Ngành thương mại - dịch vụ: Chọn tăng trưởng thấp để phòng dịch

Theo Thanh Nhị/Báo Quảng Ngãi

Thời điểm này, ngành thương mại - dịch vụ cần xác định lại mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đưa Quảng Ngãi đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opMart Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Nhị
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opMart Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Nhị

Tiếp tục gặp khó

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế  - xã hội trong trạng thái "bình thường mới". Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động thương mại và dịch vụ vẫn chưa thực sự sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình, nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không duy trì được mức tăng như mong muốn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 28.366 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 51,7% so với kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 876 triệu USD, tăng 43,9% so với cùng kỳ, đạt 62,6% kế hoạch năm...

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng mức tăng trưởng trên là dấu hiệu đáng mừng cho sự hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, trong những ngày qua, dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Quảng Ngãi, buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với TP. Quảng Ngãi và TX.Đức Phổ, những nơi có hoạt động thương mại - dịch vụ khá sôi động (riêng phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg).

Theo đó, hoạt động kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kết quả hoạt động của lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong 6 tháng cuối năm.

Chọn tăng trưởng thấp là phù hợp

Dự lường những khó khăn trong tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2021, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu, chọn kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm. 

Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng để chọn lựa. Một là, kịch bản tăng trưởng thấp, dự ước tăng trưởng GDP 8%, trong đó ngành thương mại - dịch vụ ước tăng 4% (kế hoạch 8,7%/năm, 6 tháng cuối năm 4,6%). Hai là, kịch bản tăng trưởng cao theo nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, ước GDP tăng 9% và mức tăng thương mại - dịch vụ có cao hơn kịch bản tăng trưởng thấp.

Trao đổi với lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương, thì hầu hết đều cho rằng, chọn kịch bản tăng trưởng thấp là phù hợp, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp. Sở Công thương nêu quan điểm: Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại dịch vụ, trong đó 17 loại hình dịch vụ đều bị đình trệ, dịch vụ vận tải gần như dừng hẳn.

Vì thế, việc giữ tốc độ tăng trưởng như hiện tại là rất khó, thậm chí nhiều khả năng sẽ sụt giảm mạnh trong những tháng tới. Đồng quan điểm này, đại diện Sở GTVT cho rằng, chọn tăng trưởng thấp sẽ có tính khả thi cao hơn và thực tế, nếu dịch chưa được khống chế, thì cũng khó có thể tăng trưởng cao được.

Hiện nay, Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng kịch bản tăng trưởng trong điều kiện có dịch và kịch bản sau khi dịch được khống chế. 

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi Võ Văn Rân nêu giải pháp: Khi dịch được khống chế, tỉnh cần có chính sách gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh kết nối cung cầu, phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN cung ứng hàng hóa.