Loại bỏ rào cản để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Theo Hoàng Anh, Lê Chí/nhandan.vn

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội thảo về Luật Dầu khí sửa đổi: “Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)”.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo quan điểm của các chuyên gia, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi có thêm một số điều cơ bản làm rõ ý, chặt chẽ hơn; quy trình hồ sơ tài liệu rõ ràng.

Trong luật quy định cho rất nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, PVN là doanh nghiệp duy nhất đóng vai trò thay mặt Nhà nước ký các hợp đồng, do đó, phải xem PVN cũng là một đơn vị quản lý Nhà nước nên phải nâng cao quyền hạn, vai trò của PVN. Đồng thời, tăng phân cấp cho PVN và tạo làn sóng mới thu hút đầu tư.

Về vấn đề chính sách ưu đãi, các chuyên gia cho rằng phải chú ý các chính sách ưu đãi cao hơn đối với các vùng biển nhạy cảm; cần đa dạng hóa mẫu của các hợp đồng, phù hợp đối tượng từng mỏ, từng đối tác tham gia, từng thời điểm, bảo đảm được sự linh hoạt, không gây cứng nhắc.

Bên cạnh việc bổ sung thêm quy định về kiện toàn tổ chức bộ máy PVN trong nghị định, dự thảo luật cũng đang đề cao vai trò của Bộ Công thương; cần tăng thêm vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng. Điển hình trong Khoản 4, 5, 6 Điều 24, liên quan an ninh quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng,...

Các chuyên gia, đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.
Các chuyên gia, đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.

Theo Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập, việc đưa nhiều bộ vào dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi sẽ gây nặng nề. Thực tế, trước khi đưa ra một quyết định cũng đã thông qua rất nhiều sự tham khảo của các bộ liên quan để bảo đảm tính khả thi.

TS. Nguyễn Văn Tuân (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, Luật Dầu khí sửa đổi phải loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư; khi sửa đổi bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi. Phải nhận diện được đặc thù của ngành để đưa vào luật hóa.

Trong tờ trình có nói đến hai vai của PVN, vì vậy, cần quy định rõ ràng, chứ thực hiện ủy quyền của Chính phủ là không đúng. Trong tờ trình chưa thấy toát lên được lý luận thực tiễn, chưa có lập luận. Dự thảo mới đã sáng ý và gọn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Đơn cử, trong chương IX chưa rõ được vai trò của PVN. Chức năng nhiệm vụ cần rõ ràng, đề nghị trong bản giải trình cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của tập đoàn,...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhất trí với nội dung dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, tuy nhiên, dự thảo có nhiều quy định, nguyên tắc vẫn còn chung chung, chưa chi tiết, khi đưa vào triển khai có thể sẽ gây xung đột với các luật khác. Do vậy, đây là dịp tổng hợp các ý kiến, gửi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, chỉnh sửa, thảo luận để sớm hoàn thiện và thông qua luật trong thời gian tới.