Mở rộng quyền hạn cho DATC, yêu cầu cấp thiết...

Quang Sơn

Trong bối cảnh nhu cầu xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp lớn như hiện nay, việc tham gia của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vào thị trường này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động mua bán xử lý nợ xấu của DATC hiện đang gặp phải không ít khó khăn do bất cập về cơ chế chính sách...

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, DATC rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các DN thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Nguồn: internet
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, DATC rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các DN thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Nguồn: internet

au 15 năm hoạt động, DATC hiện đang là một trong những đơn vị tiên phong trong mua bán nợ gắn với tái cơ cấu, qua đó giúp cho nhiều doanh nghiệp (DN) đứng bên bờ vực phá sản hồi sinh trở lại hoạt động và phát triển.

Thông qua hoạt động xử lý nợ và chuyển đổi sở hữu DN nhà nước (DNNN), DATC đã giúp các tập đoàn, tổng công ty, DNNN lành mạnh tài chính, tiết giảm chi phí, tạo cơ hội sắp xếp lại DN. Sau khi DATC tham gia tái cơ cấu thành công khoảng 200 DN thuộc các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn đã trở lại hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu xử lý nợ trên thị trường rất lớn, dường như DATC đang bị bó hẹp bởi “chiếc áo” chính sách, không thể phát huy hết lợi thế của mình. Trước sự thay đổi về phạm vi hoạt động, cùng với nhu cầu xử lý nợ xấu cấp bách và ngày càng nhiều đòi hỏi phải có những thay đổi theo hướng nâng cao năng lực pháp lý, mở rộng quyền hạn cho DATC để có thể tổ chức triển khai một cách có hiệu quả, hạn chế tối đa rủi ro.

Nâng cao năng lực pháp lý thông qua bổ sung chức năng, mở rộng nhiệm vụ và các hoạt động kinh doanh chính cho DATC nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh. Theo đó, ngoài các quy định hiện hành phù hợp, cần bổ sung một số quyền hạn, chức năng, cũng như nhiệm vụ và các hoạt động kinh doanh chính cho DATC, cụ thể:

Thứ nhất, DATC có quyền yêu cầu chủ nợ và các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến khoản nợ và tài sản khi thực hiện triển khai tiếp nhận nợ và mua nợ, tài sản theo phương án chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, DATC có quyền của chủ nợ đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ; quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm;

Thứ ba, DATC có quyền đề nghị sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu giữ, hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với tài sản bảo đảm để đạt được mục tiêu xử lý nhanh tài sản bảo đảm, thu hồi nợ; yêu cầu và tòa án phải áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ của DATC.

Thứ tư, DATC được thực hiện bán cả lô cổ phần kèm nợ phải thu và các hình thức khác.

Thứ năm, hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ vốn vay ngắn hạn, bảo lãnh đối với các DN được DATC tham gia tái cơ cấu có khó khăn tài chính để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh khi các doanh nghiệp này đáp ứng được các điều kiện về kiểm soát, có phương án khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.