Manh nha doanh nghiệp Việt thâu tóm khối ngoại?

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Việc một đơn vị thành viên của Vingroup vừa hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị Fivimart làm le lói lên xu hướng doanh nghiệp Việt thâu tóm khối ngoại. Xu hướng này hiện mới chỉ là manh nha, vì trong "sân chơi" này, khối nội vẫn tỏ ra lép vế dù có lợi thế "sân nhà".

 Đã tới lúc DN trong nước có thể chủ động mua lại các DN FDI? Nguồn: Internet
Đã tới lúc DN trong nước có thể chủ động mua lại các DN FDI? Nguồn: Internet

Từ tư duy thụ động, bị các nhà đầu tư nước ngoài vào mua, doanh nghiệp (DN) trong nước có thể chủ động mua lại các DN FDI tại Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài vẫn áp đảo

Dù được đánh giá là nhiều cơ hội và tiếp tục sôi động, nhưng vị thế của DN Việt trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam hết sức khiêm tốn khi các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm phần lớn tổng giá trị M&A. Điều này cho thấy phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đang mua lại DN Việt.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Thay vì đầu tư các dự án mới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn mua cổ phần của doanh nghiệp Việt – đã có thương hiệu vững vàng trên thị trường.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với các dự án trong nước là một trong các hình thức của giao dịch M&A. Đây cũng là cách được nhiều nhà đầu tư đánh giá có hiệu quả và nhanh nhất để xâm nhập thị trường, mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài là những DN Việt đang "ăn nên làm ra" hoặc rất tiềm năng trong thời gian tới.

Trong đó, phải kể tới thương vụ cuối năm 2014, Kinh Đô quyết định bán 80% cổ phần cho Mondel_z International (NASDAQ – MDLZ) – công ty bánh kẹo của Singapore.

Tới 8/2016, CTCP Tập đoàn Kido (KDC) trước đây là Kinh Đô đã bán nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho Mondel_z. Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của DN trong nước mang tên Kinh Đô đã chính thức chuyển thành DN 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Từng là DN lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực chế biến xúc xích tươi, tuy nhiên, Đức Việt đã quyết định bán cho tập đoàn thực phẩm Hàn Quốc Daesang Corp với mức giá 32 triệu USD, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối trước một thương hiệu Việt đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng.

Đã có thời điểm, hai thương hiệu P/S và Dạ Lan trở thành những "ông lớn" độc chiếm thị trường kem đánh răng Việt. Tuy nhiên, đáng tiếc là cả hai đã bán lại thương hiệu cho DN nước ngoài. Trong đó, kem đánh răng P/S bán cho Unilever vào năm 2003, Dạ Lan bán cho Colgate Palmolive. Riêng trường hợp P/S, ngày nay tên công ty vẫn còn song nhãn hiệu kem P/S không còn thuộc về người Việt.

Được mệnh danh là một trong các thương hiệu Việt đình đám, tuy nhiên cái kết của Diana giống nhiều thương hiệu Việt trước đó. Diana đã quyết định bán đứt 95% cổ phần cho tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm.

Cùng với đó phải kể tới các thương vụ bán cổ phần như như CTCP Quạt Việt Nam bán 65% cổ phần cho SEB (Pháp) hay Y Khoa Hoàn Mỹ bán 65% cổ phần cho Fortis (Ấn Độ); Fivimart và Citimart với Tập đoàn bán lẻ Aeon Nhật Bản; Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, TPC…. với Tập đoàn Xi măng Siam (SCG) của Thái Lan; Sabeco bán hơn 53% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay, các hệ thống phân phối, các DN lớn của Việt Nam luôn trở thành "đích ngắm" thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài.

Như trường hợp Nhựa Bình Minh - một trong những DN nhựa tốt nhất trong hàng Việt Nam chất lượng cao - đã rơi vào tay nhà đầu tư Thái Lan. Hay các DN lớn như Vinamilk cũng luôn được các DN nước ngoài săn đón.

Bà Hạnh chia sẻ: "Thẳng thắn mà nói mình có hấp dẫn, có đáng mua thì người ta mới muốn mua. Bán hay mua trong thời gian này hết sức bình thường. Hội nhập ai thấy mình tốt thì mua, bán được giá thì DN bán. Tuy nhiên, thử đặt câu hỏi, nếu DN có điều kiện tiếp tục phát triển, có khi người ta chưa bán. Đồng thời, mình bán nhưng có đi mua lại DN khác không?"

Bà Hạnh đặt vấn đề tại sao những DN tư nhân Việt Nam không thể tham gia mua lại các DN này, qua đó giữ lại những DN tốt nhất để phát triển kinh tế Việt Nam.

Gỡ rào cản, thêm "cú hích"

Cuối tháng 9 vừa qua, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản đã phát đi thông báo về việc hủy hợp tác nghiệp vụ, hợp tác liên kết vốn giữa CTCP Aeon và CTCP First Việt Nam (Nhất Nam – Fivimart) sau một thời gian dài liên kết. Lý do hủy bỏ việc liên kết hợp tác với Fivimart là do phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược giữa Aeon và Fivimart có sự khác nhau.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là một DN bán lẻ Việt Nam - CTCP dịch vụ thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, vừa công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart.

Thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020. Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ CTCP Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart.

Bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối các mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm…, các siêu thị mới này sẽ được tăng cường các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệu quả của thương vụ trên chắc chắn phải một thời gian nữa mới rõ. Tuy nhiên, điểm tích cực trước mắt sẽ làm tăng sức mạnh hệ thống phân phối của DN Việt để cạnh tranh với nước ngoài.

Cùng với đó, các DN sản xuất Việt sẽ có lợi thế khi đưa hàng vào siêu thị nội thay vì phải phụ thuộc, chưa kể bị chèn ép bởi hệ thống phân phối ngoại.

Thực tế này cũng đã trả lời câu hỏi, DN Việt Nam hoàn toàn có thể mua lại DN ngoại, cổ phần của DN ngoại nhưng với điều kiện phải có tiềm lực vững mạnh. Mà muốn như vậy, các DN cần phải có môi trường phát triển.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, cho rằng một quốc gia muốn cạnh tranh phải dựa vào những DN lớn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN Việt Nam không thể lớn mạnh do chính sách còn cản trở, liên tục thay đổi, làm DN khó đi đường dài, đầu tư hết lòng, hết sức vì sợ rủi ro.

Trong khi đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, nêu thực tế DN càng lớn càng bị thanh, kiểm tra. Chưa kể, hiện nay có rất nhiều thủ đoạn xâm hại quyền tài sản của DN. DN làm ăn chân chính nhưng bị đối thủ rêu rao tin bịa đặt, khiến DN chịu thiệt hại.

Ở tình huống này, Nhà nước cần phải có các biện pháp răn đe, trừng phạt đích đáng những người rêu rao tin đồn không có cơ sở ảnh hưởng tới DN