Phát triển các nguồn năng lượng có tác động tới môi trường?

Theo Lan Anh (T/h)/https://kinhtemoitruong.vn

Trong những năm qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Năng lượng cũng gây ra những tác động nhất định tới môi trường.

Việt Nam có nguồn năng lượng phong phú, với những bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh minh họa).
Việt Nam có nguồn năng lượng phong phú, với những bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh minh họa).

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, các nguồn năng lượng hiện nay tại nước ta khá phong phú (nhiên liệu hóa thạch, thủy điện, sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời…). 

Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh khối và thủy điện cũng có những tác động nhất định đến môi trường. Mức độ tác động môi trường khác nhau tùy thuộc vào công nghệ cụ thể được sử dụng, vị trí địa lý và một số yếu tố khác. "Trong đó, nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí tự nhiên cơ bản gây ô nhiễm nhiều hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo ở hầu hết các khía cạnh như ô nhiễm không khí và nước, thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng, mất đi động vật hoang dã và môi trường sống, sử dụng đất và làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu", ông Mai Văn Huyên - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Xanh cho biết.

Hiện nay nguồn cung điện hiện chủ yếu vẫn dựa vào thủy điện và nhiệt điện than. Các nhà máy thủy điện lớn tập trung chủ yếu ở miền Bắc do đặc trưng về địa hình đồi núi và lợi thế về thủy văn. Do đó, phần lớn các nhà máy nhiệt điện than cũng được xây dựng tại miền Bắc. 

Đối với các nhà máy nhiệt điện, mỗi loại hình công nghệ sẽ phát sinh các loại chất thải khác nhau. Lượng phát sinh chất thải phụ thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng và công nghệ sản xuất.

Theo đó, nhiệt điện than phát thải một lượng lớn bụi và khí SO, NO; nhiệt điện dầu FO phát thải chủ yếu khí SO2, NO2; nhiệt điện khí - tuabin khí hỗn hợp phát thải chủ yếu khí NOx.

Ngoài ra, hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than còn phát sinh một lượng lớn tro, xỉ, có thể sử dụng làm phụ gia cho một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong khi đó, thủy điện từng được cho là nguồn năng lượng sạch, nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho thấy thuỷ điện cũng góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính - khí metan (CH2), một loại khí nhà kính rất mạnh.

Theo đó, các hồ chứa đập thủy điện có thể sản sinh ra một lượng đáng kể khí metan và carbon đioxit (CO2). Khí metan được sinh ra chủ yếu do vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ít hoặc không có oxy.

Ngoài ra, các hồ thủy điện hình thành trên các con đập làm ngập chìm các khu rừng nhiệt đới cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi những bể chứa CO2 hữu hiệu. Hay làm tăng phát thải CO2 vào khí quyển. Đây là nguyên nhân gây mất rừng đầu nguồn và rừng nguyên sinh, làm làm suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi một sự gia tăng khổng lồ so với mức độ khai thác hiện có. Đối với neodymium, một nguyên tố thiết yếu trong tuabin gió, lượng khai thác sẽ cần tăng gần 35% so với mức hiện tại.

Cũng tương tự thế đối với kim loại bạc - thành phần rất quan trọng trong các tấm pin mặt trời. Nhu cầu khai thác mỏ bạc sẽ tăng 38 phần trăm và có thể lên tới 105 phần trăm. Nhu cầu về indium, cũng rất cần thiết cho công nghệ năng lượng mặt trời, sẽ tăng hơn gấp ba và có thể sẽ tăng vọt lên tới 920%.

Việc khai thác triệt để như thế sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khai khoáng quá mức hiện nay. Khai thác khoáng sản đã trở thành một trong những động lực lớn nhất của nạn phá rừng, phá vỡ hệ sinh thái và hủy diệt đa dạng sinh học trên toàn thế giới.

Các nhà sinh thái học ước tính rằng ngay cả với mức sử dụng vật liệu toàn cầu hiện nay, chúng ta đang vượt quá mức bền vững tới 82%.

Phát triển năng lượng bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo nguồn cung ứng điện lâu dài và giảm thiểu các tác động đến môi trường từ các nguồn năng lượng hoá thạch.

Phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu, tuy nhiên vấn đề của năng lượng tái tạo không chỉ ở sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn là “sự gia tăng về quy mô không đủ nhanh để đạt tới mức giá rẻ và thực tế trước những yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng”.

Đối với Việt Nam, việc phát triển năng lượng tái tạo và nâng tỷ lệ của năng lượng tái tạo sẽ là trọng tâm chính trong phát triển năng lượng sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.