Nhiều dự án FDI tăng vốn: Nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào Việt Nam

Theo Phương Anh/kinhtevadubao.vn

Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như tăng vốn đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hầu hết các dự án quy mô lớn trong 4 tháng qua đều là dự án tăng vốn

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Cụ thể, chỉ trong 4 tháng qua, đã có 323 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 5,29 tỷ USD (tăng 92,5% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, còn có 1.026 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (bằng 89,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên gần 1,83 tỷ USD (tăng 74,5% so với cùng kỳ).

Điều đáng mừng là, số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, ngoài dự án cấp mới 1,32 tỷ USD của LEGO, hầu hết các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 4 tháng qua đều là dự án tăng vốn.

Trong đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn trong 4 tháng đầu năm, như: Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam (TP Hồ Chí Minh), tăng 494,2 triệu USD dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) tăng 163 triệu USD.

Các dự án quy mô lớn này đã góp phần quan trọng đẩy vốn đầu tư tăng thêm tăng mạnh. Điều này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã cho thấy niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Điều đáng lưu ý là, dù vốn đầu tư cấp mới giảm khá mạnh đã làm giảm tổng vốn đầu tư trong 4 tháng (giảm 11,7%), song số lượng dự án đầu tư mới trong cả 4 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ (0,7%).

Hơn nữa, việc giảm vốn đầu tư đăng ký so với các tháng đầu năm 2022 chủ yếu là do không có nhiều các dự án quy mô vốn lớn như các tháng cùng kỳ 2021.

Nhiều dự án FDI tăng vốn: Nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào Việt Nam
Tính đến ngày 20/4/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Ngược với vốn đăng ký giảm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 4 tháng qua ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là xu hướng rất tích cực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 667,8 triệu USD và gần 357,5 triệu USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 28,6%, 25,8% và 18,1% tổng số dự án.

Đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 35,8% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,82 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD; Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhất trong 4 tháng năm 2022 (chiếm 18,7% số dự án mới, 33,7% số lượt điều chỉnh và 37,3% số lượt góp vốn, mua cổ phần).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăg ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn. Thành phố Hồ Chí Minh vượt lên xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,28 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (39,9%), số lượt góp vốn, mua cổ phẩn (70,4%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,6%, sau Hà Nội là 16,1%).

Biểu đồ: Đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2022 theo địa bàn đầu tư

Nhiều dự án FDI tăng vốn: Nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào Việt Nam
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm 2022. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt gần 91,14 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 90,36 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ, chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt gần 80,39 tỷ USD, tăng 18,7% so cùng kỳ và chiếm 65,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, khu vực FDI xuất siêu 10,75 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 10 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 9,79 tỷ USD.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào Việt Nam

Những số liệu trên cho thấy, dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như tăng vốn đầu tư.

Tính lũy kế đến ngày 20/4/2022, cả nước có 34.891 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 424,59 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 257,52 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, với sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc mở cửa các đường bay quốc tế từ ngày 15/3 sẽ tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.

Có thể thấy, việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng đầu tư tại Việt Nam là chuyện đã được dự đoán trước.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, năm 2022 Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với vốn FDI do chuỗi cung ứng toàn cầu cần được tổ chức lại. Việt Nam cũng sẽ là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nước ASEAN, đặc biệt là đối với lĩnh vực chế biến và chế tạo, nhờ nguồn lao động có tay nghề cao với chi phí thấp và một số hiệp định FTA được ký kết gần đây sẽ tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

ACBS cho rằng, vốn FDI năm 2022 sẽ tiếp tục đổ vào các thành phố lớn có cơ sở hạ tầng thuận tiện và các đầu mối công nghiệp lớn như Hà Nội, TP. HCM và Bắc Ninh. Thêm vào đó, căng thẳng liên tục giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào các nước khác, trong đó có Việt Nam, khi các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang nhiều quốc gia.

Còn theo Standard Chartered, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nói.

Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam thì đánh giá, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam.

Thực tế, theo dự thảo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, thì trong năm 2021, Việt Nam không phải chỉ thu hút được 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020) như báo cáo ban đầu, mà đạt tới 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vốn đăng ký mới năm 2021 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 24,3%; còn vốn điều chỉnh đạt 12,84%, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 7,11 tỷ USD, giảm 16,7%. Số liệu này cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện xu hướng hồi phục tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.