Mua sắm online lên ngôi trong mùa dịch COVID-19

Theo An Hiền/plo.vn

Doanh thu từ mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20%-30%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày 13/3, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết do lo ngại dịch bệnh COVID-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50%-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng 20%-30%.

Tại TP. Hồ Chí Minh , ảnh hưởng từ dịch COVID-19 cũng khiến người dân thay đổi mua sắm hằng ngày sang mua sắm tập trung. Những ngày cuối tuần xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ mặt hàng thiết yếu, gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm.

TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng ba kịch bản cụ thể để đảm bảo cung ứng hàng hóa. Đồng thời lên phương án ứng vốn vay dự trữ hàng hóa để phục vụ người dân.

Dịch COVID-19 khiến sức mua tại trung tâm thương mại, siêu thị giảm so với ngày thường và trước tết. Ảnh: Kh.V
Dịch COVID-19 khiến sức mua tại trung tâm thương mại, siêu thị giảm so với ngày thường và trước tết. Ảnh: Kh.V

Tại Đà Nẵng, dịch cũng khiến sức mua tại trung tâm thương mại, siêu thị giảm so với ngày thường và trước tết.

Bộ Công Thương cho biết hiện số liệu tổng hợp từ các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng về nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 cho thấy có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cụ thể, sản lượng gạo đạt khoảng 26 triệu tấn, trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn, dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. Tổng sản xuất rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó thịt heo hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn; thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn.

Với lượng thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm.

Các mặt hàng khác như đường, giấy, thuốc chữa bệnh cũng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Hiện các doanh nghiệp đã tăng lượng hàng dự trữ lên 30%-40%, tăng gấp 4-5 lần so với ngày bình thường. Đồng thời đẩy mạnh kênh bán hàng online để phục vụ nhân dân khi phòng, chống dịch.

"Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh" - Bộ Công Thương khẳng định.