Phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bảo Châu/dangcongsan.vn

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có nhiều lợi thế và hội đủ các loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng lợi thế logistics, đưa kinh tế khu vực này phát triển mạnh mẽ đang là nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành và địa phương….

Phát triển dịch vụ logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng.
Phát triển dịch vụ logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có trên 1400 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng trên 4% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Không chỉ hạn chế về số lượng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chưa đủ mạnh, chưa cung cấp được dịch vụ logistics tích hợp và chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.

Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho biết, năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; đồng thời Đồng bằng sông Cửu Long cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Với những lợi thế đó, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước…

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực có chi phí logistics hàng nông, thủy sản cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Hạn chế lớn nhất đối với phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường. Chi phí logistics quá cao trở thành gánh nặng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Để khắc phục những hạn chế trên, những năm gần đây, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó có phát triển hệ thống logistics. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng ra Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ðây là những tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển logistics, từ đó góp phần đưa hàng hóa của vùng vươn tầm khu vực và thế giới.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản bằng đường thủy nội địa và đường biển; phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiện đại, các mô hình chợ đầu mối, chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới… Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, chế biến nông sản, các kho - dây chuyền bảo quản, sơ chế, làm mát trước khi đóng hàng vào container để sẵn sàng xuất khẩu…

Hiện nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực đầu tư xây dựng các bến cảng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong vùng. Điển hình như Cảng Cần Thơ đang nghiên cứu triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động khai thác cảng như Smart Gate, E-port, EDI/EDO. Qua đó góp phần tạo thuận lợi cho khách hàng khi đến giao dịch với cảng, giảm thời gian chờ đợi, hướng đến giảm giấy tờ và phát triển hệ sinh thái cảng xanh tại các cảng trực thuộc công ty.

Việc phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, với chiều dài bờ biển trên 700km đi và đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có một tiềm năng to lớn. Đầu tư phát triển tốt cho logistics cũng góp phần giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục được tình trạng thất thoát sau thu hoạch lên đến 20% của nhiều loại nông sản. Vậy nên, việc phát triển dịch vụ logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long thật sự là hướng chiến lược mới để phát triển dịch vụ chủ lực của cả vùng này.

Các cảng địa phương, cảng khu công nghiệp khu vực sẽ là những đầu mối giao thông thuỷ chuyên chở hàng hoá hiệu quả bởi giá thành rẻ hơn, khối lượng vận tải được nhiều hơn so với đường bộ trong tương lai không xa. Vì thế, ngành dịch vụ thực hiện quá trình lưu thông phân phối hàng hoá, thông qua trung tâm logistics có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, trong những năm tới đây, nếu phát triển đồng bộ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tất cả lợi thế của vùng, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./..