Nhiều doanh nghiệp vùng tâm dịch vẫn duy trì sản xuất

Theo Thiên Vương - Trịnh Bình/nhandan.vn

Tuân thủ các quy định 5K, thực hiện nghiêm phương án sản xuất “ba tại chỗ” một cách triệt để, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vùng tâm dịch ở Bình Dương, Đồng Nai vẫn duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả, góp phần tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của nền kinh tế hiện nay.

Sản xuất tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thiên Vương
Sản xuất tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thiên Vương

Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa sản xuất kinh doanh, đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bình Dương và Đồng Nai vẫn đang hoạt động ổn định, hiệu quả.

Giữ được khách hàng, thị trường

Tại khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), Công ty TNHH Daikan Việt Nam là một trong những doanh nghiệp thực hiện phương án “ba tại chỗ” đầu tiên ở Đồng Nai từ ngày 5/7. Đến nay, hoạt động sản xuất của công ty vẫn ổn định, thu nhập người lao động cũng tăng lên.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, Nguyễn Công Đoàn, cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên sản xuất biển hiệu và biển quảng cáo xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, nếu ngưng hoạt động, khách hàng sẽ tìm đến nhà cung cấp khác, khi đó, công ty sẽ tự loại mình ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, dù chi phí tăng cao để duy trì sản xuất “ba tại chỗ” nhưng chúng tôi không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, giữ được khách hàng và thị trường; đồng thời giữ được nguồn lao động, khi đại dịch đi qua sẽ có nguồn nhân lực tiếp tục duy trì sản xuất”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, công nhân Công ty TNHH Daikan Việt Nam cho biết: “Nhờ công ty áp dụng ‘ba tại chỗ’ mà bản thân tôi có việc làm, thu nhập ổn định, các điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt đều được bảo đảm, công nhân chúng tôi ở lại công ty và gia đình ở nhà rất yên tâm”.

Từ đầu tháng 7/2021, Công ty cổ phần Scavi tại khu công nghiệp Biên Hòa 2 áp dụng phương án sản xuất “ba tại chỗ” để duy trì sản xuất, nhưng sau ba tuần đã xuất hiện một số ca F0 trong doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chính quyền địa phương để nhanh chóng dập dịch, đưa F0 đi điều trị, cách ly F1 tập trung và F2 tại nhà, đến ngày 5/8, doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất trở lại.

Tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), Công ty TNHH Saigon Stec đang sản xuất ổn định theo phương án “ba tại chỗ” với 2.000 công nhân trong tổng số 6.600 công nhân. Doanh nghiệp này sản xuất module máy ảnh cho máy tính bảng, điện thoại…cung ứng cho nhiều khách hàng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Saigon Stec, ông Wada Kazuhito, cho rằng, mô hình “ba tại chỗ” với sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền đã giúp duy trì được sản xuất. Sắp tới, công ty sẽ triển khai thêm phương án “một cung đường, hai điểm đến” để đưa thêm công nhân trở lại làm việc và tiến tới hoạt động với đầy đủ công nhân trở lại làm việc.

Cũng tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 2, từ khi thực hiện phương án “ba tại chỗ”, đến nay, Công ty nhựa Nhị Bình vẫn sản xuất và xuất khẩu ổn định. Giữ được khách hàng, giữ được thị trường đến thời điểm hiện nay, công ty tin tưởng quý 4/2021 tình hình sẽ khá hơn và hoàn thành kế hoạch năm.

Hoạt động tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương), thời gian qua, nhà máy của Công ty cổ phần Tôn Đông Á vẫn duy trì sản xuất hiệu quả với 620 lao động trong tổng số 800 lao động của công ty. Sản xuất của nhà máy tương đối ổn định với sản lượng và công suất đạt 100% để xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như Mỹ và châu Âu.

Giữ chuỗi sản xuất không bị đứt gãy

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, với 31 khu công nghiệp tại tỉnh, đến nay, có gần 1.200 doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “ba tại chỗ” với khoảng 140.000 lao động. Để tránh cho doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, bảo đảm thu nhập cho người lao động, phương án “ba tại chỗ” vẫn là tối ưu nhất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dù doanh nghiệp phải gồng gánh thêm nhiều chi phí.

Hơn hai tháng qua, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất an toàn, góp phần giúp chuỗi sản xuất không bị đứt gãy và củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư đối với tỉnh Đồng Nai.

Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Lê Văn Danh, cho biết, cùng với ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân tại các doanh nghiệp “ba tại chỗ”, tỉnh Đồng Nai đang tính toán để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng “ba tại chỗ” sang bền vững và an toàn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát lại tất cả các doanh nghiệp “ba tại chỗ” để khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt hơn nơi nghỉ của người lao động sau giờ làm, bổ sung thêm các dịch vụ thiết yếu bên trong nhà máy nhằm giúp người lao động ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc…

Tỉnh Bình Dương có 27 khu công nghiệp đang hoạt động, đến đầu tháng 9/2021 có 1.319 doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai địa điểm” với 146.682 lao động.

Sau khi được tiêm vắc-xin ở tại doanh nghiệp và trong khu dân cư ở địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới theo hình thức “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai địa điểm” mở rộng với nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn lao động đăng ký tham gia.

Giám đốc Công ty cổ phần Scavi, Nguyễn Thành Chí, cho biết: Với quá trình sản xuất “ba tại chỗ”, doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt kỷ luật lao động và nâng cao ý thức của người lao động theo nguyên tắc 5K, cách ly tuyệt đối với bên ngoài, kể cả quá trình giao, nhận hàng. Yếu tố tinh thần đối với người lao động trong quá trình áp dụng “ba tại chỗ” là rất quan trọng nên lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên chăm lo, động viên. Việc quan trọng lúc này là tiêm vắc -xin cho người lao động ở tất cả các doanh nghiệp, giúp họ an tâm tiếp tục làm việc.

Ông Hoàng Ngọc Yến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH nhựa Nhị Bình, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 2, chia sẻ, thực hiện “ba tại chỗ”, bảo đảm sản xuất an toàn, từ việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động đến quá trình làm việc đều gắn với phòng, chống dịch. Do vậy, doanh nghiệp rất đồng tình với việc chỉ được tổ chức sản xuất khi đã xét nghiệm sàng lọc cho tòan bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.

Tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” với quyết tâm đến ngày 15/9 trở lại trạng thái bình thường mới.

Thực hiện “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai địa điểm” để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Bình Dương mong muốn các doanh nghiệp phối hợp với địa phương tổ chức tốt các mô hình sản xuất trong tình hình mới, bảo đảm ba xanh: “nhà trọ xanh”, “công nhân xanh” và “nhà máy xanh”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Mai Hùng Dũng, cho biết, đối với việc thiết lập mô hình “doanh nghiệp xanh” và “công nhân xanh”, tỉnh chỉ cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp khi bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống COVID-19 theo đúng các quy định; đồng thời phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu, cụm công nghiệp; không được lơ là, buôn lỏng, chủ quan.

Đối với việc thiết lập mô hình “công nhân xanh” và “nhà trọ xanh”, tỉnh yêu cầu các địa phương phải chủ động phối hợp với “doanh nghiệp xanh” liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm, sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung một doanh nghiệp được ở chung một phòng hoặc một dãy, nếu bảo đảm đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân của cùng một nhà máy, một doanh nghiệp ở chung khu nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề… 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Nguyễn Hồng Lĩnh, cho rằng, yêu cầu cao nhất là phải bảo đảm không để nhiễm F0 vào doanh nghiệp mới tiếp tục sản xuất được. Do vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện cách ly nghiêm ngặt với bên ngoài, đồng thời phải chăm lo, động viên về vật chất và tinh thần đối với người lao động. Chỉ cần một ca F0 xâm nhập vào là buộc phải dừng sản xuất để dập dịch, khi đó sẽ thiệt hại rất lớn cho chủ doanh nghiệp và bản thân người lao động.