Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp

Theo Lê Hoàng Giang/Báo Cà Mau

Sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn; ngoài sự biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động rõ rệt, tiếp đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là một khó khăn.

Sản phẩm của Hợp tác xã cua Năm Căn. Ảnh: Huỳnh Lâm
Sản phẩm của Hợp tác xã cua Năm Căn. Ảnh: Huỳnh Lâm

Thực tế sản xuất nông nghiệp tại Cà Mau hiện nay, điều dễ nhận thấy nhất: hiện tượng được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu đó là: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hoá nông sản của nông dân còn nhiều bất cập trong thực tế; sự liên kết 4 nhà vẫn chưa có tiếng nói chung; lại thêm có rất ít hợp đồng được ký kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp và hợp đồng thường bị phá vỡ khi thị trường có những biến động bất lợi cho 1 trong 2 phía.

Ngoài ra, vấn đề "Thực hành nông nghiệp tốt" theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp đối với những thị trường khó tính… còn rất hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm là điều cần thiết, nhưng để đảm bảo cho thương hiệu giữ được uy tín, chất lượng khi tham gia thị trường thì còn nhiều vấn đề phải đặt ra đối với công tác quản lý, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và ý thức của nông dân khi tham gia xây dựng thương hiệu.

Ðể khắc phục thực trạng trên và thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 445/QÐ-TTg, ngày 21/3/2016, về phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ÐBSCL giai đoạn 2016-2020”.

Nhằm triển khai thực hiện quyết định này, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND, ngày 27/3/2017, về triển khai thực hiện Quyết định số 445/QÐ-TTg, Quyết định số 841/QÐ-UBND ngày 23/5/2018 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực trên địa bàn tỉnh Cà Mau, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020…

Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản, có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực: thuỷ sản, lúa gạo và trái cây. Theo đó, tại tỉnh Cà Mau, thời gian qua các cấp, các ngành, kể cả doanh nghiệp đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, như ngành hàng tôm, gỗ, cua biển, điển hình là ngành hàng lúa.

Cụ thể, đối với ngành hàng lúa, xây dựng 2 mô hình sản xuất lúa - tôm chất lượng cao theo hướng VietGAP. Thông qua mô hình này, đã nhân rộng vùng sản xuất lúa, tôm chất lượng cao với quy mô trên 5.000 ha. Ðã kết nối 3 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo xây dựng vùng nguyên liệu lúa, tôm đặc sản chất lượng cao quy mô 2.000 ha tại xã Trí Lực và xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Riêng hợp tác xã Trí Lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gần 1.000 ha và 200 ha lúa hữu cơ đạt chuẩn châu Âu.

Tại huyện Trần Văn Thời, có 2 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa cao sản an toàn chất lượng cao, với quy mô 1.000 ha, trong đó hợp tác xã Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc đã ký kết 3 hợp đồng với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, với Công ty Cổ phần Phân bón và hóa chất Cần Thơ và Tập đoàn ADAMA cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất với giá trị hợp đồng giao dịch 2 tỷ đồng/năm; tiêu thụ lúa đầu ra với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, tổng giá trị gần 38 tỷ đồng.

Kết quả trên đã chứng minh, chính hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên hợp tác xã và hợp tác xã. Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết dựa vào các ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau thúc đẩy các hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao ngày càng tăng lên rõ rệt, từ đó sẽ có những sản phẩm tiêu biểu trong nước và nước ngoài.

Việc liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hiện nay tại tỉnh Cà Mau, hợp tác xã là tác nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các tác nhân tham gia vào chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, để hợp tác xã tự thân sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết chuỗi giá trị mà cần phải có sự tham gia rất quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng, trong đó Sở NN&PTNT đóng vai trò then chốt.

Ðể hỗ trợ hợp tác xã xây dựng liên kết chuỗi giá trị, trước hết các ngành chức năng tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm phát triển vùng sản xuất an toàn theo quy mô hợp tác xã, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó mới thực hiện được tốt các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống xử lý chất thải. Có chính sách huy động các nguồn vốn hỗ trợ thành viên hợp tác xã, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ; phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tổ chức và điều phối giữa các thành phần tham gia liên kết chuỗi giá trị; thúc đẩy việc xây dựng các mô kinh tế hợp tác thực hiện liên kết chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các khâu trong liên kết chuỗi giá trị, đòi hỏi tác nhân cung cấp đầu vào phải bảo đảm chất lượng, như: giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành và tuân thủ nghiêm các quy định quản lý chất lượng và trách nhiệm đối với các sản phẩm mình cung cấp.

Ðối với nông dân (thành viên hợp tác xã), cần tuân thủ triệt để quy trình sản xuất do các nhà khoa học khuyến cáo hay theo yêu cầu ràng buộc của doanh nghiệp. Theo đó, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang cách thức sản xuất mới để phù hợp với yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại - đòi hỏi nông dân không chỉ liên kết chặt chẽ với nhau mà còn tăng cường hợp tác nhằm phát huy khả năng cạnh tranh và thuận tiện khi tham gia liên kết chuỗi giá trị, cũng như tiếp nhận và thụ hưởng những chính sách từ Nhà nước và tổ chức khác. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần giữ chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, không tự ý phá vỡ khi giá cả biến động, như thế mối liên kết này mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.

Ðối với doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ sản phẩm, cần tích luỹ vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thô và bán thành phẩm. Có chiến lược dài hạn, lấy chữ tín làm đầu và tạo ra nhiều cơ chế thu hút sự tham gia của các bên cũng như cần có cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia. Ðầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân để bảo đảm nguồn cung ứng bền vững. Xây dựng khu - vùng sản xuất có chứng nhận riêng của các doanh nghiệp.

Ðối với nhà khoa học, cần nghiên cứu các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng. Nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân, doanh nghiệp; đề xuất đưa máy móc, công cụ phù hợp vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; chuyển giao công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị hàng hoá của sản phẩm; tăng cường tập huấn, đào tạo nông dân tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất.

Có thể nói, phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng để kinh tế hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tất yếu phải có liên kết chuỗi giá trị. Chính liên kết chuỗi giá trị mới bảo đảm cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân sản xuất ra được tiêu thụ, lợi ích được bảo đảm, tạo động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.