Ngành Công nghiệp tiếp đà phục hồi, tăng trưởng

Theo Linh Giang/ Báo Ninh Thuận

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ước đạt 9.039,7 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 327,25 tỷ đồng, giảm 12,7%; ngành công nghiệp chế biến ước đạt 4.419,8 tỷ đồng, tăng 19,2%; ngành công nghiệp phân phối và sản xuất điện ước đạt 4.143 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: V.T
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: V.T

Nhờ đó, kết thúc 9 tháng năm 2022, nhiều lĩnh vực do Sở Công Thương quản lý đã đạt kết quả tích cực, trong đó ngành Công nghiệp  từng bước phục hồi và tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh Ninh Thuận.

Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong 21 sản phẩm công nghiệp chủ lực của ngành, có 11 sản phẩm tăng trưởng khá, đáng chú ý là một số sản phẩm đóng góp cao trong cơ cấu công nghiệp chế biến như: Bia đóng lon tăng 17,3%, tôm đông lạnh tăng 39,7%; nha đam tăng gần 37%; nước yến tăng hơn 3 lần, quần áo may sẵn tăng 38,6%; nhân điều tăng 8,5%... Kết quả trên đóng góp đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ước đạt 9.039,7 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 327,25 tỷ đồng, giảm 12,7%; ngành công nghiệp chế biến ước đạt 4.419,8 tỷ đồng, tăng 19,2%; ngành công nghiệp phân phối và sản xuất điện ước đạt 4.143 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp là lĩnh vực chế biến, với giá trị sản xuất tăng gần 18%. Đứng thứ hai là sản xuất và phân phối điện tăng 6% (so từ năm 2019 đến nay tốc độ tăng này thấp nhất do yếu tố khách quan về giá điện chậm ban hành, sự điều tiết giảm nguồn phát nên một số dự án điện chưa ghi nhận sản lượng làm tăng trưởng sản phẩm chủ lực này chậm lại). Tiếp đến là cung cấp nước, quản lý và xử lý rác... tăng 5,3% so cùng kỳ.

Riêng công nghiệp khai thác giảm 12,94% do khai thác muối giảm 26,59% vì thời tiết diễn biến thất thường, mưa trải đều các tháng trong năm; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét giảm 26,69% vì các DN đã khai thác dự trữ cuối năm 2021 nhưng đến nay tiêu thụ không được do các đơn vị thi công đường cao tốc tự xin mỏ khai thác tự dùng. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,06% so cùng kỳ (trong đó quý I tăng 5,25%, quý II tăng 6,18%, quý III tăng 12,3%).

Về tình hình triển khai các dự án, đến nay 2 dự án hạ tầng truyền tải điện giải tỏa công suất, gồm: Đường dây 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân dài khoảng 172 km, riêng đoạn đi qua Ninh Thuận dài 68,78 km có 132 vị trí móng trụ đã hoàn tất việc bàn giao mặt bằng, hành lang tuyến bàn giao 122/132 khoảng cột. Đường dây ĐZ 500 kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào ĐZ 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân dài khoảng 1,24 km có điểm đầu là điểm D (G36A) điểm cuối là SPP 500 kV TBA 500 kV Thuận Nam đã đào và đúc xong 3/3 trụ, chưa dựng cột và kéo dây. Hai dự án đường dây 220 kV, gồm: Đường dây 220 kV Nha Trang -Tháp Chàm; đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước – TBA 500 kV Thuận Nam đến nay đã xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng 6 dự án đường dây 110 kV đoạn qua địa bàn tỉnh hiện đang tiến hành công tác đo đạc, quy chủ, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Về tiến độ hoàn thành hòa lưới 471 MW và khởi công 699 MW các dự án năng lượng tái tạo theo Kế hoạch số 1660/KH-UBND ngày 20/4/2022 của UBND tỉnh, đến nay trong số 10 dự án phải hoàn thành để hòa lưới 471 MW, có 4 dự án đã hoàn thành, đang chờ hướng dẫn cơ chế giá để đấu nối phát điện; 1 dự án đã thi công xong đang chờ cấp Giấy phép hoạt động điện lực để được công nhận ngày vận hành thương mại, 1 dự án đang tiếp tục thi công lắp đặt thiết bị cơ điện Nhà máy và TBA, đồng thời đang chờ ý kiến của Bộ Công Thương cho phép xem xét đấu nối tạm công trình nhà máy thủy điện Mỹ Sơn vào đường dây 110 kV Đa Nhim - Điện mặt trời CMX hiện hữu; 2 dự án đang tiếp tục làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và chờ ý kiến thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương, 2 dự án đang vướng mắc công nghệ cánh quạt nên chưa triển khai thi công.

Đối với 9 dự án dự kiến khởi công trong năm 2022 (699 MW), gồm: Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu 2 (184 MW), Trang trại điện mặt trời Phước Trung (40 MW), Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.1 (192 MW), Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.2 (60 MW), điện gió Đầm Nại 3 (39,4 MW), Đầm Nại 4 (27,6 MW), điện gió Power số 1 (30 MW), điện gió Enfinity (76 MW), điện gió Phước Hữu (50 MW), đến nay các dự án này đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực, nhưng chưa được xem xét cấp Quyết định chủ trương đầu tư do chưa có cơ chế giá và hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, nên chưa đủ điều kiện thực hiện.

Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt khoảng 12.055 tỷ đồng, trong thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy năng lực các sản phẩm hiện có. Tiếp tục làm việc với Đoàn kiểm toán Nhà nước về chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Triển khai các thủ tục bổ sung 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Nam vào Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mặt khác, phối hợp các sở, ngành, địa phương đôn đốc, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các dự án năng lượng khởi công, đẩy nhanh tiến độ sau khi có giá; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án ở khu kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là hoàn thành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, khởi công dự án Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn I -1500 MW. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư 2 cụm công nghiệp: Hiếu Thiện và Phước Tiến; đề xuất phương án mở rộng cụm công nghiệp Tháp Chàm; tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành về việc đề xuất bàn giao phần mặt bằng cụm công nghiệp Quảng Sơn, báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương thống nhất tiếp nhận và cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án thứ cấp…, với quyết tâm đưa ngành công nghiệp đạt tăng trưởng từ 17-18% theo kế hoạch đề ra.