Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí


Bài viết hệ thống lại các khái niệm liên quan tới các nội dung nghiên cứu như: Năng lực cung ứng; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Chuỗi cung ứng, sản phẩm cơ khí; Từ đó xác định khái niệm và nội hàm về năng lực cung ứng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí cũng như đề xuất mô hình nghiên cứu về năng lực cung ứng của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhằm gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo.

Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Nguồn: Internet
Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Nguồn: Internet

Trong tổng số trên 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên cả nước, DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,3%. Tỷ lệ này gần như không tăng so với số lượng năm 2016 là 1.383 DN (Phan Đăng Tuất, 2016). Phần nhiều trong số này là các DN nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu, tham gia chuỗi cung ứng ở mức rất thấp; giá trị gia tăng không nhiều do chủ yếu là gia công, lắp ráp. Ngay cả với những đơn hàng có sẵn, năng lực cung ứng của DN cũng khó đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đúng tiến độ và giá thành hợp lý.

Theo Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội, đến năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa của ngành Chế tạo ô tô chỉ đạt từ 5 - 20%; ngành Điện tử 5 - 10%; ngành Da giày khoảng 30%... Các DN CNHT Việt Nam không chỉ ít về số lượng mà còn yếu cả về chất lượng. Điển hình trong năm 2017, Samsung đã công bố nhu cầu 170 sản phẩm, Toyota công bố cần hàng trăm linh kiện, nhưng các DN của Việt Nam đều không đáp ứng được yêu cầu của các DN này. Hay như Canon Việt Nam trong 5 năm qua vẫn chưa đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 70% do không tìm được nhà cung ứng nội địa có năng lực phù hợp.

Ở Việt Nam, sản xuất cơ khí là một trong những thế mạnh, sản phẩm cơ khí của các DN được cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp như: Ô tô, xe máy, điện tử… Bài viết tập trung nghiên cứu những DN CNHT sản xuất ra những sản phẩm cơ khí để cung ứng vào các chuỗi. Mô hình được xây dựng và ứng dụng cho phân tích về năng lực cung ứng của DN CNHT trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí.

Tổng quan lý thuyết 

Năng lực cung ứng

Năng lực của một tổ chức được hiểu là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó (Từ điển Tiếng Việt, 1996) hoặc là mức độ sử dụng khả năng và nguồn lực sẵn có của tổ chức đó để thực thi các hoạt động chủ yếu (Mai Thanh Lan, 2012). Năng lực là những thuộc tính, khả năng, quy trình tổ chức, kiến thức và kỹ năng cho phép một công ty đạt được hiệu suất cao và duy trì lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cạnh tranh (Morash et al., 1995 & 1996).

Trong khi đó, theo Từ điển Tiếng Việt (1996), cung ứng là “cung cấp những thứ cần thiết để đáp ứng nhu cầu, thường là của hành khách hoặc của sản xuất”. Trong hoạt động kinh doanh, cung ứng là một trong các hoạt động cơ bản, nhằm tạo yếu tố đầu vào đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của DN và thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng (Mai Thanh Lan, 2012). Quan điểm định hướng nhu cầu (Morash et al., 1996 và Lynch et al., 2000) cho rằng, DN cần đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm đặc biệt hoặc các dịch vụ tùy biến, được thiết kế để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng và tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng, đồng thời liên tục cải tiến.

Dựa trên các quan điểm trên, tác giả xác định khái niệm “Năng lực cung ứng của DN là mức độ sử dụng các nguồn lực để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương, 2017) thì “DN CNHT là các DN cung cấp các linh kiện (linh kiện kim loại, linh kiện điện - điện tử, linh kiện nhựa - cao su), thiết bị, nguyên vật liệu cho các ngành Công nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT”.

Tại Mục 1 điều 2, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg đã chuẩn hóa lại khái niệm về CNHT như sau: “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”. 

Chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí

Christopher (1992) cho rằng, “Chuỗi cung ứng là một mạng lưới các tổ chức có mối quan hệ với nhau thông qua các liên kết trên và liên kết dưới bao gồm các quá trình và hoạt động khác nhau để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng”. Theo Porter (1985), mỗi DN là một tập hợp các hoạt động để thiết kế, sản xuất, bán hàng, phân phối và hỗ trợ sản phẩm của họ. Tất cả những hoạt động này có thể được thể hiện trong một chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị thể hiện tổng giá trị, bao gồm các hoạt động giá trị và lợi nhuận. Các hoạt động giá trị chia thành 2 loại chính: Hoạt động sơ cấp (5 nhóm hoạt động: các hoạt động đầu vào, các hoạt động sản xuất, các hoạt động đầu ra, các hoạt động marketing và bán hàng, các hoạt động dịch vụ) và hoạt động hỗ trợ (4 nhóm: cơ sở hạ tầng của DN, quản trị nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, thu mua).

Sản phẩm cơ khí có thể hiểu là “những chi tiết kim loại thuần túy; hoặc một cụm máy được lắp ghép từ những chi tiết kim loại và phi kim loại; hay một máy hoàn chỉnh để đáp ứng nhu cầu sử dụng nào đó”. Sản phẩm cơ khí cuối cùng được sản xuất thông qua một chuỗi các quá trình tích hợp nhiều công đoạn, trong đó các DN CNHT có thể nằm ở các giai đoạn 2-3-4-5 (máy móc - công cụ - phụ tùng sản xuất - thầu phụ lắp ráp). Những DN CNHT này có thể cung ứng sản phẩm cơ khí của mình cho các ngành công nghiệp khác nhau như: Công nghiệp xe máy, công nghiệp ô tô, công nghiệp đóng tàu, tự động hóa, điện điện tử và PC/Điện (Ohno, 2005). Như vậy, “Chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí là một mạng lưới các tổ chức có mối quan hệ với nhau thông qua các liên kết xuôi và liên kết ngược bao gồm các quá trình và hoạt động khác nhau để tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm cơ khí đến tay người tiêu dùng cuối cùng”.

Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Từ những phân tích trên cho thấy: “Năng lực cung ứng của DN CNHT Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí là mức độ sử dụng các nguồn lực để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng trong mạng lưới”. Năng lực cung ứng của DN CNHT Việt Nam sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cơ khí cần phải là một chuỗi các năng lực cho các hoạt động từ đầu vào, tới sản xuất, đến đầu ra, marketing bán hàng và dịch vụ sau bán hàng. Các năng lực này không rời rạc mà liên kết với nhau bởi những quy trình nhằm đảm bảo sự liên tục của chuỗi hoạt động, tạo ra chuỗi giá trị cung cấp vào chuỗi cung ứng. Do vậy, từ các nghiên cứu về khái niệm, tác giả đề xuất mô hình năng lực cung ứng của DN CNHT trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí như Hình 1.

Đề xuất mô hình nghiên cứu

Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí - Ảnh 1

Năng lực cung ứng của DN CNHT Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí như khái niệm là mức độ sử dụng các nguồn lực để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu khách hàng. Quá trình cung ứng sẽ chịu sự tác động bởi những yếu tố bên trong và bên ngoài của DN. Do vậy, mô hình nghiên cứu được tác giả đề xuất như sau:

- Về năng lực cung ứng của mô hình nghiên cứu: Theo như khái niệm và nội hàm đã xác định, các năng lực thành phần tạo nên năng lực cung ứng bao gồm: Năng lực các hoạt động đầu vào; Năng lực các hoạt động sản xuất; Năng lực các hoạt động đầu ra; Năng lực các hoạt động marketing và bán hàng; Năng lực các hoạt động dịch vụ. Dựa trên những nghiên cứu của Porter (1985) và các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này xác định thang đo về năng lực cung ứng gồm các nhân tố (các năng lực thành phần) và các biến quan sát (đo lường các năng lực thành phần) như Bảng 1.

Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí - Ảnh 2

- Về nguồn lực của DN: Chuỗi giá trị theo nghiên cứu của Porter (1985) bao gồm 4 nhóm các hoạt động hỗ trợ: Cơ sở hạ tầng của DN; Quản trị nguồn nhân lực; Phát triển sản phẩm và công nghệ; Thu mua. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ bổ sung cho các hoạt động sơ cấp (hoạt động tạo thành năng lực cung ứng như trong nghiên cứu này) và tự chúng cũng hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc cung ứng mua hàng đầu vào, công nghệ, nguồn nhân lực và các chức năng khác trong toàn DN.

Trong các hoạt động hỗ trợ đó, cơ sở hạ tầng của DN là hoạt động hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi giá trị chứ không liên kết với bất kỳ hoạt động sơ cấp riêng biệt nào. Còn các hoạt động hỗ trợ khác có thể kết hợp với các hoạt động sơ cấp riêng biệt cũng như hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi. Cách phân chia này của Porter thiên về chuỗi các hoạt động hơn là phân chia thành từng nguồn lực của DN. Grant (2002) phân chia nguồn lực của DN được chia thành 3 nhóm: Nguồn lực hữu hình (tài chính, hạ tầng trang thiết bị, công nghệ sản xuất, công nghệ thông tin); Nguồn lực vô hình (bí quyết công nghệ, danh tiếng thương hiệu, văn hóa DN); Nguồn nhân lực (đặc điểm và tính định hướng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng và kinh nghiệm của nguồn nhân lực; tính hợp tác của đội ngũ). Theo Thompson và cộng sự (2015), nguồn lực của DN được chia thành 2 nhóm là nguồn lực hữu hình (vật chất, tài chính, công nghệ, tổ chức) và nguồn lực vô hình (con người, tri thức, quan hệ, văn hóa DN, thương hiệu). Cách phân chia này phù hợp cho nghiên cứu của tác giả khi xác định các yếu tố nguồn lực của DN.

Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí - Ảnh 3

- Về các tiêu chí đo lường kết quả cung ứng: Có nhiều tiêu chí được đưa ra trong các nghiên cứu như: P (product) – sản phẩm; Q (quality) – chất lượng; C (cost) – chi phí; D (delivery) – giao hàng; F (flexibility) – linh hoạt; Pro (professionalism) – chuyên nghiệp hóa; I (inventory) – hàng tồn kho; CS (customer service) – dịch vụ khách hàng. Cox (2003) đưa ra 2 tiêu chí Q-C. Bổ sung thêm tiêu chí D và nghiên cứu chuyên sâu về những sản phẩm CNHT là các tác giả Edward (2001); Ohno (2007), James (2011), Thanh (2014). Veera và cộng sự (2011) quan tâm tới P-Q-C thay vì D hay các tiêu chí khác. Anh (2015) trong một nghiên cứu chuyên sâu thì lựa chọn 2 tiêu chí là Pro và F. Mummalaneni và cộng sự (1996) thì lựa chọn Q-C-D-Pro; trong khi Asli (2007) có thêm cả F. Ananth và cộng sự (2009) bỏ qua D để chọn Q-C-I-Pro-F. Camarotto và cộng sự (2007) có nhiều tiêu chí đánh giá nhất gồm Q-C-D-F-I-Pro và CS.

Trong nghiên cứu của tác giả, khách thể nghiên cứu là DN CNHT - những đơn vị thường sản xuất và cung ứng các sản phẩm theo đơn hàng của các nhà lắp ráp. Do vậy, những tiêu chí phù hợp để đánh giá kết quả hoạt động cung ứng theo các tác giả trước đây là Q-C-D. Việc đánh giá kết quả cung ứng sẽ do DN tự đánh giá dựa trên việc so sánh với yêu cầu của khách hàng, do vậy yếu tố Q-D vẫn là yếu tố về Chất lượng và Giao hàng; còn riêng yếu tố C sẽ được hiểu là yếu tố về Giá cả sản phẩm. Đây là kết quả từ việc tham vấn ý kiến chuyên gia (Năng lực cung ứng) và khảo sát thử (được tiến hành đối với 5 DN mà tác giả tới phỏng vấn lấy ý kiến về các nội dung trong mô hình nghiên cứu). Các nhân tố và biến quan sát của các tiêu chí đo lường kết quả cung ứng được trình bày ở Bảng 2.

Năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí - Ảnh 4

Hoạt động và năng lực của DN không thể hoàn toàn giống nhau bởi mỗi DN đều có những đặc điểm riêng và chịu sự tác động khác nhau từ các yếu tố môi trường. DN thường khác nhau về cơ cấu sở hữu (Zhigang, 2014), quy mô lao động (Sinan, 2007; Zhigang và cộng sự, 2014; Takehiko và cộng sự, 2008; Tommaso và cộng sự, 2017), số năm thành lập (Zhigang và cộng sự, 2014; Takehiko và cộng sự, 2008; Tommaso và cộng sự, 2017) và chiến lược phát triển (Michael và cộng sự, 2007; Ravinder và cộng sự, 2015). Bên cạnh đó, những yếu tố bên ngoài cũng có nhiều ảnh hưởng như biến động công nghệ (Takehiko và cộng sự, 2008; Lan, 2012), cường độ cạnh tranh trong ngành (Zhigang, 2014; Guangping và cộng sự, 2015; Lan, 2012; Hui và cộng sự, 2016) và các môi trường vĩ mô (Abraham, 2004 và Lan, 2012). Việc tổng hợp các yếu tố này được tác giả trình bày trong Bảng 3.

Tóm lại, theo quan điểm của các chuyên gia và tác giả, các DN trong cùng ngành CNHT sản xuất các sản phẩm cung ứng về cơ bản sẽ chịu sự tác động của những yếu tố bên ngoài môi trường là tương đồng nhau. Vì vậy, đối với việc nghiên cứu về năng lực cung ứng của DN CNHT Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí, nên tập trung nghiên cứu vào những yếu tố đặc điểm của DN như: Cơ cấu sở hữu của DN (DN 100% vốn Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI); Quy mô DN (theo số lượng lao động); Tuổi đời của DN (theo số năm thành lập).

Tài liệu tham khảo:

  1. Mai Thanh Lan (2012), Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ tư vấn quản lý của các DN tư vấn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Đại học Thương mại;
  2. Phan Đăng Tuất (2016), “Diễn đàn phát triển ngành CNHT: Cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp” do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/3/2016;
  3. Nguyễn Văn Thụ (2017) - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam - VAMI, Bài phỏng vấn “Để ngành cơ khí đủ sức tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu”, Tạp chí “DN cơ khí & Đời sống”;
  4. Võ Văn Thanh và Phạm Quốc Trung (2014), “Tổng quan hệ thống đánh giá CCU”, Science & Technology Development, Vol 17, No. Q3 -2014;
  5. Christopher, M.G. (1992), “Logistics and Supply Chain Management”, Pitman Publishing, London, UK;
  6. Edward A. Morash (2001), “Supply Chain Strategies, Capabilities, and Performance”, Transportation Journal, Vol. 41, No. 1 (FALL 2001), pp. 37-54. Published by: Penn State University Press. Stable URL: http://www.jstor.org/stable/20713481;
  7. Grant, R. M. (2002), Contemporary Strategy Analysis, 4th ed. Oxford: Blackwell Publishers Inc;
  8. Ohno, K. (Ed.). (2007), Building supporting in Vietnam (Vol. 1). Tokyo: Vietnam development forum;
  9. Porter, M. E. (1985), Competitive advantage – Tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh. New York: Free Press, Nguyễn Hoàng Phúc Dịch, NXB. Trẻ - DT Book;
  10. Zhigang Shou, Jun Chen, Wenting Zhu, Lihua Yang (2014), Firm capability and performance in China: The moderating role of guanxi and institutional forces in domestic and foreign contexts, Journal of Business Research 67 (2014), p. 77–82.