Nâng cao khả năng thích ứng công việc của sinh viên kế toán các trường cao đẳng ở Thái Nguyên


Bài viết phân tích thực trạng khả năng thích ứng công việc của sinh viên kế toán tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả nghiên cứu cho thấy những thuận lợi, khó khăn vướng mắc để thích ứng công việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng công việc của sinh viên chuyên ngành này, đề xuất hướng nghiên cứu mới về đánh giá chương trình đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực đào tạo cử nhân kế toán ở nước ta.

Khả năng thích ứng công việc của sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán

Thực trạng việc làm của cựu sinh viên ngành Kế toán

Qua tham khảo ý kiến chuyên gia, những ngành nghề có thể xét là đúng và gần đúng nghề kế toán là kế toán, kiểm toán, tài chính (bảo hiểm, ngân hàng..). Các lĩnh vực ngoài ba lĩnh vực trên có thể xem là không đúng ngành, nghề đào tạo.

Kết quả thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện vào tháng 9/2017 cho thấy, trên cả nước, chỉ có khoảng 40% sinh viên ra trường làm đúng với chuyên ngành được đào tạo. Năm 2018, kết quả điều tra 250 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do nhóm tác giả thực hiện cho thấy, tỷ lệ cựu sinh viên làm đúng ngành là 83,2%, chỉ có 16,8% phải làm những công việc khác. Như vậy, so với kết quả thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ cựu sinh viên kế toán tại các trường cao đẳng ở Thái Nguyên ra trường làm đúng với chuyên ngành được đào tạo với tỷ lệ khả quan.

Mức độ hài lòng của các cựu sinh viên đối với mức thu nhập hiện tại

Kết quả điều tra 250 cựu sinh viên kế toán tại các trường cao đẳng ở Thái Nguyên cho thấy, 19,6% hài lòng với thu nhập hiện tại; 65,6% cảm thấy tạm được và còn lại 14,8% cảm thấy chưa hài lòng. Như vậy, đa số cựu sinh viên đều cảm thấy chưa thỏa mãn về thu nhập khi giá cả sinh hoạt ngày càng tăng, thu nhập tăng với cấp độ không cao. Mặt khác, thu nhập cũng không tỷ lệ thuận với khối lượng công việc họ phải đảm trách. Phần đông ý kiến các cựu sinh viên cho rằng, không phải họ quá tự mãn với năng lực của mình mà chỉ muốn các nhà sử dụng lao động có cái nhìn xác thực hơn về độ tương xứng giữa thu nhập và khối lượng công việc mà họ giao cho người lao động đảm nhận.

Đánh giá của cựu sinh viên về mức độ ứng dụng kiến thức được học vào thực tế

Kết quả khảo sát cho thấy, các cựu sinh viên tốt nghiệp năm 2014, 2015 đánh giá rất cao về mức độ ứng dụng của các kiến thức được đào tạo tại trường vào thực tế công việc đang đảm nhận (Năm 2014: 90% rất hữu ích và hữu ích; Năm 2016: 86,6% rất hữu ích và hữu ích). Sở dĩ có đánh giá tích cực này là trong giai đoạn 2014-2015 lĩnh vực kế toán đang rất “sốt”, có rất nhiều doanh nghiệp ra đời, chính vì thế sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán có điều kiện làm đúng nghề cao. Thêm vào đó, mức độ đa dạng các ngành nghề cũng chưa nhiều như hiện nay, chế độ hạch toán, sổ sách cũng chưa có sự thay đổi nhiều so với những điều đã học nên mức đánh giá mức độ ứng dụng của sinh viên này cao hơn ban đầu cũng là điều dễ hiểu.

Nâng cao khả năng thích ứng công việc của sinh viên kế toán các trường cao đẳng ở Thái Nguyên - Ảnh 1

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, số lượng ngân hàng phát triển nhanh cũng tạo nhiều cơ hội việc làm cho các cựu sinh viên kế toán, nhưng các thao tác hạch toán của ngân hàng có những nét đặc trưng riêng, khác nhiều so với kế toán doanh nghiệp, cộng với những sửa đổi, bổ sung, xóa bỏ một số chế độ về kế toán, sổ sách sau này đã khiến các cựu sinh viên tốt nghiệp cảm thấy những kiến thức được học chưa ứng dụng nhiều trong thực tiễn.

Nâng cao khả năng thích ứng công việc của sinh viên kế toán

Với nội dung chương trình đào tạo: Khảo sát ý kiến 250 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán tại các trường cao đẳng ở Thái Nguyên và 50 cán bộ quản lý ở các cơ quan/doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh cho thấy, có tới 72% ý kiến của người lao động và 62% cán bộ quản lý hoàn toàn đồng ý với giải pháp “Cơ sở giáo dục cần xây dựng lại chương trình đào tạo cho gắn với thực tế”. Giải pháp này được đưa ra nhằm tránh trường hợp cái sinh viên cần thì không dạy, cái sinh viên không cần thì lại dạy. Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến hoàn toàn đồng ý khi được hỏi về giải pháp là “tăng thêm các giờ thực hành trong các môn học, giảm bớt giờ lý thuyết” nhằm giúp cho sinh viên ngành Kế toán sau khi tốt nghiệp ra trường có thể thành thạo các kỹ năng thực tế công việc.

Có 38/50 ý kiến, tương đương 76% số ý kiến của cán bộ quản lý và 209/250 ý kiến, tương đương 83,6% số ý kiến của cựu sinh viên  hoàn toàn đồng ý với giải pháp là “tăng thêm giờ thực hành trong các môn học, giảm bớt giờ lý thuyết” của chương trình đào tạo sinh viên ngành kế toán trong các trường cao đẳng. Điều này hợp lý với thực tế lĩnh vực kế toán là một lĩnh vực khó, lĩnh vực này đòi hỏi người lao động phải biết sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán, biết vận dụng các văn bản pháp luật kinh tế liên quan đến từng cơ quan/doanh nghiệp, vì vậy đòi hỏi sự thành thục về kỹ năng rất cao.

Nâng cao khả năng thích ứng công việc của sinh viên kế toán các trường cao đẳng ở Thái Nguyên - Ảnh 2

Về công tác phục vụ học tập của sinh viên: Giải pháp được đưa ra để tham khảo ý kiến của sinh viên về việc cải thiện công tác phục vụ học tập của sinh viên trước hết là “tăng cường nhiều sách, báo và tài liệu tham khảo, đặc biệt là giáo trình phục vụ công tác học tập”. Có 92% ý kiến trả lời hoàn toàn đồng ý với giải pháp này, hay nói cách khác hầu hết cử nhân đều cho rằng, phải tăng cường thêm nguồn tài liệu tham khảo cho sinh viên trong khoa Kế toán.

Giải pháp “thắt chặt quản lý công tác học tập của sinh viên và công tác thi cử”cũng nhận được sự đồng tình cao của các cựu sinh viên khoa Kế toán. Có thể nói, quan tâm đến ý thức của sinh viên trong quá trình học tập, giúp sinh viên đảm bảo các nội quy và quy định của khoa Kế toán và của nhà trường, một mặt, củng cố được thái độ của sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường; mặt khác, làm tăng hiệu quả học tập, tiếp thu kiến thức, kỹ năng của sinh viên.

Giải pháp được đưa ra để tham khảo ý kiến của sinh viên là “Bộ phận quản lý sinh viên cần phải hoạt động hiệu quả hơn nữa, đáp ứng và giải quyết các nhu cầu của sinh viên kịp thời và nhanh chóng”. Vấn đề này đã có được sự nhất trí của 94% số ý kiến được hỏi. Bộ phận quản lý sinh viên hay nói cách khác là bộ phận giáo vụ là cơ quan hỗ trợ tích cực nhất đối với sinh viên đang học. Thông qua bộ phận này, các ý kiến cũng như thắc mắc của sinh viên về các vấn đề như tổ chức lớp học, thi cử, phương pháp dạy học của các giảng viên đến được với ban chủ nhiệm khoa kế toán các trường.

Trong điều kiện sinh viên khó tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp hoặc khi đi thực tập sinh viên cũng khó tiếp cận được với các số liệu hồ sơ kế toán của doanh nghiệp thì giải pháp “Tăng cường kết hợp giữa nhà trường và các chuyên gia kế toán” là rất cần thiết. Có 220/250 (88%) cựu sinh viên khoa kế toán và 41/50 (82%) cán bộ quản lý được hỏi hoàn toàn đồng ý với giải pháp này. Sự kết hợp giữa nhà trường và các chuyên gia kế toán, chuyên gia tin học có nhiều kinh nghiệm thực tế để xây dựng nên phần mềm “Nhập vai nhân viên kế toán” là nhu cầu cần thiết của sinh viên ngành kế toán.

 Một thực tế đáng báo động hiện nay, là đại đa số các sinh viên khi ra trường hay đang đi thực tập đều thiếu các kỹ năng, vốn sống hay kinh nghiệm sống trong môi trường doanh nghiệp. Giải pháp cho vấn đề này được đưa ra là “Bổ sung cho sinh viên cuối khóa kiến thức chung về môi trường làm việc của một doanh nghiệp”. Khi được hỏi ý kiến về giải pháp này, có đến 87,2% cựu sinh viên và 76% cán bộ quản lý hoàn toàn đồng ý.

Ngoài việc tham khảo ý kiến phản hồi của sinh viên đã tốt nghiệp, việc lấy ý kiến phản hồi của cơ quan tuyển dụng lao động sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều chỉnh nội dung, quy trình chương trình giáo dục tại khoa kế toán các trường. Chính vì vậy, hầu hết các cán bộ quản lý (89,8% ý kiến đồng ý) và cựu sinh viên (91% ý kiến đồng ý) khi được hỏi đều đồng tình với giải pháp là “tăng cường thực hiện công tác lấy ý kiến của sinh viên tốt nghiệp và cơ quan tuyển dụng lao động”. Công việc này có thể được thực hiện thông qua rất nhiều hình thức, đặc biệt là tổ chức các cuộc điều tra thực trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Nâng cao khả năng thích ứng công việc của sinh viên kế toán các trường cao đẳng ở Thái Nguyên - Ảnh 3

Kết quả khảo sát nghiên cứu cho thấy, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều làm đúng với chuyên ngành được đào tạo. Trong quá trình làm việc, khả năng hòa nhập công việc của các cựu sinh viên chuyên ngành Kế toán là tương đối tốt và họ cảm thấy công việc hiện tại vừa sức và phù hợp với năng lực hiện có. Nhìn chung, trong quá trình làm việc sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán thích ứng ở mức độ trung bình với các yêu cầu của công việc.

Bài viết này góp một hướng nghiên cứu mới cho các vấn đề về đánh giá chương trình đào tạo và đánh giá nhu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực đào tạo cử nhân kế toán ở nước ta nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, đó là đánh giá các kiến thức và kỹ năng, thái độ một cách cụ thể và giúp cho khoa kế toán các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cải tiến chương trình và quy trình đào tạo được tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Tổng cục Thống kê;
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Kỷ yếu hội thảo "Đào tạo theo nhu cầu xã hội";
  3. Đại học Bách khoa Hà Nội (2017), Kỷ yếu hội thảo “Nhà trường và doanh nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội”;
  4. Nguyễn Hữu Châu (2017), “Chất lượng giáo dục - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, NXB Giáo dục Hà Nội.