Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh cho các khu công nghiệp

Theo Ngọc Thanh/Báo Bình Dương

Tính đến cuối tháng 8/2021, cả nước có 291 Khu công nghiệp (KCN), 44 Khu kinh tế (KKT), 3 Khu chế xuất, 730 Khu công nghệ cao (KCNC) và Cụm công nghiệp (CCN)đang hoạt động. Các KCN, KKT, CCN trên cả nước thu hút được khoảng 11.000 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD.

Công nhân sản xuất trong khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Ảnh: Ngọc Thanh
Công nhân sản xuất trong khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Ảnh: Ngọc Thanh

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD, đóng góp vào NSNN khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp. Thời gian qua, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN, KKT, KCNC và CCN gặp rất nhiều khó khăn. 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, mặc dù tình hình có rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần duy trì ổn định và phát triển các KCN theo định hướng đã đề ra.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN được duy trì; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 176%, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 182%, vốn đầu tư xây dựng thực hiện đạt  đạt 115,57% và vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp đạt 126% so với kế hoạch năm 2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong KCN, KKT, CCN nói riêng là vấn đề quan trọng và bức thiết trong thời điểm hiện nay. Quan điểm của Chính phủ là vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các KCN, KKT, CCN xây dựng phương án phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp cần được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, địa bàn để chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất.

Các địa phương phải nhanh chóng gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất; hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi; thành lập các tổ công tác để hướng dẫn thông qua phương án sản xuất, phương án phòng, chống dịch và giải quyết các vấn đề liên quan cho doanh nghiệp…