Nóng bỏng "miếng bánh" xây cảng hàng không

Theo Bạch Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Chỉ với 22 cảng hàng không đang hoạt động và chưa đầy 10 dự án đang chờ cấp phép, thực sự thị trường xây dựng cảng hàng không tại Việt Nam là rất hẹp. Trong thị trường rất hẹp đó, trước nay vẫn do công ty vốn nhà nước xây dựng, nhưng khối tư nhân đến nay đang trỗi dậy và nổ ra những bất đồng trong việc đầu tư hạ tầng sân bay.

22 cảng hàng không đang hoạt động và chưa đầy 10 dự án đang chờ cấp phép, thực sự thị trường xây dựng cảng hàng không tại Việt Nam là rất hẹp. Nguồn: Internet
22 cảng hàng không đang hoạt động và chưa đầy 10 dự án đang chờ cấp phép, thực sự thị trường xây dựng cảng hàng không tại Việt Nam là rất hẹp. Nguồn: Internet

Ngành hàng không Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh và được dự đoán sẽ lọt vào top 50 vào năm 2030. Nhưng ngược với sự tăng trưởng ấy, năng lực hệ thống kết cấu hàng không hiện nay đang thiếu hụt về hạ tầng, cản trở đến phát triển kinh tế và du lịch.

Tư nhân khẳng định ưu thế

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 (2 – 3/5), ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đã khẳng định: “Tôi nói ví dụ như dự án đường sắt Bắc-Nam hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm”.

Có thể thấy, đây là lời khẳng định sự vượt trội của năng lực doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nền kinh tế hiện nay, không chỉ trong những dự án nhỏ mà cả những dự án cần đến vốn có đơn vị tính bằng đơn vị tỷ USD như xây cảng hàng không.

Thực tế cho thấy, đến nay đã có hàng loạt DN Việt Nam đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm muốn được tham gia xây dựng hạ tầng hàng không.

Trong đó, có thể kể đến dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh (sân bay Vân Đồn) nằm trong Đặc khu kinh tế Vân Đồn, do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 7.463 tỷ đồng (ngân sách là 734 tỷ đồng).

Dự án trên diện tích 325ha, được xây dựng và và hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục. Khởi công từ năm 2015, sân bay Vân Đồn đã khánh thành chỉ sau 3 năm xây dựng và được công nhận đạt cấp 4E, sân bay quân sự cấp II (có thể đón các máy bay lớn).

Sân bay Vân Đồn là dự án đầu tiên một DN tư nhân bỏ tiền đầu tư hoàn thiện một sân bay. Sau dự án này, hàng loạt DN tư nhân đã có mong muốn được triển khai các dự án khác.

Tiếp sau Vân Đồn, đầu năm 2017, tỉnh Lào Cai đã đề nghị cho SunGroup được làm chủ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lào Cai (huyện Bảo Yên) với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng.

Không riêng SunGroup, các DN lớn khác cũng lao vào cuộc cạnh tranh giành quyền đầu tư sân bay tốn kém nghìn tỷ. Điển hình như Tập đoàn T&T của bầu Hiển ngỏ ý đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tham gia dự án xây dựng nhà ga T2 của Sân bay quốc tế Nội Bài… CTCP Hàng không Vietjet Air (Vietjet) đã gần như giành được dự án xây dựng Nhà ga hành khách số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) bằng nguồn vốn xã hội hóa…

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương sẵn sàng cam kết: “Nếu được giao, tư nhân có thể hoàn thành trong 12- 18 tháng một nhà ga mới và có thể làm thay đổi cả năng lực cạnh tranh, khai thác ở sân bay, tương tự như trường hợp Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn”.

Ưu tiên ACV?

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh Chính phủ đã có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng GTVT, trong đó có DN tư nhân, và khẳng định sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư góp vốn nâng cấp, xây dựng các sân bay và cả hệ thống đường sắt quốc gia trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong 22 cảng hàng không đang hoạt động, có đến 21 cảng do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đang quản lý và khai thác.

Từ khi Chính phủ có chủ trương xã hội hóa cảng hàng không, ACV vẫn đang là DN nhận được nhiều dự án xây dựng liên quan đến cảng hàng không nhất.

Điển hình có thể kể đến như dự án sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng. Hiện nay, dự án này đang bị chậm tiến độ nhưng thông tin từ ACV cho biết ACV đã dành sẵn 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án.

Ngoài ra còn có dự án xây dựng Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khởi công vào tháng 2/2012 và hoàn thành vào tháng 12/2014.

Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về dự án này, trong đó chỉ ra nhiều điểm “gợn” trong quá trình đấu thầu, khiến tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán hai gói thầu là hơn 5,713 tỷ Yên (1.450 tỷ đồng).

Mới nhất, ngày 8/4, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có công văn số 348/UBQLV – CNHT gửi Bộ GTVT, đồng ý với đề nghị giao cho ACV xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn DN.

Động thái này cùng với đề nghị trước đó của Bộ GTVT, dự án nhà ga hành khách T3 chắc khó thoát khỏi tầm tay của ACV, dù trước đó, FLC cũng đã đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ cho phép được nghiên cứu, đầu tư xây dựng và khai thác dự án này.

Việc ACV đã nhiều lần được “chọn mặt gửi vàng”, thực hiện nhiều dự án xây dựng, mở rộng các cảng hàng không đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà thiết tha mong muốn DN tư nhân được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý không phải không có lý của nó.

Bà Hà cũng đề nghị Bộ GTVT ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.