Phát triển thương mại điện tử ở nông thôn thông qua mô hình “logistics hai chiều”


Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có nhiều tiềm năng phát triển ở khu vực nông thôn Việt Nam, đặc biệt, đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã “đánh thức” thương mại điện tử ở nông thôn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội phát triển, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thúc đẩy thương mại điện tử ở khu vực nông thôn thông qua mô hình logistics 2 chiều.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Phát triển thương mại điện tử ở khu vực nông thôn Việt Nam

Trước sự bùng nổ của công nghệ số, phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nông thôn trở thành một xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và phần lớn cư dân ở khu vực nông thôn.

Là nước xuất khẩu nông sản với sản lượng lớn nhất nhì thế giới nhưng những sản phẩm song năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam vẫn còn thấp. Số liệu thống kê của Cục Sở hữu nông nghiệp cho thấy, có đến 80% hàng nông sản của Việt Nam bán ra thị trường quốc tế phải “đội lốt” doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, tại nhiều khu vực nông thôn, người nông dân vẫn đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá” và họ vẫn được hưởng lợi tối ưu từ hoạt động nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng TMĐT nhằm thúc đẩy phát triển các vùng nông thông hết sức quan trọng. Trong đó, việc đem những thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 để ứng dụng vào nông nghiệp là việc làm cấp thiết và quan trọng.

Tại Việt Nam, mặc dù tỷ trọng TMĐT khu vực nông thôn còn thấp, song xét trên nhiều phương diện, khu vực này có rất nhiều tiềm năng. Với chủ trương phát triển chuyển đổi số, kinh tế số của Chính phủ cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng cho TMĐT, trong những năm qua, độ phủ của internet khu vực nông thôn ngày càng được mở rộng, số lượng người dùng internet, thiết bị thông minh tăng nhanh; nhận thức và trình độ của người dân về vai trò của giao dịch TMĐT ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy tiềm năng TMĐT khu vực nông thôn. TMĐT giúp hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, giúp cung ứng các sản phẩm nông nghiệp từ các khu vực nông thôn đến các khu vực thành thị, hoặc các khu vực cách li, nhằm đảm bảo phân phối hàng nông sản, giảm thiểu nguy cơ khan hàng, tăng giá...

Phát triển thương mại điện tử ở nông thôn thông qua mô hình “logistics hai chiều” - Ảnh 1

Trong những năm qua, nhận thức rõ tiềm năng phát triển của TMĐT nông thôn, Viettel Post là một trong những doanh nghiệp logistics đi đầu đầu tư về kho bãi trên quy mô toàn quốc khi có tới 3 tổng kho đặt tại 3 tỉnh thành lớn và 63 kho nhỏ đặt tại 63 tỉnh, thành. Việc sử dụng hệ thống xe chuyên biệt cùng tận dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp, Viettel Post vận chuyển hàng hóa, nông sản từ nông thôn đến thành thị một cách nhanh chóng và bảo đảm chất lượng. Điều này tạo dựng được niềm tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm nông sản của các vùng miền Việt Nam.

Khó khăn, thách thức

Sự phát triển mạng internet và công nghệ IoT (“internet vạn vật”) sẽ giúp cho nhà nông tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thông qua TMĐT, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam cũng như thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị. Người dân khu vực nông thôn không chỉ thành chủ thể mua sắm trên các sàn TMĐT mà cuộc cách mạng kinh tế số còn giúp người nông dân đưa các sản phẩm của mình thành hàng hóa trên sàn TMĐT...

Dù có nhiều cơ hội phát triển TMĐT, song việc khai thác tiềm năng của khu vực nông thôn không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có một hệ thống hạ tầng logistics thống nhất, chuyên biệt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và TMĐT nông thôn... Nhu cầu vận chuyển sản phẩm, hàng hóa gia tăng tại khu vực nông thôn đặt ra yêu cầu phát sinh thêm nhiều điểm gom hàng, kho bãi lưu trữ. Những địa điểm này sẽ đặt tại khu vực nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp thay vì tại các thành phố lớn, khu vực đông dân cư như hiện nay.

Hiện nay, công tác thu gom, phân phối hàng hóa nông sản cũng không hiệu quả do dịch vụ còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng. Hoạt động logistics tại khu vực nông thôn vẫn còn manh mún, thiếu tính kết nối. Trong khi đó, chi phí logistics cao, không tối ưu được nguồn lực.

Bên cạnh đó, hoạt động logistics ở nông thôn cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác như: Thiếu sự dẫn dắt của công nghệ thông tin để điều phối, kết nối giữa cung và cầu; Thiếu nguồn lực nhân sự chất lượng cao, có trình độ; Không đồng đều về kỹ thuật sản xuất; Thiếu nguồn tiêu thụ ổn định... Đặc biệt, hệ sinh thái phục vụ cho logistics nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa liên kết được với những sản phẩm số khác để đáp ứng nhu cầu người dân.

Phát triển thương mại điện tử bằng mô hình "Logistics hai chiều" ở khu vực nông thôn

Những lợi ích to lớn từ công nghệ số, từ TMĐT sẽ hỗ trợ rất tích cực cho logistics khu vực nông thôn của Việt Nam. Vấn đề hiện nay là muốn đẩy mạnh nền kinh tế nông nghiệp nông thôn bằng TMĐT, nhân tố không thể thiếu đó là cần đầu tư xây dựng hạ tầng logistics nông nghiệp nông thôn, trong đó, cần đẩy mạnh phát triển mô hình "Logistics hai chiều".

Phát triển thương mại điện tử ở nông thôn thông qua mô hình “logistics hai chiều” - Ảnh 2

Các yếu tố cơ bản liên quan của mô hình "Logistics hai chiều" của TMĐT nông thôn bao gồm: Nông dân, người tiêu dùng thành phố, nền tảng TMĐT (trung tâm của mô hình), người bán hàng tiêu dùng và vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp logistics, các công ty tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ xã hội và các cơ quan bảo lãnh. Với nền tảng TMĐT là trung tâm, có thể thấy 2 luồng di chuyển của hàng hóa như sau:

- Người nông dân ở nông thôn đặt hàng các sản phẩm tiêu dùng, vật tư nông nghiệp trên sàn TMĐT từ người bán hàng. Doanh nghiệp logistics sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển đến cho người mua.

- Người tiêu dùng khu vực thành thị đặt hàng các sản phẩm nông nghiệp - lúc này người nông dân đóng vai trò người bán. Công ty logistics sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển đến cho người mua.

Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ số sẽ được tích hợp vào nền tảng TMĐT nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, sản xuất của các bên liên quan (Tín dụng, bảo hiểm, an sinh xã hội…).

Có thể hệ thống hóa các giai đoạn phát triển TMĐT nông thôn dựa trên mô hình “Logistics hai chiều” như sau:

Giai đoạn 1: Đưa người dân tham gia sàn TMĐT

Quá trình đưa người nông dân tham gia vào sàn TMĐT có thể được thực hiện và “mô hình hóa” theo hai cách như Hình 2 và Hình 3.

Giai đoạn 2: Hỗ trợ tiêu thụ nông sản của người nông dân.

Trong giai đoạn này, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân có thể thực hiện thông qua cać mô hình  như Hình 4, 5, 6.

Phát triển thương mại điện tử ở nông thôn thông qua mô hình “logistics hai chiều” - Ảnh 3

Giai đoạn 3: Thúc đẩy hoạt động hai chiều trên sàn TMĐT.

Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hoàn thiện mô hình logistics TMĐT nông thôn. Theo đó, cần xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết như việc hỗ trợ người nông dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội (Bảo hiểm, tài chính, tín dụng…) và các tiện ích cộng thêm như: Cập nhật các kiến thức, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối vận chuyển hay mua hàng tiêu dùng, các nguyên liệu, sản phẩm phục vụ hậu cầu sản xuất nông nghiệp (máy móc, dụng cụ nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu…).

Một số đề xuất, kiến nghị

Để thúc đẩy TMĐT ở nông thôn bằng mô hình logistics hai chiều trong thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung sau:

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

- Đẩy nhanh việc xây dựng các điểm và trung tâm logistics ở nông thôn cấp quận/huyện. Theo đó, cần tích hợp các nguồn lực logistics nông thôn liên quan đến vận tải, thương mại, cung ứng và tiếp thị nông trại, và các dịch vụ chuyển phát; phát triển mạng lưới logistics nông thôn dựa trên ba cấp nút (quận hoặc huyện, thị xã và làng hành chính). Các trung tâm logistics ở nông thôn cũng nên kết hợp với các chợ, các điểm thu mua nông sản, các trung tâm tái chế tài nguyên tái tạo và các trung tâm phân phối nông sản đầu vào... Xác định và tạo dựng các điểm và trung tâm logistics nông thôn cấp tỉnh/quận với 2 mục đích là trạm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, hình thành các “Trung tâm thương mại tích hợp” cấp huyện/xã.

- Thúc đẩy tính liên kết giữa các nền tảng thông tin logistics và hệ thống thông tin DN để liên kết hiệu quả các bên tham gia khác nhau trong chuỗi cung ứng. Chính phủ cần chủ động trong việc đóng vai trò điều phối trong nỗ lực khuyến khích các DN chuyển phát, DN vận tải nông thôn, và dịch vụ bưu chính sử dụng Internet để kết nối với nhau và chia sẻ nguồn lực nhằm giảm chi phí logistics ở nông thôn.

- Xây dựng hạ tầng logistics dùng chung phục vụ cho Logistics hai chiều từ nông thôn về thành thị và ngược lại. Thực hiện việc xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng logistics thông qua việc kết nối dữ liệu tại các doanh nghiệp logistics và các bên tham gia khác nhau trong chuỗi cung ứng.

 - Mở rộng kênh hỗ trợ tài chính, đầu tư, hợp lý hóa và tối giản hóa về thủ tục, hồ sơ vay vốn, hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN logistics, vận tải nông thôn. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng và thông lệ thương mại, trong đó cần xếp hạng tín nhiệm cho các nhà điều hành kinh doanh có liên quan kể cả DN cung cấp dịch vụ logistics nông thôn...

- Hoàn thiện các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật cho lưu thông hàng hóa gắn với nền tảng thông tin, thiết bị và công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh liên quan đến nông nghiệp. Cải thiện và số hóa các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật phục vụ các công tác sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông nghiệp và Thương mại.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics

- Để xây dựng một bức tranh tổng thể hạ tầng logistics nông thôn, có rất nhiều việc phải làm trong đó, quan trọng nhất là phải hình thành một hạ tầng logistics dành riêng cho nông nghiệp, nông thôn. Bởi sản phẩm nông nghiệp là nhóm sản phẩm rất đặc thù với các phương thức bảo quản, lưu trữ riêng biệt, khó có thể đồng nhất với hệ thống vận chuyển TMĐT thông thường.

- Nhanh chóng đầu tư và ứng dụng CNTT trong việc điều hướng, xác định hành trình vận chuyển để tối ưu hóa quãng đường và số lượng chuyến xe di chuyển nhằm giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2 ra môi trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành yêu cầu bắt buộc trong hoạt động TMĐT và riêng với lĩnh vực logistics nhằm tối ưu hóa các lợi ích, giảm thiểu các chi phí, tổn thất khi giao hàng...

- Doanh nghiệp logistics nên hướng đến “logistics xanh” bằng cách sử dụng các sản phẩm đóng gói, sản phẩm hỗ trợ vận chuyển có khả năng tái chế hoặc sử dụng nhiều lần để vừa bảo đảm môi trường vừa giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu. Qua đó, TMĐT nông thôn chỉ có thể phát triển bền vững và bảo đảm mục tiêu dài hạn khi bảo vệ an toàn hệ sinh thái nông thôn.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tận dụng lợi thế, giải quyết các điểm nghẽn trong hoạt động TMĐT nông thôn bằng mô hình logistics hai chiều. Thành lập các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp để đưa ra các kế hoạch liên quan đến phát triển và cải thiện logistics nông thôn; ưu tiên nghiên cứu về tích hợp logistics chuỗi lạnh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...

Đối với chính quyền địa phương

- Cải thiện việc bố trí các điểm trung chuyển logistics cấp thị trấn. Xúc tiến việc chuyển đổi các bến hành khách nông thôn cấp thị trấn theo mô hình “ba nhà ga trong một” (nhà ga hành khách, trạm kiểm soát giao thông và trung tâm logistics nông thôn). Các điểm này có thể kết hợp các chức năng sau: (i) dịch vụ vận tải hành khách, (ii) kiểm soát giao thông, (iii) kho đầu vào nông nghiệp, (iv) kho hàng nông sản, (v) lưu kho và phân phối hàng tiêu dùng, (vi) tái chế tài nguyên tái tạo, và (vii) thu thập và phân phối bưu kiện nhanh.

- Thúc đẩy việc sử dụng các siêu thị nông thôn, cửa hàng làng, điểm dịch vụ bưu điện, hợp tác xã trang trại. Chú trọng phát triển các trung tâm logistics nông thôn nhỏ gọn như các điểm đầu - cuối, tận dụng lợi thế cả về phân phối và thu gom hàng hóa. Khi một lượng lớn các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận TMĐT, hạ tầng hậu cần TMĐT khu vực nông thôn sẽ không chỉ dừng ở việc phục vụ cho kết nối vận tải. Vì vậy cần có những tính năng khác đáp ứng nhu cầu cho đối tượng người dân sinh sống tại khu vực nông thôn như: Cung cấp thiết bị sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thuộc trừ sâu...

- Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kiến thức, thành lập các tổ chức nghiên cứu chuyên gia để khuyến khích các ý tưởng/sáng kiến nhằm khai thác tối đa nên tảng hạ tầng TMĐT nông thôn và logistics nông thôn.

Đối với người dân khu vực nông thôn

- Tích cực và chủ động tham gia vào quá trình xây dựng và vận hành TMĐT nông thôn bằng mô hình logistics hai chiều bởi hơn ai hết họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ mô hình này.

- Tự nâng cao kiến thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, thực hiện các quy trình bảo quản, an toàn thực phẩm, tham gia vào các khâu hỗ trợ vận chuyển, cung ứng, marketing...

Tài liệu tham khảo:

1.Bộ Công Thương (2020), Báo cáo Logistics Việt Nam: Cắt giảm chi phí logistics (2021);

2.Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (2021). Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021;

3.Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (2021), Tham luận “Thúc đẩy thương mại điện tử nông thôn bằng mô hình Logistics hai chiều”;

4.Minh Long (2021). “Đánh thức” TMĐT nông thôn bằng hạ tầng logistics. Báo Công Thương điện tử.

(*)ThS. Cao Cẩm Linh - Giám đốc chiến lược - Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2021.