Phải chống điều kiện kinh doanh bất hợp lý như chống dịch

Theo Hạnh Nhung/daibieunhandan.vn

Tại Hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh” ngày 26/5, một số chuyên gia cho rằng, cần phải mang tinh thần ứng phó với dịch vào trong cải cách, coi việc chống lại các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như chống dịch mới mong cải cách thành công.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Tiết kiệm 6.300 tỷ đồng mỗi năm

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công quốc gia đạt được một số kết quả nhất định, giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 đăng ký kinh doanh; 6776/9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công quốc gia đạt được một số kết quả nhất định, giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Riêng cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương kết nối với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến, 39 triệu lượt truy cập. Hơn 150.000 tài khoản đăng ký, gần 8,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; gần 85.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng; tiếp nhận gần 6.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, cải cách TTHC sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp vực dậy sau dịch bệnh vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể: Giải phóng được nguồn lực người dân, doanh nghiệp dành cho việc tuân thủ các thủ tục không cần thiết; tạo ra môi trường đầu tư - kinh doanh lành mạnh; giảm chi phí giám sát của Nhà nước cũng như chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân.

TS. Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng cũng cho rằng, thời điểm hiện tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế, nhất là khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn cho nước ta với thị trường rộng lớn có 500 triệu dân. Để có thể thâm nhập vào thị trường khó tính trên, vấn đề về cải cách TTHC phải được xem là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu, vì nếu thủ tục chậm, rườm rà thì các doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Cần thực hiện theo kiểu áp đặt từ trên xuống

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, Nghị quyết 68 là chương trình cắt giảm tổng thể, toàn diện hơn so với nhiều chương trình cải cách cắt giảm thủ tục hành chính trước đây. Tuy nhiên, để thực thi có hiệu quả và tốt nhất cần thực hiện theo kiểu áp đặt từ trên xuống thay vì để các bộ, ngành tự rà soát.

"Nhìn từ công cuộc chống dịch thì mấu chốt vẫn là từ Chính phủ, cần phải mang tinh thần ứng phó với dịch vào trong cải cách, coi việc chống lại các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp người dân như chống dịch, phải xem xét kiểm điểm ngay những vấn đề chưa làm được thì mới mong cải cách thành công", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần phải có những quy định chặt chẽ, thống nhất hơn trong việc áp dụng kỹ thuật văn bản sửa nhiều văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục được những chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Cùng với đó, đẩy nhanh việc đăng ký số hóa doanh nghiệp, Chính phủ phải có những cơ chế mạnh mẽ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện số hóa, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ rút gọn các TTHC cho doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng lĩnh vực ưu tiên, thuộc thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, thủy sản...; đồng thời, cắt giảm gánh nặng hành chính trong việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo trong hoạt động của doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

Cho rằng việc đẩy mạnh công tác cải cách và thực hiện tốt các TTHC sẽ giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu đề xuất, Chính phủ cung cấp nhiều hơn nữa dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian; giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan, đơn vị liên quan.