“Mở cửa bầu trời” đón cơ hội phục hồi

Theo Bảo Ngân/Báo Thời Nay

Sau hơn một năm buộc phải ngưng các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện để có thể từng bước “mở cửa bầu trời” trở lại. Đây không chỉ là cơ hội giúp ngành hàng không thoát cảnh khó khăn mà quan trọng hơn còn là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần phục hồi kinh tế.

Sẽ thí điểm đón khách quốc tế tại TP Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Nguyệt Anh.
Sẽ thí điểm đón khách quốc tế tại TP Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Nguyệt Anh.

Ngành hàng không đã sẵn sàng

Từ tháng 3/2020, thời điểm buộc phải tạm ngừng các đường bay thương mại quốc tế thường lệ, ngành hàng không đã đối mặt nhiều thách thức, khó khăn và từng bước nỗ lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong việc nối lại các đường bay quốc tế.

Đơn cử, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa được cấp chứng nhận Kiểm chuẩn y tế sân bay (Airport Health Accreditation - AHA) của Hội đồng sân bay quốc tế (ACI). Đây là sân bay thứ sáu thuộc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (trước đó có Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc) được ACI trao chứng nhận AHA. Việc cấp chứng nhận AHA là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và chính phủ các nước nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế giữa các sân bay đã được cấp chứng chỉ, tạo hành lang xanh di chuyển an toàn bằng đường hàng không.

Về phía các hãng hàng không, luôn trong tâm thế sẵn sàng, ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines cho rằng, việc mở lại bay quốc tế của Việt Nam cũng nên theo hình thức xem xét cụ thể từng thị trường, chưa nên mở cửa ồ ạt, nhưng cần thực hiện sớm, tránh đứt đoạn thị trường quá lâu sẽ đánh mất nhiều cơ hội cạnh tranh điểm đến.

Với khách nhập cảnh, ngoài quy định tiêm đủ hai mũi vaccine, xét nghiệm âm tính, nếu tại những vùng dịch cao có thể quy định cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn. Cách ly quá dài ngày thì khách sẽ không muốn bay đến Việt Nam.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, tại buổi trả lời phỏng vấn phóng viên báo Thời Nay mới đây, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã khẳng định rõ, ngành hàng không đã sẵn sàng. Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ các hãng hàng không trong việc xây dựng kế hoạch để sẵn sàng nối lại ngay các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ khi được phép.

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, việc mở lại các đường bay quốc tế thường lệ sẽ được thực hiện theo bốn bước. Trong đó, giai đoạn I sẽ bắt đầu ngay từ quý IV/2021, với việc khôi phục các chuyến bay trọn gói, với thị trường dự kiến triển khai là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái-lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.

Giai đoạn II từ tháng 1/2022, với nhiều quy định được nới lỏng hơn. Giai đoạn III dự kiến triển khai từ tháng 4/2022 với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”. Giai đoạn IV, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu từ tháng 7/2022. Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất khai thác không hạn chế, theo nhu cầu của các hãng hàng không. 

Triển khai thí điểm đón khách quốc tế

Bộ Ngoại giao cho biết, tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang trao đổi với gần 80 đối tác liên quan vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine của nhau. Hiện, giấy chứng nhận của Việt Nam cung cấp đã được một số quốc gia công nhận. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đã đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Theo đó, ngay trong tháng 11/2021, sẽ bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế qua các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng. Về đối tượng nhập cảnh, nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đúng đối tượng đã được cho phép, có Giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19.

Thực tế, nhu cầu giao thương từ nước ngoài với Việt Nam để khôi phục sản xuất, kinh doanh đang rất lớn. Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Vũ Tú Thành cho rằng, hành khách hàng không không chỉ là khách du lịch mà còn là nhiều thương nhân, chuyên gia, kỹ sư, người lao động trình độ cao mà thiếu họ, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài không thể tiếp tục triển khai. Muốn nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động kinh tế, không thể không nhanh chóng mở cửa lại lĩnh vực hàng không, trong đó có việc cho hoạt động trở lại các đường bay quốc tế đến những thành phố, vùng lãnh thổ nơi người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ. 

Phân tích về thời điểm nối lại các đường bay thương mại quốc tế, ông Vũ Tú Thành cho rằng, đây là thời điểm hoàn toàn khả thi bởi nhiều nước đã có độ phủ vaccine khá cao và kiểm soát dịch rất tốt. Đồng thời, các hãng hàng không có uy tín và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng đã áp dụng những quy trình di chuyển hàng không bảo đảm hành khách an toàn với COVID-19 mà không phải mất nhiều chi phí tốn kém hay gây nhiều bất tiện như trước kia.

Bản thân một số hãng hàng không của Việt Nam cũng đã thiết kế và áp dụng mô hình “di chuyển xanh” hàng không giúp kiểm soát rất tốt rủi ro lây nhiễm. Vì vậy, sẽ là rất lãng phí nguồn lực đầu tư vào triển khai các mô hình di chuyển xanh này khi chúng ta vẫn chưa cho phép mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ.