Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên quản trị kinh doanh


Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh khối trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 Dữ liệu được thu thập từ 500 ý kiến của tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của các trường đai học: Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; Tin học Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh; Văn Lang; Quốc tế Hồng Bàng và Nguyễn Tất Thành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố tác động đến quyết định chọn trường của tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh khối trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Vị trí địa lý, học phí và chính sách, danh tiếng, sự hấp dẫn của ngành học, truyền thông, đặc điểm cá nhân.

Hiện nay, đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học công lập, đại học ngoài công lập và các trường liên kết với nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh. Dự báo, sẽ có một số trường đại học ngoài công lập không tồn tại vì không tuyển được sinh viên. Do đó, vấn đề cạnh tranh thu hút sinh viên hiện nay mang tính sống còn của các trường đại học ngoài công lập. Bài viết phân tích nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh khối trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh và đưa ra một số kiến nghị để các trường ngày càng thu hút nhiều sinh viên theo học.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

D.W.Chapman (1981) đã đề xuất một mô hình tổng quát của việc lựa chọn trường đại học của các học sinh qua 2 nhóm yếu tố ảnh hưởng nhiều đến quyết định chọn trường đại học của học sinh, đó là đặc điểm của gia đình, cá nhân học sinh và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng như: các cá nhân, các đặc điểm cố định của trường đại học và nỗ lực giao tiếp của trường đại học với các học sinh. Kết quả nghiên cứu của D.W. Chapman đã được các nhóm khác sử dụng và phát triển để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh.

Cabera và La Nasa (2000) tiếp nối kết quả nghiên cứu của Chapman đã nghiên cứu mô hình 3 giai đoạn lựa chọn trường đại học của học sinh, trong đó nhân tố mong đợi về công việc trong tương lai của học sinh rất quan trọng trong sự tác động đến quyết định chọn trường đại học của học sinh.

M. J. Burn (2006) đã ứng dụng kết quả từ các nghiên cứu của Chapman vào một trường đại học cụ thể tại Mỹ khẳng định, mối quan hệ giữa các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của sinh viên.

Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên quản trị kinh doanh - Ảnh 1

Trần Văn Quý, Cao Hào Thi (2010) với đề tài “Các nhân tố nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh phổ thông trung học” kết quả cho thấy, có 6 yếu tố ảnh hưởng thuận chiều đến quyết định dự thi vào đại học của học sinh: (1) Sự định hướng của các thân nhân của học sinh về việc dự thi vào một trường đại học; (2) Đặc điểm của trường đại học; (3) Sự phù hợp của ngành học với khả năng học sinh; (4) Cơ hội học tập trong tương lai của học sinh ở một trường đại học; (5) Tỷ lệ có việc làm; (6) Sự nỗ lực trong giao tiếp của một trường đại học.

Lưu Ngọc Liêm (2010) trường Đại học Lạc Hồng cũng tiến hành thực hiện nghiên cứu nhằm “Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của sinh viên đại học Lạc Hồng” thông qua 2 nhóm nhân tố cơ bản tác động là nhân tố về bản thân cá nhân học sinh và nhân tố về đặc điểm của trường đại học.

Nhóm tác giả

 và cộng sự (2014) đã đề xuất mô hình “Sự lựa chọn nguyện vọng bổ sung của sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh” bao gồm các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp: Điểm chuẩn, uy tín, truyền thông, vị trí địa lý, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, học phí và hỗ trợ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với một sinh viên khi quyết định lựa chọn nguyện vọng bổ sung có 6 nhân tố ảnh hưởng rõ ràng và mạnh mẽ nhất đến sự lựa chọn của bản thân đó là uy tín, vị trí địa lý, truyền thông, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và học phí. Dựa vào cơ sở lý thuyết trên, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu cụ thể tại Hình 1.

Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng khảo sát của nghiên cứu là 500 sinh viên từ 5 trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại ngữ Tin học TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang, Đại học Hồng Bàng, Đại học Nguyễn Tất Thành. Thời gian nhóm tác giả tiến hành phỏng vấn từ ngày 01/8/2018 đến ngày 30/10/2018. Tổng cộng có 500 bảng câu hỏi được phát ra, thu về 500 bảng câu hỏi. Trong đó có 14 bảng câu hỏi không hợp lệ, còn lại 486 bảng câu hỏi hợp lệ.

Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên quản trị kinh doanh - Ảnh 2

Thang đo Likert 5 mức độ được chọn từ 1 điểm - thể hiện mức độ rất không đồng ý cho đến 5 điểm - thể hiện mức độ rất đồng ý. Bảng câu hỏi chính thức bao gồm 45 biến quan sát tương ứng với 8 thang đo thành phần trong mô hình nghiên cứu. Phần mềm SPSS 20 được sử dụng để kiểm định thang đo và mô hình nghiên cứu. Các thang đo được kiểm định bằng phương pháp hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA). Phương pháp phân tích dữ liệu chính được sử dụng cho nghiên cứu là phân tích trên mô hình Linear Regression.

Kết quả nghiên cứu

Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng Hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Có 3 biến quan sát không đạt được độ tin cậy nên bị loại (VTDL6, HPCS3, QD1). 

Kết quả đo lường 7 thang đo thành phần đều đạt yêu cầu với hệ số Cronbach Alpha > 0,6 và các biến quan sát trong thang đo thành phần đều có hệ số tương quan biến - tổng > 0,3. Do đó, các biến quan sát của các thang đo này đều được giữ nguyên cho phân tích nhân tố EFA tiếp theo (Bảng 1).

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Với phương pháp Principal Component Analysis và phép quay Varimax với điểm dừng Fixed number of factors=7, kết quả phân tích nhân tố EFA lần 1 cho thấy, biến quan sát TT6 bị loại vì hệ số tải nhân tố <0,5. Kết quả phân tích nhân tố EFA lần 13 cho thấy, loại thêm các biến quan sát HPCS4, HPCS5, DD4, SHD5, CSVC4, CSVC3, CSVC6, DT5, CSVC5, SHD1, DD1. 7 nhân tố đều được giữ lại theo ý định ban đầu và được rút trích ra từ 26 biến quan sát.

Kiểm định Barlett cho thấy, giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0,00 < 0,05). Đồng thời, hệ số KMO lần cuối = 0,864 > 0,5, chứng tỏ phân tích nhân tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích nhân tố. Phương sai trích là 62,14% > 50% là đạt yêu cầu. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, có 7 nhân tố rút trích ra thể hiện được khả năng giải thích được 62,14% sự thay đổi của biến phụ thuộc trong tổng thể.

Phân tích mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

Phân tích mô hình hồi quy tuyến tính đa biến lần một: Kết quả phân tích mô hình hồi quy tuyến tính đa biến lần một cho thấy biến CSVC có giá trị Sig.= 0,823>0,05 và tstat =0,224< 1,96 nên không có ý nghĩa thống kê. Do đó, biến CSVC bị loại ra khỏi mô hình trong phân tích lần hai.

Phân tích mô hình hồi quy tuyến tính đa biến lần hai: Giá trị hệ số R2 là 0,686, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 68,6%. Nói cách khác, 68,6% quyết định chọn trường của sinh viên là do mô hình hồi quy giải thích. Các phần còn lại là do sai số và các nhân tố khác. Kiểm định Durbin Watson = 1,736 trong khoảng [1 < D < 3] nên không có hiện tượng tương quan của các phần dư (Bảng 3).

Khi xét tstat và  tα/2 của các biến để đo độ tin cậy thì các biến độc lập HPCS, TT, DD, VTDL, SHD, DT đều đạt yêu cầu do tstat > 1,96 và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 0,05. Ngoài ra, hệ số VIF của các hệ số Beta đều nhỏ hơn 2 và hệ số Tolerance đều > 0,5 cho thấy, không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.

Phương trình hồi quy tuyến tính đa biến: Quyết định chọn trường = 0,348 * truyền thông + 0,168 * vị trí địa lý + 0,176 * danh tiếng + 0,242 * sự hấp dẫn + 0,120 * đặc điểm + 0,120 * học phí và chính sách 

Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên quản trị kinh doanh - Ảnh 3

Kết quả cho thấy, cả 6 nhân tố HPCS, TT, DD, VTDL, SHD, DT đều có ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định chọn trường. Tức là, khi HPCS, TT, DD, VTDL, SHD, DT càng cao thì quyết định chọn trường càng cao. Kết quả này cho thấy, nhân tố truyền thông có sự ảnh hưởng lớn nhất (Beta = 0,348), nhân tố Sự hấp dẫn có sự ảnh hưởng lớn thứ hai (Beta = 0,242) và nhân tố đặc điểm và học phí và chính sách có sự ảnh hưởng ít nhất (Beta = 0,120).                            

Kết luận và kiến nghị

Theo quan điểm của nhóm tác giả, để thu hút được tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh thì các trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nhân tố cơ sở vật chất bị loại ra trong phân tích mô hình hồi quy tuyến tính đa biến lần hai. Hiện nay, tân sinh viên không quan tâm đến cơ sở vật chất tại các trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh, bởi vì để nâng cao năng lực cạnh tranh thì hầu hết các trường đều được xây dựng mới và đầu tư trang thiết bị giáo dục hiện đại cũng như chọn vị trí địa lý thuận tiện cho sinh viên học tập, sinh sống và làm thêm ngoài giờ. Tuy nhiên, các trường lưu ý là các cơ sở giảng dạy phải gần nhau và thuận tiện cho sinh viên đi lại bằng phương tiện cá nhân hoặc công cộng. Vấn đề này rất khó thực hiện trong điều kiện giao thông tại TP. Hồ Chí Minh.

Thứ hai, tân sinh viên cũng không quan tâm đến học phí, bởi vì khi chọn trường ngoài công lập thì gia đình và bản thân các em đã chuẩn bị trước tâm lý cũng như tài chính cho các em trong 4 năm học tại trường. Tuy nhiên, có nhiều sinh viên xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu theo mùa vụ có những lúc gặp khó khăn trong việc đóng học phí. Nhà trường nên quan tâm hơn đến nguyện vọng của sinh viên để tạo thuận lợi cho cả sinh viên lẫn nhà trường trong việc đóng học phí cũng như cấp học bổng cho các em sinh viên có học lực giỏi, các em đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia…

Thứ ba, trong bối cảnh cạnh tranh đầy gay gắt hiện nay của các trường đại học ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh là công tác truyền thông. Thực tế cho thấy, trường nào làm tốt công tác truyền thông thì sẽ thu hút được rất nhiều sinh viên. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, các trường cần tích cực triển khai công tác tuyên truyền trên báo chí, truyền hình, tài trợ và tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh trên truyền hình cũng như trực tiếp tại trường phổ thông trung học.

Thứ tư, yếu tố ảnh hưởng đến đến quyết định chọn trường của tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh là sự hấp dẫn của ngành học. Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo của ngành Quản trị kinh doanh của các trường đại học cũng tương tự về các môn học, cách đào tạo, số năm học… Do đó, để thu hút được sinh viên thì các trường đại học phải tạo được nét khác biệt, để tạo ra sự hấp dẫn để thu hút sinh viên như các hoạt động quan hệ doanh nghiệp, dễ tìm kiếm việc làm, thế mạnh của trường trong đào tạo, có các chương trình học vượt cho sinh viên, các hoạt động ngoại khóa về khởi nghiệp và học kỳ doanh nghiệp, các gương tiêu biểu thành đạt của cựu sinh viên…

Thứ năm, danh tiếng hay là uy tín của nhà trường, đây là một tiến trình lâu dài, tổng hợp mọi mặt, mọi nhân tố tác động đến hiệu quả của công việc giảng dạy, đào tạo ra những sinh viên thời đại mới. Nói chung, nhà trường cần làm những “việc tích cực” sao cho “thương hiệu” được cộng đồng xã hội, đặc biệt là các em học sinh, các bậc phụ huynh biết đến và tin tưởng để cho con em theo học.          

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Quang Hùng (2017), Phân tích dữ liệu trong kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  2. Lê Quang Hùng và cộng sự (2014), Sự lựa chọn nguyện vọng bổ sung của sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đề tài nghiên cứu khoa học;
  3. Lưu Ngọc Liêm (2010), Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của sinh viên đại học Lạc Hồng, Công trình nghiên cứu khoa học;
  4. Trần Văn Quý, Cao Hào Thi, Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của học sinh phổ thông trung học – Tạp chí Phát triển Khoa học và công nghệ, tập 12, số 15 – 2009 – Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;
  5. Chapman, D. W (1981), A model of student college choice, The Journal of Higher Education;
  6. Cabrera, A. F. & La Nasa, S. M. (2000), Understanding the college choice of disadvantaged students. New Directions for Institutional Research. San Francisco: Jossey-Bass;
  7. Marvin J. Burns (2006), Factors influencing the college choice of african-american students admitted to the college of agriculture, food and natural resources. A Thesis presented to the Facuulty of the Graduate School. University of Missouri-Columbia.