Nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất công nghiệp

Nga Phạm

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng trong GDP đạt trên 40%, tỷ trọng chế biến, chế tạo trong GDP tăng khoảng 30%…, một trong những giải pháp quan trọng cho ngành công nghiệp là đẩy mạnh tăng cường nâng cao năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nâng cao năng suất - Giải pháp cốt lõi

Theo đánh giá, hiện ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm. Cụ thể, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn, như: dệt may, da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và cơ bản chỉ đóng vai trò là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam bởi về dài hạn, các doanh nghiệp FDI sẽ rất dễ dàng rời sang quốc gia khác nếu các điều kiện cho sản xuất và tiếp cận thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn.

Để giải quyết bài toán tăng giá trị sản xuất, qua đó nâng cao tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp vấn đề cốt lõi chính là phải đẩy mạnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng trong bối cảnh phát triển và các yêu cầu mới của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới nhiều mục tiêu mới. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp phấn đấu đạt mức 7,5%, trong đó tốc độ tăng năng suất của các ngành công nghiệp ưu tiên cao hơn 12%...

Cùng với đó, phấn đấu 100 mô hình điểm về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên; 1.000 mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tiên tiến. Chương trình cũng hướng tới mục tiêu hình thành các trung tâm đổi mới, phát triển sản phẩm công nghiệp; đầu tư nâng cấp 20 phòng thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm và đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm; hình thành các công cụ số hóa hỗ trợ tư vấn và triển khai hoạt động cải tiến năng suất và quản lý chất lượng tại doanh nghiệp.

Tiền đề từ những kết quả thiết thực

Có thể thấy, mục tiêu này được đặt ra trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn trước đó, 2012 - 2020. Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp 2012-2020, có tới 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ của dự án nâng cao năng suất chất lượng đem lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp, lên tới 98%.

Dự án cũng đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Ngoài ra, có tới 95% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì cải tiến sau khi kết thúc dự án, trong đó 23,4% mô hình được mở rộng và tiếp tục duy trì. Tỷ lệ doanh nghiệp duy trì mô hình công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tương đương, khoảng 45%.

Trong thực tế đã có nhiều doanh nghiệp công nghiệp đạt được những kết quả tích cực nhờ nâng cao năng suất, chất lượng. Năm 2021 Công ty Than Nam Mẫu được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao sản xuất 2,1 triệu tấn than nguyên khai. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để tăng năng suất đã được áp dụng. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được triển khai quyết liệt theo ngày, tuần, tháng, đồng thời cơ cấu lại các công tác tổ chức nhân lực và diện sản xuất để phù hợp tình hình vừa sản xuất vừa chống dịch COVID-19.

Với nhiều giải pháp điều hành sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng thiết bị cơ giới trong khai thác và đào, chống lò, Công ty đã tăng được năng suất lao động, tăng sản lượng, kiểm soát được chất lượng, đáp ứng tiêu thụ và đảm bảo doanh thu theo kế hoạch. Công tác kế hoạch kỹ thuật và điều hành sản xuất đã được lập phù hợp với điều kiện mỏ theo hướng tiết kiệm tài nguyên, tăng công suất các lò chợ, tăng tốc độ đào lò, giảm dây chuyền phụ trợ.

Bên cạnh đó, Công ty đã tổ chức các diện sản xuất theo hướng ưu tiên những mũi đào lò đường găng, tập trung khai thác lò chợ dài và lò chợ ngang-nghiêng, tăng cường củng cố lò để giảm tối đa các gương xén. Kết quả đạt được là công tác đào lò chuẩn bị chuyển diện cho các phân xưởng khai thác đảm bảo tiến độ, duy trì được công suất và khối lượng theo kế hoạch.