Những điểm cần lưu ý khi xây dựng chiến lược dữ liệu trong doanh nghiệp

Thúy Nương

Trong kỷ nguyên hiện tại, dữ liệu đang dần trở thành biến số thay đổi phương thức kinh doanh của mỗi doanh nghiêp (DN), giúp DN trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các DN hiện nay chính là việc khai thác dữ liệu và biến nó trở thành tri thức có ích hay như một tài sản chiến lược.

Để thực hiện chiến lược dữ liệu, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gắn kết với những mục tiêu cụ thể của tổ chức
Để thực hiện chiến lược dữ liệu, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gắn kết với những mục tiêu cụ thể của tổ chức

Trong quá khứ, mặc dù dữ liệu đóng vai trò trong mọi DN nhưng chủ yếu nó được sử dụng để đo lường, quản trị các quy trình kinh doanh và hỗ trợ công tác dự báo và lập kế hoạch dài hạn.

Trong thời đại số, với sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ kỹ thuật, dữ liệu đang dần trở thành biến số thay đổi cách làm kinh doanh của mỗi công ty. Để thấu hiểu khách hàng, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, kiểm soát mọi hoạt động một cách hiệu quả thì việc định hướng khai thác dữ liệu trong tất cả các quy trình, bộ phận chức năng của công ty là rất cần thiết.

Để thực hiện chiến lược dữ liệu, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gắn kết với những mục tiêu cụ thể của tổ chức. Chiến lược này sẽ là khung quy chiếu các hành động và cách thức để DN có thể biến dữ liệu trở thành tài sản vô giá, khai thác chúng để nhanh chóng đạt được những tầm nhìn đã đề ra.

DN cần biết mình cần loại dữ liệu nào và sẽ sử dụng dữ liệu đó ra sao nhưng tựu chung, các cách thức sau đây sẽ giúp các DN xây dựng được chiến lược dữ liệu.

Một là, thu thập nhiều loại dữ liệu: Mỗi DN cần xem xét dữ liệu một cách tổng thể và tìm hiểu các loại dữ liệu khác nhau phục vụ cho mục đích khác nhau. Dữ liệu quy trình kinh doanh (như dữ liệu trong chuỗi cung ứng, hạch toán nội bộ và quản trị nguồn nhân lực) được sử dụng để tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh, giảm rủi ro và tuân thủ yêu cầu báo cáo. Dữ liệu sản phẩm và dịch vụ là dữ liệu thiết yếu đối với giá trị cốt lõi trong sản phẩm, dịch vụ của DN.

Dữ liệu khách hàng có nhiều loại khác nhau, từ dữ liệu giao dịch, tới dữ liệu khảo sát khách hàng, đánh giá và bình luận trên mạng xã hội, tới dữ liệu về hành vi tìm kiếm và cách thức duyệt web. Những DN không bán hàng trực tiếp tới khách hàng (ví dụ các công ty sản xuất hàng đóng gói) thường chỉ thu thập dữ liệu khách hàng bằng khảo sát thị trường. Trên thực tế, ngay cả các DN này cũng đang tìm kiếm các cơ hội mới để liên kết dữ liệu với nhau nhằm có được bức tranh rõ hơn về khách hàng so với trước đây.

Hai là, biến dữ liệu thành căn cứ dự báo trong việc ra quyết định: DN cần lên kế hoạch về cách thức mà DN sẽ sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định có căn cứ hơn trong mọi khía cạnh của hoạt động. Dữ liệu từ hoạt động kinh doanh, sản xuất có thể sử dụng trong các mô hình thống kê để lập kế hoạch và tối ưu việc sử dụng nguồn lực của DN. Dữ liệu về khách hàng có thể được sử dụng để dự báo được những thay đổi nào trong dịch vụ của DN hoặc trong hoạt động truyền thông có thể tạo ra các kết quả tốt hơn.

Ba là, sử dụng dữ liệu trong đổi mới sản phẩm: Dữ liệu có thể tăng sức mạnh cho các sản phẩm, dịch vụ hiện tại của DN nhưng nó cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy trí tưởng tượng và thử nghiệm sáng tạo của sản phẩm. Đó chính xác là sử dụng dữ liệu để sáng tạo nhanh và rẻ hơn.

Bốn là, đánh giá đúng khách hàng: Dữ liệu hành vi khách hàng bao gồm bất kỳ thông tin nào mô tả các hoạt động của khách hàng. Nó có thể là giao dịch, thói quen tìm kiếm trên mạng, dữ liệu về những cú nhấp chuột, và các thông số đo lường trực tiếp về các dữ liệu liên quan đến mức độ tham gia của khách hàng. Dữ liệu hành vi luôn là dữ liệu quan trọng nhất về khách hàng, có giá trị hơn là ý kiến khảo sát hay thông tin mà khách hàng cung cấp cho nhân viên nghiên cứu thị trường.

Năm là, kết nối dữ liệu từ các hộp thông tin biệt lập trong tổ chức: Thông thường, DN cho phép dữ liệu của họ được tạo ra và lưu trữ ở các bộ phận, đơn vị tách biệt. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong chiến lược dữ liệu là tìm ra cách để tổng hợp lại các tập dữ liệu rời rạc và xem chúng được kết nối với nhau như thế nào. Khi mà môi trường kinh doanh ngày càng trở nên phức tạp, khả năng tìm kiếm, kết hợp và học hỏi từ các nguồn dữ liệu khác nhau sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Để thực hiện chiến lược dữ liệu, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gắn kết với những mục tiêu cụ thể của tổ chức. Chiến lược này sẽ là khung quy chiếu các hành động và cách thức để DN có thể biến dữ liệu trở thành tài sản vô giá, khai thác chúng để nhanh chóng đạt được những tầm nhìn đã đề ra.

Khi xây dựng chiến lược dữ liệu, DN cần lưu ý rằng các tập hợp dữ liệu của thời đại ngày nay rất khác so với các loại bảng tính đơn giản và các cơ sở dữ liệu quan hệ.

Toàn bộ tính chất của các loại dữ liệu có sẵn cũng như cách thức nó được khai thác và sử dụng bởi DN trong những năm gần đây đã trải qua một cuộc cách mạng – người ta gọi là cuộc cách mạng dữ liệu lớn.

Các chiến lược dựa vào dữ liệu đều phải phù hợp với những gì mà DN đang làm và phải giúp nhân viên của họ thực thi công việc tốt hơn.

Một vấn đề khác cần lưu ý là, khi xác định cách thức sử dụng dữ liệu trong chiến lược tổng thể, tối ưu nhất, DN nên bắt đầu - không phải từ những mô hình hay kỹ thuật - mà là từ chính mục tiêu kinh doanh ban đầu.

Cách tiếp cận này sẽ giúp DN phát triển được những mô hình dữ liệu cung cấp kết quả phân tích nhanh hơn; giúp nhà quản lý, chuyên gia hiểu rộng hơn về mối quan hệ giữa dữ liệu và chiến lược hoạt động; đồng thời góp phần hạn chế gánh nặng từ việc tăng chi phí hoặc nguồn lực cho những hướng đi không phù hợp.