Phát triển doanh nghiệp tư nhân: 2 định hướng chính sách

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

Thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã có bước phát triển hết sức tích cực nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, đặc biệt trong hoạt động thương mại.

Không nhiều DNTN tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu
Không nhiều DNTN tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu

Báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy: DNTN của Việt Nam hiện vẫn ưu tiên cao cho thương mại nội địa với việc đa số DN này bán hàng, cung cấp dịch vụ cho cá nhân người Việt Nam (66%), công ty tư nhân trong nước (64%) và DN nhà nước khác (24%).

Theo các chuyên gia kinh tế, việc DNTN Việt Nam dành ưu tiên cao cho thương mại nội địa hoàn toàn dễ hiểu bởi đây là thị trường rất tiềm năng với gần 100 triệu dân. Vấn đề được đặt ra là quá chênh lệch với số lượng DN Việt Nam làm ăn với đối tác nước ngoài. Điều này có thể đồng nghĩa với việc cơ hội tham gia trực tiếp vào các chuỗi cung toàn cầu có thể dần bị ít đi với DNTN Việt Nam. Thực tế, chỉ có khoảng 15% DNTN Việt Nam bán hàng hay cung cấp dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Tỷ lệ DNTN Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trực tiếp chỉ 8,4%, còn tỷ lệ xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba vỏn vẹn 7,4%.

Báo cáo của VCCI cũng cho thấy một điều đáng lo ngại là mặc dù đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc DNTN tham gia vào thương mại quốc tế, kể cả cấp các nhà hoạch định chính sách song kết quả mang lại chưa thật khả quan. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện khoảng 21%, thấp hơn khá nhiều so với mức 46% của khu vực ASEAN.

Trước đó, tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, tình trạng nền kinh tế hiện nay, nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần là đáng quan ngại. Đó là việc kinh tế tư nhân trong nước về nguyên tắc phải đóng góp chủ yếu vào GDP, nhưng sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%. Đặc biệt, theo TS. Trần Đình Thiên, có quá ít các tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất.

"Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao" - TS. Trần Đình Thiên nhận xét.

Từ những phát hiện nêu trong báo cáo của VCCI cũng như thực tế hoạt động của DNTN hiện nay, các chuyên gia đề xuất 2 định hướng chính sách. Thứ nhất, để các DNTN Việt Nam có niềm tin vào quan hệ đối tác, xa hơn nữa là mở rộng "trận địa" làm ăn, họ cần được trang bị kiến thức về các điều luật bảo vệ sẵn có, cụ thể là thủ tục giải quyết sẵn có ở Luật Trọng tài thương mại và Hiệp định CPTPP. Thứ hai, thiết lập được một chính sách toàn diện trong đó coi cơ chế giải quyết tranh chấp là một trụ cột trong chuỗi những giải pháp bao gồm: Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hệ thống pháp luật và chất lượng điều hành trong nước.