Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo trong vòng vài năm tới, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ sử dụng Internet, cùng với đó là nhu cầu sử dụng các dịch vụ như internet banking, mobile banking có thể tăng 20-30% mỗi năm...

 Các chuyên gia tài chính nhận định, năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng so với mức 32% của năm 2013. Nguồn: internet
Các chuyên gia tài chính nhận định, năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng so với mức 32% của năm 2013. Nguồn: internet

Điều này buộc các ngân hàng phải tính tới bài toán kiện toàn hệ thống công nghệ lõi, gia tăng giá trị dịch vụ, tính bảo mật và kiểm soát rủi ro.

Công nghệ giúp ngân hàng tăng doanh thu

Số hóa trong ngành ngân hàng là xu hướng tất yếu để các ngân hàng tồn tại và phát triển trong thời đại mới trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lớn mạnh của Fintech.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng để ngân hàng số phát triển với nhiều yếu tố thuận lợi như nền kinh tế đang phát triển, dân số trẻ so với khu vực, có tốc độ tăng trưởng internet cao, thanh toán không dùng tiền mặt và tiềm năng phát triển ngân hàng bán lẻ rất lớn.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng dự báo nhu cầu của khách hàng trong tương lai khi giao dịch với ngân hàng cần giao dịch một cửa, cung cấp dịch vụ nhanh, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, chú ý đến yêu cầu riêng của mỗi khách hàng.

Theo McKinsey, trên thế giới, các ngân hàng sẽ có từ 3-5 năm để phát triển ngân hàng số nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi dịch vụ bán lẻ. Vì vậy, hàng loạt nhà băng đều đang chú trọng ngân hàng số và muốn tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển và để chiếm lĩnh thị trường. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng giúp giảm thiểu chi phí cho ngân hàng.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia tài chính nhận định, năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng so với mức 32% của năm 2013.

Lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần chia sẻ rằng, với cơ chế như hiện nay không phải ngân hàng nào cũng được mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch một cách ồ ạt chưa kể là bài toán cân đối giữa chi phí đầu tư và hiệu quả của từng điểm giao dịch đó như thế nào, cho nên phát triển ngân hàng điện tử là cách làm hiệu quả và tối ưu nhất.

Cuộc chạy đua giữa các ngân hàng

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, hiện tại dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam còn khá đơn điệu, chủ yếu là các dịch vụ cơ bản như chuyển tiền, thẻ thanh toán… Để phát triển ngân hàng số thì ngân hàng phải đầu tư vào phân tích kinh doanh, dùng công nghệ số làm gia tăng giá trị lâu dài cho khách hàng cũng như tận dụng công nghệ số phát triển kinh doanh, sản phẩm mới.

Các chuyên gia cũng chỉ ra thách thức chủ yếu khi phát triển ngân hàng số là thay đổi văn hóa kinh doanh, kinh phí đầu tư và nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và quốc gia.

Theo đó, các chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố giúp chuyển đổi ngân hàng số thành công. Đó là tập trung vào khách hàng, đổi mới cởi mở và linh hoạt về tổ chức. Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam cần thành lập tổ chức bộ máy và cách thức quản lý chiến lược ngân hàng số, từ đó phát triển nguồn nhân lực phù hợp (kỹ năng, nhận thức và văn hóa kinh doanh). Cùng với đó, cần quản lý truyền thông, thông tin trên mạng xã hội; nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin, có kế hoạch quản lý rủi ro an ninh mạng, phân loại khách hàng để dễ quản lý.

Bên cạnh đó, các hệ thống ngân hàng nên xúc tiến hợp tác với các nhà bán lẻ để mở rộng năng lực phục vụ nhu cầu tìm kiếm và ứng dụng số hóa của khách hàng, đảm bảo chất lượng mạng lưới, tính tiện lợi và an toàn.

Với định hướng là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, SHB luôn xác định đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của ngân hàng. Trong 4 năm gần đây, SHB đã đầu tư trên hàng triệu USD cho CNTT. Hệ thống CNTT của SHB luôn được vận hành an toàn, ổn định. SHB đã triển theo các mô hình kiến trúc hiện đại nhằm đảm bảo nâng cao tính sẵn sàng của hệ thống, đảm bảo hoạt động ngay cả trong các trường hợp thảm họa xảy ra.

Trung tâm dữ liệu của SHB đạt tiêu chuẩn Tier 3 – là tiêu chuẩn cao trên thế giới. Các hệ thống luôn được nâng cấp đáp ứng quy mô phát triển vượt bậc của SHB. Ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam, hệ thống CNTT của SHB cũng phục vụ đắc lực cho hoạt động tại các nước trong khu vực nơi có sự hiện diện của SHB như Lào, Campuchia.

Những năm gần đây, SHB đã triển khai hoàn thành nhiều hệ thống trọng điểm nền tảng cho hoạt động CNTT của ngân hàng như triển khai hệ thống tích cực ESB là xu hướng tiên tiến trên thế giới phù hợp kiến trúc hiện đại hướng dịch vụ SOA, số hóa tài liệu và quy trình phê duyệt áp dụng trong các hoạt động tín dụng, thẻ, kết nối với hệ thống một cửa quốc gia về thu ngân sách nhà nước và thông quan của Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan, Phòng chống rửa tiền, áp dụng các tiêu chuẩn phát hành chấp nhận thanh toán thẻ theo tiêu chuẩn quốc tế Chip EMV, tiêu chuẩn 3D Secure cho bảo mật trong thanh toán thẻ qua mạng Internet, kết nối hệ thống thẻ với các tổ chức thẻ quốc tế hàng đầu như Visa và Master Card, nâng cấp hệ thống ngân hàng điện tử nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng,...

Năm 2018, SHB dự kiến triển khai 1 loạt giải pháp mới trên nền tảng công nghệ hiện đại theo xu hướng 4.0 như dự án  hệ thống kho dữ liệu tập trung, báo cáo quản trị thông minh, phân tích dữ liệu sử dụng áp dụng công nghệ Bigdata và Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng khả năng phân tích dữ liệu đa chiều phục vụ phát triển kinh doanh…

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động kinh doanh, SHB cũng luôn chú trọng tới an ninh thông tin, kiện toàn bảo mật hệ thống CNTT nội bộ, liên tục cập nhật xu hướng an ninh thông tin trên thế giới và ứng dụng một cách linh hoạt, kịp thời. Nhiều năm liên tiếp, SHB được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG ghi nhận là “Ngân hàng An ninh thông tin tiêu biểu”, đánh giá cao việc tuân thủ nguyên tắc và chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin an toàn trong hoạt động kinh doanh.