Ngành bán lẻ: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Theo Hải Bình/baodauthau.vn

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chưa từng giảm sức hút với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thay cho tình trạng lép vế của những năm trước, sự hiện diện của doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội ngày càng rộng khắp.

Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội vươn lên trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ. Ảnh: Bùi Đức Thâu
Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội vươn lên trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ. Ảnh: Bùi Đức Thâu

Song, cuộc đua trước mắt vẫn khó dự đoán, bởi phụ thuộc vào khả năng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và độ nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ. 

Cạnh tranh gay gắt về thị phần

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã có bước tiến lớn với tăng trưởng tổng mức bán lẻ đạt 10,5 - 10,9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2017 và đạt 11,7% trong năm 2018.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương thông tin, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Tùy theo đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các DN bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng hoặc cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Sài Gòn Co.op hay Vingroup.

Sau gần 4 năm hoạt động, Vingroup hiện sở hữu hệ thống 74 siêu thị Vinmart và hơn 1.000 siêu thị mini Vinmart+ và đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới Vinmart+ tăng gấp 4 lần quy mô hiện tại vào năm 2020.

Sau hơn 29 năm phát triển, Saigon Co.op hiện nay sở hữu đa dạng các mô hình bán lẻ hiện đại gồm: 98 siêu thị Co.opmart, 3 đại siêu thị Co.opXtra, 258 cửa hàng tiện lợi Co.op Food, 6 cửa hàng tiện lợi 24h.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng có sự góp mặt của nhiều DN ngoại, đơn cử là Central Group từ Thái Lan với việc mua lại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Central Group còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports. Một số tên tuổi khác có thể kể đến là Aeon Mall, Lotte Mart, gần đây nhất là Auchan.

Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đang là mối lo ngại và gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội. “Các DN lớn của nước ngoài thời gian qua đã liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới”, bà Nga dự báo. 

Cơ hội tăng tốc

Với việc tham gia các FTA thế hệ mới, DN bán lẻ của Việt Nam có nhiều cơ hội vươn lên trong cuộc đua này bởi đây là cơ hội gia nhập các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Từ đó, DN bán lẻ Việt Nam có thể vừa đẩy mạnh nguồn hàng cung ứng lại vừa dễ dàng hơn trong việc gia nhập vào thị trường các quốc gia khác.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, DN bán lẻ Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nhà bán lẻ nước ngoài. Đó là, tiềm lực về mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt…

Do đó, việc DN bán lẻ Việt Nam cần làm là phát huy lợi thế kết hợp với thúc đẩy sản xuất trong nước (bằng cách phát triển quỹ hàng hóa) để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Từng DN bán lẻ cũng cần tự đổi mới mình với những định hướng: tăng cường áp dụng công nghệ vào kinh doanh và quản lý, đẩy mạnh tốc độ kết nối giữa DN và người tiêu dùng; đặc biệt DN phải làm ăn trung thực, có trách nhiệm và có văn hóa.

Tuy nhiên, cuộc đua của DN bán lẻ nội với đối thủ ngoại tại thị trường trong nước vẫn khó xác định phần thắng. “DN nội địa hiện vẫn thiếu chiến lược tổng thể và toàn diện, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, tính chuyên nghiệp không cao”, bà Lê Việt Nga nói.

Cùng góc nhìn này, bà Vũ Thị Hồng Phượng thuộc Đại học Thương mại cho rằng, DN Việt phải nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo và đánh giá chính xác mức độ bão hòa của từng thị trường. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0, DN cần nhận thức rõ về vai trò của công nghệ, áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ.

Với xu hướng phát triển thương mại điện tử, mua sắm online, trực tuyến đang ngày càng chiếm ưu thế, DN bán lẻ cũng cần cân nhắc việc thay thế hoặc tăng cường ứng dụng xu hướng này trong mô hình kinh doanh của mình. Đây cũng là một thách thức mới với các DN bán lẻ nội.