Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai


Kế toán quản trị là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản trị doanh nghiệp trong việc ra quyết định, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhỏvà vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bốn nhân tố gồm: Quy mô doanh nghiệp, công nghệ sản xuất tiên tiến, trình độ của nhân viên kế toán và nhận thức về kế toán quản trị của nhà quản trị ảnh hưởng đáng kể đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai.

Giới thiệu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nói chung cũng như các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tại Đồng Nai nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Để quá trình quản lý đạt hiệu quả cao, phát huy được sức mạnh của DN, kế toán quản trị (KTQT) là công cụ hỗ trợ đắc lực nhất.

Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai  - Ảnh 1

Trên thế giới, KTQT được áp dụng rộng rãi trong các DN. Tuy nhiên, việc vận dụng KTQT ở Việt Nam nói chung, cũng như ở các DNNVV tại Đồng Nai nói riêng vẫn còn mang tính sơ khai, chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Điều này đã tác động không nhỏ đến hiệu quả quản trị của các DN, cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế, nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 213 DNNVV tại tỉnh Đồng Nai để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT, qua đó đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm giúp các DNNVV hạn chế ảnh hưởng của các nhân tố đến công tác KTQT tại DN.

Tổng quan đề tài nghiên cứu

Nghiên cứu ở nước ngoài

Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong DN luôn là chủ đề được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Chẳng hạn như: Nghiên cứu của Ahmad, K. (2012) xem xét các yếu tố giải thích mức độ thực hành KTQT tại các DNNVV ở Malaysia; nghiên cứu của nhóm tác giả Sidra Shahzadi, Rizwan Khan and Maryam Toor (2018) về tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài đến việc vận dụng KTQT trong DN ở Pakistan hay nghiên cứu của nhóm tác giả Diah Agustina Prihastiwi, Mahfud Sholihin (2018) về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong các DNNVV tại Indonesia…

Ngày càng nhiều tác giả thực hiện nghiên cứu thực nghiệm xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố bằng phương pháp định lượng, cung cấp nguồn thông tin đáng tin cậy hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và vận hành DN.

Nghiên cứu ở Việt Nam

Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT tại các DN Việt Nam trong những năm gần đây là chủ đề được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu hơn. Chẳng hạn như: Nghiên cứu của tác giả Trần Ngọc Hùng (2016) về các nhân tốtác động đến việc vận dụng KTQT trong các DNNVV tại Việt Nam; nghiên cứu của tác giả Thái Anh Tuấn (2018) về một số nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng KTQT trong các DN hay nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tiến Nhân và cộng sự (2019) về các nhân tố tác động đến việc áp dụng KTQT trong các DN ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…

Tổng quan các nghiên cứu trong nước cho thấy, có khá nhiều nghiên cứu về việc vận dụng KTQT vào điều hành DN thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, quy mô khác nhau. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính lẫn định lượng liên quan đến đề tài này, do đó những biện pháp hay hướng đề xuất còn mơ hồ thiếu tính thực tiễn và khó ứng dụng.

Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai  - Ảnh 2

Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài này theo hướng kết hợp phương pháp định tính và định lượng sẽ cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm mới góp phần đưa ra một số gợi ý cho các nhà quản trị DN trong việc vận dụng KTQT như tiến hành hoạch định, tổ chức, kiểm soát, đánh giá các chiến lược kinh doanh từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn phương án tối ưu nhất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.

Phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu được thiết kế bao gồm nghiên cứu tổng quan và nghiên cứu chi tiết. Trong đó: Nghiên cứu tổng quan sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kiểm định các nghiên cứu trước đây có liên quan đến đề tài, đồng thời, khám phá nhân tố mới có tác động đến việc vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai.

Nghiên cứu chi tiết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để tiến hành khảo sát, điều tra dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phiếu khảo sát trực tiếp đến các đối tượng có liên quan đến việc vận dụng KTQT trong các DNNVV tại Đồng Nai.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa trên các nghiên cứu trước về đề tài này của các tác giả trong và ngoài nước, nhóm tác giả thực hiện khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai. Các giả thuyết trong nghiên cứu sẽ dựa trên các nghiên cứu trước và chọn lọc những biến được nghiên cứu lặp lại nhiều lần, cùng với kết quả nghiên cứu định tính để tiến hành khảo sát tại các DNNVV trên địa bàn Đồng Nai.

Cụ thể các nhân tố ảnh hưởng bao gồm: Quy mô DN, mức độ cạnh tranh của thị trường, công nghệ sản xuất tiên tiến, trình độ nhân viên kế toán, nhận thức về KTQT của nhà quản trị.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích tương quan

Biến phụ thuộc và các biến độc lập được mã hóa cụ thể như sau:

Biến phụ thuộc vận dụng KTQT trong DNNVV - UMA gồm 5 biến: UMA1, UAM2, UAM3, UMA4, UMA5.

Các biến độc lập - lần lượt là:

- Nhân tố Quy mô DN - CS gồm 5 biến: CS1, CS2, CS3, CS4, CS5.

- Nhân tố Mức độ cạnh tranh của thị trường - MC gồm 5 biến: MC1, MC2, MC3, MC4, MC5.

- Nhân tố Công nghệ sản xuất tiên tiến - AMT gồm 5 biến: AMT1, AMT2, AMT3, AMT4, AMT5

- Nhân tố Trình độ nhân viên kế toán - LQAS gồm 5 biến: LQAS1, LQAS2, LQAS3, LQAS4, LQAS5.

- Nhân tố Nhận thức về KTQT của nhà QT - MAAM gồm 5 biến: MAAM1, MAAM2, MAAM3, MAAM4, MAAM5.

Bảng 1 cho thấy, mức ý nghĩa tương quan Pearson các biến độc lập CS, AMT, LQAS, MAAM với biến phụ thuộc UMA đều nhỏ hơn 0,01. Như vậy, có mối liên hệ tuyến tính giữa các biến độc lập này với biến UMA. Tuy nhiên, mức ý nghĩa tương quan Pearson giữa biến UMA và biến MC lớn hơn 0,01, do vậy biến MC sẽ được loại bỏ khi thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính bội, vì không có mối tương quan tuyến tính giữa 2 biến này.

Kết quả kiểm định tính phù hợp của mô hình

Hệ số R2 là 0,503 tức là 50,3% sự biến thiên của việc vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai được giải thích bởi các biến độc lập như trong mô hình còn 49,7% còn lại có thể là do ảnh hưởng của những biến ngoài mô hình và do sai số ngẫu nhiên. Kiểm định tự tương quan = 1,621 nằm trong khoảng 1,5- 2,5 nên không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc nhất xảy ra. Như vậy, bước đầu có thể nói mô hình là phù hợp với tệp dữ liệu mẫu.

Kết quả kiểm định hệ số hồi quy

Kết quả phân tích hồi quy bội cho thấy, giá trị sig của các biến CS, AMT, LQAS, MAAM đều nhỏ hơn 0,05, đồng thời, hệ số VIF của các biến độc lập đều nhỏ hơn 2 do vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.

Các hệ số hồi quy trong Bảng 3 đều lớn hơn 0 cho thấy, tất cả các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy đều tác động cùng chiều tới biến phụ thuộc. Cụ thể:

- Biến Nhận thức về KTQT của nhà quản trị tác động mạnh nhất tới việc vận dụng KTQT trong DNNNV.

- Biến Công nghệ sản xuất tiên tiến tác động mạnh thứ 2 tới việc vận dụng KTQT trong DNNNV.

- Biến Trình độ của nhân viên kế toán tác động mạnh thứ 3 tới việc vận dụng KTQT trong DNNNV.

- Biến Quy mô DN tác động yếu nhất tới việc vận dụng KTQT trong DNNNV.

Bàn luận kết quả phân tích

Quan sát Bảng 3 - Kết quả kiểm định hệ số hồi quy, nhóm tác giả thảo luận kết quả phân tích từng nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai, cụ thể:

- Quy mô DN: Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, quy mô DN càng lớn thể hiện qua số lượng lao động trong DN, doanh thu, vốn chủ sở hữu, số lượng các phòng ban với chức năng rõràng, độc lập. Như vậy, mô hình ước lượng đã xác định được nhân tố Quy mô DN có tác động cùng chiều với việc vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai.

Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Nai  - Ảnh 3

- Công nghệ sản xuất tiên tiến: Kết quả nghiên cứu cho thấy, Công nghệ sản xuất tiên tiến có tác động cùng chiều (+) đối với việc vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai. Công nghệ sản xuất tiên tiến được nâng cao phụ thuộc vào việc hiện đại hoá máy móc thiết bị, tiêu chuẩn, kỹ năng nghề nghiệp được nâng cao, phương pháp tổ chức sản xuất tối ưu, cải tiến chất lượng sản phẩm và sự đòi hỏi đổi mới công nghệ sản xuất trong DN. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi Công nghệ sản xuất tiên tiến trong DN càng cao thì càng làm gia tăng hiệu quả việc vận dụng KTQT trong DNNVV.

- Trình độ nhân viên kế toán: Kết quả nghiên cứu cho thấy, Trình độ nhân viên kế toán có tác động cùng chiều (+) đối với việc Vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai. Trình độ nhân viên kế toán được đánh giá cao phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ chuyên môn cao, thường xuyên nâng cao kiến thức KTQT, kinh nghiệm làm việc lâu năm và đóng vai trò tham mưu cho nhà quản trị trong công tác kế toán. điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi Trình độ nhân viên kế toán trong DN càng được nâng cao thì việc vận dụng KTQT trong DNNVV càng tăng.

- Nhận thức về KTQT của nhà quản trị: Kết quả nghiên cứu cho thấy, Nhận thức về KTQT của nhà quản trị có tác động cùng chiều (+) đối với việc Vận dụng KTQT trong DNNVV tại Đồng Nai. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi nhà quản trị quan tâm hơn đến công tác KTQT thì việc vận dụng KTQT trong DNNVV càng tăng.

Việc quan tâm này thể hiện qua việc nhà quản trị đưa ra các thông tin thích hợp trong việc ra quyết định, phân tích biến động chi phí, lập dự toán ngân sách và đánh giá trách nhiệm quản lý cho từng bộ phận thì khả năng vận dụng KTQT của DN càng cao. Như vậy, mô hình ước lượng đã xác định nhân tố nhận thức về KTQT của nhà quản trị có tác động cùng chiều với việc vận dụng KTQT đối với DNNVV.

Kết luận và kiến nghị

Nghiên cứu đã rút ra được phương trình hồi quy tuyến tính bội của mô hình nghiên cứu sau khi đã chuẩn hóa trong việc vận dụng KTQT trong các DNNVV tại tỉnh Đồng Nai như sau:

UMA = 0,272*MAAM + 0,226*AMT + 0,203*LQAS + 0,197*CS

Từ kết quả nghiên cứu thu được, nhóm tác giả đề xuất những kiến nghị nhằm giúp các DNNVV hạn chế ảnh hưởng của các nhân tố đến công tác KTQT tại DN như sau:

Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về KTQT của nhà quản trị. Để làm được điều này các nhà quản trị cần nhận thức được lợi ích của KTQT đối với DN mình. Đồng thời, nhà quản trị cũng cần có chiến lược dài hạn đầu tư về con người, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho viện vận dụng KTQT.

Thứ hai, đổi mới, tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến: Đây là yêu cầu tất yếu nhằm cải thiện hiệu suất của DN đặc biệt là loại hình DNNVV. Việc đổi mới công nghệ sản xuất thông qua việc đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất và tập trung chủ yếu vào việc cải tiến hiệu quả quy trình công nghệ, nhằm nâng cao năng suất của người lao động.

Thứ ba, nâng cao trình độ của nhân viên kế toán: Nhân viên kế toán tại DNNVV cần được đào tạo hoặc được đầu tư thông qua việc tham gia các khóa học về KTQT, CMA, nắm bắt các công cụ kỹ thuật KTQT, tiếp cận những quan điểm mới của KTQT trên thế giới và áp dụng KTQT vào DN mình giúp việc vận dụng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Bản thân nhân viên kế toán cần thường xuyên học hỏi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và thường xuyên phản hồi với nhà quản trị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao việc ứng dụng KTQT cho DN.

Thứ tư, thay đổi quy mô DN. Việc thay đổi cấu trúc DN theo hướng tinh giản, ưu tiên hình thức phân quyền là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này có tính hai mặt mặc dù tiết kiệm được chi phí khi tinh giản bộ máy và truyền đạt thông tin diễn ra thông suốt hơn, nhưng mặt khác cũng có thể rơi vào trạng thái quyền lực tập trung vào một người điều hành cao nhất và sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hoặc ra quyết định chậm.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Ngọc Hùng (2016), Các nhân tốtác động đến việc vận dụng kếtoán qun trtrong các doanh nghiệp nhvà vừa tại Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;

2. Nguyễn Tiến Nhân (2019), “Các nhân tố tác động đến việc áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Tạp chí Công thương, (T3);

3. Thái Anh Tuấn (2018), “Một số nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp”, Tạp chí Tài chính, (T9-2);

4. Trần Thị Yến (2017), “Nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quả trị trong các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định”, Tạp chí Công Thương.

* Theo ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích, ThS. Thái Thị Hoài Thương - Trường Đại học Đồng Nai.

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2022.