Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại

Theo Phương Hằng/ Báo Đồng Nai

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ thực tiễn của Đồng Nai, CNH-HĐH đã đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh.

Sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Huy Anh
Sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Huy Anh

Công nghiệp làm cho kinh tế của tỉnh phát triển

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai  Hồ Thanh Sơn cho biết, hơn 300 năm trước, các bậc tiền nhân khai phá vùng đất phương Nam đã xây dựng nên Nông Nại đại phố - một thương cảng bậc nhất xứ phương Nam và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng sớm hình thành.

Thời kỳ Pháp thuộc, tư bản Pháp đã lập một số cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm sản ở vùng đất phương Nam; đến năm 1963, Khu Kỹ nghệ Biên Hòa được xây dựng trên diện tích 376ha, từ đó công nghiệp Đồng Nai phát triển theo mô hình sản xuất tập trung.

Tuy nhiên, năm 1975, khi hình thành Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, tỉnh chỉ tiếp quản được 33 nhà máy nhưng hoạt động cầm chừng, 12 nhà máy đã ngưng hoạt động, công nghiệp Đồng Nai rơi vào khủng hoảng.

Từ năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Nai ra sức xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 35 KCN được Chính phủ phê duyệt, trong đó 31 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 2 ngàn dự án. Mỗi năm, tỉnh có hơn 3.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; hiện toàn tỉnh có hơn 38 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 1,2 triệu lao động.

Thực hiện CNH-HĐH, tỉnh Đồng Nai  đã chú trọng huy động vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài và áp dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương để hình thành các vùng chuyên môn hóa và đa dạng hóa thành phần kinh tế. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh là tăng tỉ trọng GRDP ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2010-2015 là 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 8,14% - nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; thu nhập bình quân đầu người là hơn 5 ngàn USD, gấp 1,7 lần so với năm 2015.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH. Cụ thể như, đã phối hợp với các cơ quan trung ương đẩy nhanh tiến độ dự án các tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh; cải tạo, nâng cấp các tỉnh lộ; xã hội hóa giao thông nông thôn; xây dựng các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện diesel, nhà máy thủy điện; quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị; đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ, giáo dục - y tế…

Hiện nay, 99,99% người dân trong tỉnh sử dụng điện; tỷ lệ đô thị hóa đạt 50-60%. Từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai liên tục xuất siêu và giá trị xuất siêu đều tăng qua các năm; trong đó, giai đoạn 2001-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 186,75 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 180,46 tỷ USD.

Xây dựng nền công nghiệp hiện đại

Là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN nên giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP từ 50,83% năm 2001 lên 54,62% năm 2010 và tăng lên 55,51% năm 2020. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh có xu hướng chậm lại do từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã chuyển hướng ưu tiên phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên dự án có hàm lượng cao về tri thức và công nghệ, dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư đổi mới công nghệ; hạn chế dự án thâm dụng nhiều lao động, ô nhiễm môi trường. Hiện các doanh nghiệp trong tỉnh có sử dụng công nghệ tự động hóa và bán tự động hóa chiếm hơn 30%.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai  Quản Minh Cường cho rằng, năm 2021, thu ngân sách ở Đồng Nai đạt hơn 60 ngàn tỷ đồng, thu từ xuất - nhập khẩu hơn 25 ngàn tỷ đồng, số thu này chủ yếu từ sản xuất công nghiệp. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy ở Đồng Nai đã có nhận thức cao và nhiều chủ trương lớn về CNH-HĐH nên tỉnh đã có cơ cấu kinh tế hợp lý, phát huy được lợi thế của địa phương.

Tuy nhiên, phát triển công nghiệp không có nghĩa biến Đồng Nai thành nơi tập trung đông dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhất là ở TP. Biên Hòa, đã xây rất nhiều trường học nhưng học sinh vẫn có nguy cơ học ca 3; các tuyến đường ở đô thị, KCN, xe cộ và người tham gia giao thông quá nhiều… 

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường cho rằng, CNH-HĐH là phải lựa chọn được kinh tế mũi nhọn, kinh tế nhà nước, phải tạo ra sản phẩm đặc biệt cho tỉnh, hiện nay tỉnh chưa có sản phẩm đặc biệt của tỉnh. Tỉnh phải có tầm nhìn xa trong quy hoạch sử dụng đất, không thể để đất đai manh mún ở nhiều địa phương như hiện nay. Vừa phát triển công nghiệp nhưng phải đặc biệt coi trọng giữ gìn an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ năng lực để quản trị nền CNH-HĐH đất nước, địa phương…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, phát triển công nghiệp đem lại nguồn thu thuế lớn cho Nhà nước, nhưng để dân giàu thì phải thúc đẩy du lịch và nông nghiệp. Trung ương và địa phương phải tính toán, không phải chỗ nào cũng làm công nghiệp mà phải biết nơi nào có lợi thế so sánh thì tập trung phát triển lợi thế đó. Đồng Nai có địa kinh tế rất thuận lợi cho sự phát triển nhưng phải có hệ thống hạ tầng để thu hút đầu tư có giá trị kinh tế cao, tránh phát triển công nghiệp nhưng lại để gánh nặng về môi trường, an sinh xã hội cho tỉnh.