Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ở Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được ứng dụng trong nông nghiệp và công nghiệp nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ. Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chính thức đề ra chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta trong thời gian tới. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác quốc tế cũng như tuyên truyền để nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn...

Sự cần thiết phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc. Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2020 được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo là gần 3500 USD. Tuy nhiên, đi kèm với những thành quả tăng trưởng, mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống theo chu trình khai thác, sản xuất và phát thải đã gây ra những vấn đề môi trường không nhỏ.

Thứ nhất, kinh tế tuyến tính truyền thống gây ra sự gia tăng rác thải. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), khối lượng rác thải rắn của Việt Nam vào năm 2018 là khoảng 25,5 triệu tấn, trong đó, rác thải sinh hoạt đô thị khoảng 38 nghìn tấn/ngày và rác thải sinh hoạt ở nông thôn là 32 nghìn tấn/ngày. Nghiêm trọng hơn là rác thải nhựa, rác thải điện tử, rác thải xây dựng và rác thải nguy hại cũng đang tăng rất nhanh. Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam (2019), tiêu thụ nhựa bình quân đầu người năm 2019 ở nước ta là 41kg, cao gấp 10 lần lượng tiêu thụ 3,8kg vào năm 1990. Mặc dù, là nền kinh tế nhỏ nhưng Việt Nam đứng thứ tư thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philipines (Jambeck và cộng sự, 2015).

Thứ hai, kinh tế tuyến tính làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Dự báo tới năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than mỗi năm. Việc tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng, cũng như lãng phí phế thải không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thuật ngữ kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1990 bởi Pearce và Turner (1990). Dựa trên quan điểm rằng, mọi thứ đều có thể là đầu vào của một quá trình sản xuất, các tác giả phê phán hệ thống kinh tế tuyến tính truyền thống và đề xuất một mô hình kinh tế mới gọi là KTTH.

Kể từ khi được chính thức đưa ra bởi Pearce và Turner (1990), đã có nhiều định nghĩa khác nhau về KTTH. Ủy ban châu Âu cho rằng, KTTH chỉ các khía cạnh nguồn lực vật chất của nền kinh tế, tập trung vào tái chế, sử dụng lại các đầu vào vật chất của nền kinh tế và sử dụng chất thải như là nguồn lực đầu vào để giảm tiêu dùng tài nguyên cơ bản.

Mặc dù là khái niệm mới, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tựu chung KTTH bao gồm 3 nội dung cốt lõi: (1) Giảm thiểu phát thải ra môi trường thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu, năng lượng và sử dụng nguyên liệu, năng lượng có khả năng tái tạo; (2) Tái sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm; (3) Tái chế, tận dụng phế liệu, phế thải trở thành đầu vào sản xuất.

Phát triển KTTH là xu hướng phát triển hiện nay của thế giới, không chỉ vì mục tiêu môi trường, mà còn vì mục tiêu kinh tế. Cụ thể:

Một là, KTTH không đơn giản là xử lý và tái chế chất thải của quá trình sản xuất đang có mà hướng tới việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống, quy trình sản xuất sao cho sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên và chất thải tạo ra có thể tái sử dụng.

Hai là, KTTH là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới. Như vậy, KTTH không có nghĩa là hy sinh kinh tế để bảo vệ môi trường (BVMT) mà là mô hình hướng tới mục tiêu kép, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế.

KTTH không phải là một mô hình cho cả nền kinh tế mà trong nền kinh tế có thể áp dụng nhiều mô hình KTTH trong các lĩnh vực, các ngành, các quá trình sản xuất khác nhau. KTTH không phải là mục tiêu mà là phương thức để hướng đến phát triển bền vững. Do đó, việc phát triển KTTH ở nước ta là phù hợp với định hướng phát triển bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa BVMT của Việt Nam.

Quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của BVMT, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã sớm chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với BVMT, hướng tới phát triển bền vững. Ngay trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, Đảng ta đã chủ trương “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến độ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, BVMT”.

Quan điểm phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và BVMT tiếp tục được khẳng định trong các Nghị quyết đại hội Đảng sau đó. Nhiều khía cạnh của KTTH như tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải cũng được đề cập trong các nghị quyết của Đảng. Chẳng hạn, năm 2004, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, “khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng,các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”.

Đến năm 2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...

Như vậy, các nội dung liên quan đến KTTH đã được đề cập khá sớm trong nhiều chủ trương của Đảng gắn với mục tiêu BVMT, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tuy nhiên, khái niệm KTTH chỉ được đề cập trong các văn kiện gần đây của Đảng. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khi đề ra giải pháp phát triển năng lượng tái tạo đã khẳng định “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác BVMT và phát triển KTTH”.

Quan điểm phát triển KTTH được nhấn mạnh trong Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Dự thảo khẳng định “Kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn” và đề ra định hướng trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”. Dự thảo coi “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” là một trong những giải pháp chiến lược trong 10 năm tới.

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển KTTH, bao gồm Luật BVMT 2005, 2015, Luật Khoáng sản 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai 2013 và nhiều văn bản dưới luật. Các nội dung liên quan đến KTTH cũng được thể hiện trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020, Chiến lược BVMT đến 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược tăng trưởng Xanh, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050.

Trong Chiến lược quốc gia về tổng hợp chất thải rắn điều chỉnh năm 2018, Chính phủ khẳng định quản lý chất thải rắn là quản lý toàn bộ vòng đời của chất thải, từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Đây chính là quan điểm phát triển KTTH, mặc dù không đề cập tới thuật ngữ KTTH. 

Dự thảo Luật BVMT sửa đổi năm 2020 đã chính thức đề cập đến khái niệm và các quy định về KTTH. Cụ thể, ngoài phần giải thích thuật ngữ KTTH (Khoản 33, Điều 3), Dự thảo Luật dành riêng một điều về KTTH, trong đó khẳng định KTTH được thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hỗ trợ thúc đẩy KTTH.

Thực trạng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay

Một số mô hình KTTH đã được ứng dụng trong sản xuất kinh doanh ở nước ta. Trong nông nghiệp, việc sử dụng các mô hình KTTH, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khá phổ biến. Điển hình là mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) hay vườn-rừng -ao-chuồng (VRAC) đã được áp dụng từ những năm 1970-1980 sau đó phát triển phổ biến với nhiều vật nuôi, cây trồng khác nhau, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi thức ăn và xử lý chất thải bằng Biogas.

Đây là mô hình KTTH khép kín hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa tận dụng, khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất, đảm bảo kinh tế, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong nông nghiệp và ở nông thôn. Ở nông thôn, cũng phổ biến mô hình sử dụng rơm rạ sau thu hoạch dùng cho trâu bò ăn, sản xuất nấm rơm, vật liệu xây dựng. Một số làng nghề sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như bẹ ngô, rơm rạ làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mô hình KTTH cũng được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp. Cụ thể:

Thứ nhất, trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió. Số dự án năng lượng mặt trời đăng ký tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Năng lượng điện gió cũng rất có tiềm năng phát triển khi có hơn 8% diện tích được xếp hạng có tiềm năng gió tốt, có thể tạo ra 110GW điện, tập trung chủ yếu ở duyên hải miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Mặc dù, còn khó khăn nhưng năng lượng điện gió vẫn đang từng bước phát triển. Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển điện sinh khối với nguồn gỗ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị, phế thải chăn nuôi và các chất hữu cơ khác. Tuy nhiên, hiện tại phát triển năng lượng sinh khối vẫn gặp khó khăn.

Thứ hai, mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp như phế phẩm ngành sản xuất mía đường để làm rượu, phát điện; tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng... Một số doanh nghiệp có ý thức tái chế, tái sử dụng chất thải như mô hình các công ty bia sử dụng lại vỏ chai, tái chế nắp chai bia; các công ty thuốc lá bán cuộng thuốc lá làm phân, mô hình tái chế bao bì của nhóm 9 công ty Việt Nam gồm Cocacola Việt Nam...

Thứ ba, mô hình các khu công nghiệp sinh thái mới ra đời gần đây ở một số địa phương như Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Thứ tư, nhiều làng nghề Việt Nam đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp trong nhiều năm như tái chế thép từ phế liệu, tái chế giấy vụn, tái chế đồ nhựa... vừa tạo ra sinh kế cho người dân, vừa góp phần giải quyết rác thải.

Trong tiêu dùng, nhiều mô hình tiêu dùng xanh ra đời theo hướng sử dụng sản phẩm có khả năng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... Chẳng hạn, nhiều người tiêu dùng có xu hướng bỏ dùng ống hút nhựa, túi ni lông sang sản phẩm bằng hữu cơ; thiết kế nhà ở xanh, sử dụng gió và ánh sáng tự nhiên.

Như vậy, một số KTTH đã được áp dụng khá sớm ở Việt Nam và đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung, các mô hình KTTH ở Việt Nam hầu hết còn chưa phổ biến, chỉ áp dụng hạn chế trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp, chưa thực sự tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng sản xuất và cả xã hội. Đặc biệt, nhiều mô hình KTTH chưa phải là mô hình khép kín, chưa phải là mô hình KTTH đầy đủ được thiết kế từ giai đoạn lập kế hoạch, đầu tư, xây dựng...

Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Có thể khẳng định, phát triển KTTH là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Để phát triển KTTH, trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp sau đây:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến KTTH. Trước hết, cần sớm hoàn thiện dự thảo Luật BVMT sửa đổi để Quốc hội sớm thông qua, nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản cho KTTH. Bên cạnh đó, một số luật và văn bản dưới luật khác có liên quan cũng cần được sửa đổi, điều chỉnh để hỗ trợ và thúc đẩy KTTH phát triển. Chính phủ cần chuẩn bị để sớm cụ thể hóa chủ trương phát triển KTTH theo tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ban hành các chương trình, chính sách thúc đẩy KTTH ở nước ta.

Hai là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH và các mô hình KTTH hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng. Lựa chọn các mô hình KTTH có hiệu quả để giới thiệu, quảng bá trực tiếp đến các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và các hộ sản sản xuất. Với các mô hình đã chứng tỏ thành công ở Việt Nam, cần quảng bá và hỗ trợ nhân rộng mô hình. Với các mô hình đã thành công ở nước ngoài, Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu, chọn lọc và thí điểm áp dụng.

Ba là, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng mô hình KTTH. Nhà nước nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp ứng dụng KTTH; Đồng thời, hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với ứng dụng KTTH vào sản xuất.

Bốn là, tập trung vào các nội dung trọng điểm của KTTH để có chiến lược, chính sách thúc đẩy phát triển. Cụ thể:

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo theo chiến lược dài hạn, tập trung vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối. Để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào năng lượng tái tạo, cần tạo cơ chế đủ hấp dẫn, ổn định trong trung và dài hạn. Đồng thời, tăng cường quản lý quy hoạch, tránh tình trạng đầu tư năng lượng tái tạo ồ ạt, không gắn với nhu cầu và khả năng truyền tải, loại bỏ các dự án không đủ năng lực cạnh tranh hoặc ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Nhà nước có cơ chế để thu hút đầu tư và trực tiếp đầu tư vào năng lượng sinh khối, vừa tận dụng rác thải, phế phẩm để phát điện, vừa giải quyết vấn đề rác thải đang là vấn đề ngày càng lớn ở các đô thị nước ta.

- Đẩy mạnh tái chế rác thải, phế thải, đặc biệt tập trung vào tái chế rác thải đô thị, rác thải công nghiệp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải. Trong 5 năm tới, cần đẩy mạnh việc phân loại rác từ nguồn gắn với việc tái chế, tái sử dụng rác thải hợp lý. Đầu tư mạnh cho các nhà máy phát điện từ rác, có cơ chế thúc đẩy tái chế nhựa, rác thải điện tử, rác thải hữu cơ.

- Khuyến khích các công nghệ, các thiết kế tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tuổi thọ cao, thúc đẩy kinh tế chia sẻ để khai thác hiệu quả hơn sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, giảm phát thải ra môi trường.

Năm là, gắn phát triển KTTH với chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. KTTH cần phải gắn với việc ứng dụng công nghệ mới, đổi mới và sáng tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm phế thải, khép kín chuỗi giá trị sản xuất.

Sáu là, tích cực hợp tác quốc tế trong phát triển KTTH. Việt Nam cần hợp tác và nhận hỗ trợ quốc tế trong xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến KTTH cũng như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, ứng dụng các mô hình KTTH và truyền thông về KTTH. Khai thác được sự hỗ trợ quốc tế sẽ giúp Việt Nam đi nhanh hơn trong phát triển KTTH.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trang 26;

2. Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trang 67;

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, Tọa đàm với Bộ môi trường Nhật Bản;

4. EEA (European Environment Agency) (2014), “Resource-efficient Green Economy and EU policies’’, Luxembourg: Publications Office of the European Union;

5. Ellen MacArther Foundation (EMA) (2013) “Towards the Circular Economy: Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition”. (https://tinyurl.com/hzfrxvb);

6. Jambeck (2015). Plastic waste inputs from land into the ocean, Science, 347 (6223) (2015) 768-771;

7. Mitchell, P (2015) “Employment and the circular economy – Job creation through resource efficiency in London”, report produced by WRAP for the London Sustainable Development Commision, the London Waste and Recycling Board and the Greater London Autority.