các cuộc đàm phán và phối hợp các cấp trong nước cho Hiệp định CPTPP. Đây là bước đệm cho những mở cửa và cam kết nhằm thu hút vốn FDI thuận lợi.

- Ngoài ra, đối với Nhật Bản, những cải cách mà CPTPP đòi hỏi cũng chính là một trong những “đơn thuốc” mà chính sách kinh tế Nhật Bản đã kê nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, khôi phục tiềm lực tăng trưởng kinh tế dài hạn.

- Giải quyết quan hệ lợi ích trong thu hút FDI của Nhật Bản: Để thực hiện tốt quan hệ lợi ích kinh tế trong thu hút đầu tư FDI, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập hệ thống tổ chức quản lý linh hoạt để thực hiện mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp và người lao động.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong thu hút FDI. Về phương thức giải quyết xung đột giữa doanh nghiệp và người lao động, Nhật Bản luôn ưu tiên giải pháp đối thoại, cụ thể là thông qua hình thức thương lượng tập thể.

- Trong FTA thế hệ mới mà Nhật Bản đang thực thi: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA: Japan-EU Free Trade Agreement), hiệp định này đã mang lại cho Nhật Bản những thuận lợi rất lớn trong việc thu hút vốn FDI. Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU, thông qua đó, các doanh nghiệp châu Âu sẽ được tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hóa cho 48 thành phố lớn của Nhật Bản và được gỡ bỏ các rào cản tại thị trường Nhật Bản trong việc cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Đây là lợi ích quan trọng của việc thực hiện các FTA thế hệ mới trong thu hút vốn FDI vào Nhật Bản.

3. Kinh nghiệm của Singapore

Ngay từ những năm 1959 trở đi, sau khi trở thành nhà nước tự chủ, Singapore đã có những bước phát triển thần kỳ. Có được điều này một phần quan trọng là nhờ vào nguồn vốn FDI quy mô lớn, liên tục chảy vào quốc đảo ngay cả trong những năm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Năm 2019, Singapore thu hút được hơn 114 tỷ USD (kỷ lục trong 10 năm qua). Sang năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng dòng vốn FDI chảy vào Singapore vẫn rất khả quan. Có thể nói nhờ có môi trường kinh doanh thuận lợi là yếu tố giúp Singapore thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. (Biểu đồ 2)

Kinh nghiệm thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới - Ảnh 2

Singapore là quốc gia đi đầu trong liên kết kinh tế khu vực tính về số lượng và phạm vi địa lý của các FTA đã được ký kết. Kể từ khi tham gia FTA đầu tiên là Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1993, Singapore đã có FTA với hầu hết các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là FTA Singapore - EU là một trong những “FTA thế hệ mới” của EU. Là quốc gia đầu tiên trong ASEAN tham gia ký kết FTA với EU (2014), FTA Singapore - EU hy vọng sẽ mở cửa cho FTA của EU với các nước khác trong khu vực ASEAN. Điều đáng chú ý là FTA Singapore - EU đặc biệt coi trọng phát triển bền vững nên được gọi là "FTA xanh” đầu tiên. Phát triển bền vững được thể hiện xuyên suốt FTA Singapore - EU.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore được xem là công cụ để thu hút FDI và kích thích sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Đồng thời, FTA làm giảm bớt những rào cản thương mại cho phép ngành công nghiệp khai thác những thị trường mới, mở rộng phạm vi xuất khẩu và làm tăng nền tảng người tiêu dùng.

Nhìn lại những chính sách có hiệu quả trong thu hút vốn FDI tại Singapore trong điều kiện thực hiện các FTA thế hệ mới có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài: Singapore đặc biệt thành công trong việc thu hút FDI có chất lượng. Các hoạt động đầu tư tại quốc gia này được điều chỉnh bởi luật chung như luật chung về hợp đồng, luật công ty và các luật cụ thể theo ngành.

- Bộ máy hành chính giải quyết việc nhanh chóng: Bộ máy hành chính hoạt động trơn tru với sự cộng tác hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Chính phủ Singapore còn tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng về thị thực nhập cảnh và cư trú cho người nước ngoài muốn hoạt động kinh doanh tại Singapore.

- Hệ thống thuế đơn giản và thân thiện với nhà đầu tư. Mức thuế doanh nghiệp cao nhất chỉ 17%. Bên cạnh đó, Singapore đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (DTA) với hơn 70 quốc gia trên thế giới.

Singapore đã xác định rõ việc thu hút nguồn vốn FDI tập trung vào 3 lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, Singapore chủ trương thu hút vốn FDI vào các ngành thích hợp.

Từ những năm 2010, Hội đồng Phát triển kinh tế Singapore (EDB) đã áp dụng cách tiếp cận theo cụm, tập trung vào những công ty thuộc các ngành điện tử - bán dẫn, hóa dầu và công nghiệp chế biến. Cách tiếp cận theo cụm là một công cụ của chính sách công nghiệp nhằm thu hút vốn FDI, đồng thời tăng cường các mối liên kết và các tác động lan tỏa. Để khai thác ưu thế về vị trí địa lý, cũng như khắc phục sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với trình độ phát triển cao của nền kinh tế, thu hút vốn FDI còn hướng vào việc tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.

Quốc gia này xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả. Tệ nạn tham nhũng được xét xử rất nghiêm, tất cả các doanh nghiệp không kể trong nước, ngoài nước đều được đối xử như nhau, mọi người đều làm việc, tuân thủ theo pháp luật.

- Chính phủ Singapore đã ban hành những chính sách khuyến khích các nhà tư bản nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư. Singapore áp dụng chính sách ưu đãi rất đặc biệt, đó là: Khi kinh doanh có lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển lợi nhuận về nước; Nhà đầu tư có quyền cư trú nhập cảnh (đặc quyền về nhập cảnh và nhập quốc tịch); Nhà đầu tư nào có số vốn ký thác tại Singapore từ 250.000 đô la Singapore trở lên và có dự án đầu tư, thì gia đình họ được hưởng quyền công dân Singapore.

- Trong cam kết khi thực hiện CPTPP, Singapore xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định. Đây là mức cam kết rất lớn tạo điều kiện cho Singapore thu hút ngày càng nhiều hơn dòng vốn FDI có chất lượng.

- FTA giữa Singapore - Anh và FTA Singapore - EU giúp công ty các nước thành viên được hưởng nhiều lợi ích thuế quan. Việc ký kết các FTA thế hệ mới được xem là công cụ để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và kích thích sự tăng trưởng cho nền kinh tế tại quốc gia này.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Singapore - EU  giúp Singapore có “sân hoạt động” kinh doanh thương mại rộng rãi hơn. Hiệp định FTA Singapore - EU giúp xuất khẩu của EU sang Singapore có thể tăng thêm khoảng 1,4 tỷ euro  trong 10 năm (2015-2025). Xuất khẩu của Singapore sang EU có thể tăng thêm khoảng 3,5 tỷ Euro, bao gồm cả xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp châu Âu được thành lập tại Singapore. 

4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Xuất phát từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Singapore, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm quý báu như sau:

Thứ nhất, phát huy tính chủ động và đề cao quan điểm đối thoại của hệ thống tổ chức nhằm đảm bảo lợi ích của các chủ thể trong thu hút FDI vào phát triển công nghiệp.

Thứ hai, xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của quốc gia để đảm bảo nguồn lực này phục vụ tốt cho phát triển sản xuất trong nước. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, dành các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các loại dự án này.

Thứ ba, về thủ tục đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án đầu tư đều phải thực hiện thủ tục đầu tư với quy trình chặt chẽ, có sự tham gia cấp phép, thẩm định của nhiều Bộ chuyên ngành.

Thứ tư, duy trì, phát triển đồng đều vốn FDI giữa các vùng miền và phân cấp quản lý hiệu quả.

Thứ năm, thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực cần ưu tiên theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế. Việt Nam có thể tích cực theo đuổi chính sách xây dựng các cụm công nghiệp, các đặc khu kinh tế có thể chế luật vượt ra ngoài thể chế quốc gia thống nhất tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài phát triển.

Thứ sáu, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ về chất lượng đào tạo nhân lực: chi phí lao động không cao song lại thay đổi liên tục về lương tối thiểu vùng miền, điều này gây quan ngại cho các nhà đầu tư.

Thứ bảy, có cơ chế xúc tiến đầu tư, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.

Thứ tám, Việt Nam cần coi trọng phát triển bền vững, thu hút vốn FDI trong điều kiện thực hiện các FTA, theo đó cần xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan áp dụng đối với thương mại và đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo theo kinh nghiệm từ Singapore.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đỗ Anh Đức (2020), “Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số khuyến nghị đối với tỉnh Quảng Ninh”, Tạp chí Công Thương. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-nghiem-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-cua-cac-nuoc-trong-khu-vuc-dong-nam-a-va-mot-so-khuyen-nghi-doi-voi-tinh-quang-ninh-69800.htm

2. Phạm Thị Hằng (2021). “Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sự vận dụng vào Việt Nam”, Tạp chí Công Thương. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-nghiem-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-va-su-van-dung-vao-viet-nam-78676.htm

3. Foreign direct investment net inflows in Singapore 2011-2020 (2021): https://www.statista.com/statistics/607907/singapore-foreign-direct-investment-net-inflows/

4. FDI flows into Japan 2012-2021 (2022): https://www.statista.com/statistics/755771/japan-inward-fdi